Chủ nhật, 24/11/2024 03:37 (GMT+7)
Thứ năm, 24/10/2024 17:16 (GMT+7)

Nguồn gốc tên của bão Trà Mi ít người biết

Theo dõi KTMT trên

Tên bão Trà Mi được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản chọn theo thứ tự lần lượt của danh sách 140 tên bão do nhiều nước gửi tới. Trà Mi là tên bão do Việt Nam đề xuất và được lựa chọn sử dụng cho cơn bão số 6 năm nay.

Có nhiều cách gọi khác nhau tùy thuộc vào khu vực phát sinh bão để định danh một cơn bão. Bão hình thành trên biển Đại Tây Dương gọi là Hurricanes. Bão hình thành trên biển Thái Bình Dương gọi là Typhoon. Bão hình thành trên biển Ấn Độ Dương: gọi là Tropical Cyclones.

Thông thường, các cơn bão có thể tồn tại trên biển trung bình từ 7 - 8 ngày, thậm chí có thể lâu hơn. Trên cùng một khu vực, cùng một thời gian có thể có từ 2 đến 3 cơn bão tồn tại, hoặc nhiều hơn. Do đó, phải đặt tên cho các cơn bão để tránh nhầm lẫn trong việc đưa ra các thông tin về từng cơn bão.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo quy tắc ở từng khu vực.

Từ năm 1950, các cơn bão ở Đại Tây Dương và nam bán cầu (Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương) được đặt tên nhưng không theo quy tắc cụ thể. Đến năm 1953, các cơn bão nhiệt đới sẽ được đặt tên theo tên nữ giới, sắp xếp theo bảng chữ cái.

Đến năm 1978, tên nam giới được bổ sung vào danh sách và xen kẽ với tên nữ giới. Ví dụ, nếu cơn bão đầu tiên trong năm bắt đầu bằng chữ A - Anne, cơn bão tiếp theo sẽ bắt đầu bằng chữ B - Bernard.

Với riêng khu vực Đại Tây Dương, WMO sử dụng danh sách gồm 21 tên để đặt cho các cơn bão. Tổng cộng, 6 danh sách sẽ được sử dụng luân phiên qua các năm. Theo đó, danh sách tên bão năm 2019 sẽ được sử dụng lại vào năm 2025. Điểm đặc biệt, tên các cơn bão không bắt đầu bằng các chữ cái Q, U, X, Y hoặc Z.

Các quốc gia ở Bắc Ấn Độ Dương bắt đầu sử dụng hệ thống mới để đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới từ năm 2020. Những cơn bão được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái, theo từng quốc gia và được đặt bằng những cái tên trung tính.

Quy tắc chung là danh sách đặt tên các cơn bão được đề xuất bởi Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NMHSs). Danh sách này được các cơ quan tương ứng phê duyệt tại các phiên họp hàng năm hoặc hai năm một lần.

Với khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (trong đó có các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam), phần lớn cơn bão được đặt tên theo tên địa danh, động vật hoặc thực vật. Mỗi quốc gia trong khu vực được đặt 10 tên bão, chia thành 5 danh sách và sẽ xoay vòng theo năm.

Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương được đặt tên theo danh sách các tên mới. Các tên mới được bổ sung gồm các tên do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là thành viên Ủy ban bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đề xuất. Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.

Nguồn gốc tên của bão Trà Mi ít người biết - Ảnh 1
 Danh sách tên các cơn bão đã được WMO thông qua.

Danh sách tên bão mới phần lớn là tên các loài hoa, chim, cây cỏ, động vật và thậm chí là tên các món ăn. Có thể kể tới một số tên bão như: Yagi (con dê); Damrey (con voi); Pulasan (một loại trái cây ở Malaysia); Krathon (một loại trái cây ở Thái Lan);...

Một số tên bão khác là tên nhân vật nổi tiếng ở các nước: Wukong (Ngộ Không); Prapiroon (thần mưa ở Thái Lan); Son-Tinh (thần núi ở Việt Nam)...

Các cơn bão hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương được WMO ủy quyền cho Trung tâm Báo bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên.

Trung tâm Bão Nhiệt đới Tokyo - Cơ quan Khí tượng Nhật Bản sẽ lần lượt dùng những tên trong ngân hàng 140 tên trên để đặt cho các cơn bão trong khu vực.

Mỗi năm, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có sự xuất hiện của từ 20-23 cơn bão, trong khi chỉ có 140 tên bão, do đó cứ sau trung bình mỗi 6 năm, tên bão sẽ phải lặp lại một lần.

Ví dụ, tên bão Trà Mi từng được đặt cho các cơn bão xuất hiện năm 2018, 2013 và 2006.

Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) là một trong 6 Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành khu vực thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới. Trung tâm này là cơ quan chịu trách nhiệm dự báo, cảnh báo và đặt tên các cơn bão nhiệt đới hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông.

Hiện tại, danh sách tên bão do Việt Nam đề xuất, được sử dụng đặt tên bão quốc tế gồm 10 tên: SonTinh (Sơn Tinh), CoMay (Cỏ May), Bavi (Ba Vì), LucBinh (Lục Bình), Sonca (Sơn Ca), Trami (Trà Mi), Halong (Hạ Long), BangLang (Bằng Lăng), Songda (Sông Đà), Saola (Sao La).

Tuy nhiên, nếu cơn bão gây ra thiệt hại quá lớn về người và của, tên đó sẽ bị xóa không sử dụng để tránh gợi nhắc những ký ức đau thương của người dân và quốc gia đó. Ví dụ, Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai (Việt Nam đề cử) ra khỏi danh sách tên bão vì cơn bão mang tên này đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Hàn Quốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.

Quay trở lại với bão Trà Mi, đây là tên do Việt Nam đề xuất. Trà Mi được biết đến là một loài hoa. Hoa trà mi còn có tên gọi khác là hoa sơn trà, hoa có tên khoa học là Camellia Japonica, thuộc chi chè. Hoa có nguồn gốc từ vùng Đông Á.

Hoa trà mi có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, đỏ, hồng... Dịp Tết Nguyên đán, các gia đình Việt Nam có thú chơi cây trà mi do hoa nhiều, rực rỡ, tươi lâu. Hoa trà mi có màu sắc rất đa dạng và rất đẹp mắt được lai tạo từ nhiều hạt giống khác nhau như hoa trà mi ngũ sắc, hoa trà my hồng phấn,.... Hiện nay trà mi phổ biến với 3 loại màu đó là hoa trà mi trắng, hoa trà mi tím và hoa trà mi đỏ. Loài hoa này có thời gian nở phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. 

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Nguồn gốc tên của bão Trà Mi ít người biết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới