Chủ nhật, 24/11/2024 10:01 (GMT+7)
Thứ ba, 06/12/2022 10:55 (GMT+7)

Nhà máy điện gió của Trung Nam Group bị Thanh tra Chính phủ "gọi tên"

Theo dõi KTMT trên

TTCP vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 1858/KL-TTCP về việc nêu trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Nhà máy điện gió Ea Nam của Trungnam Group bị gọi tên

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận Thanh tra số 1858/KL-TTCP về việc nêu trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng và công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Theo kết luật của Thanh tra Chính phủ, về công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất đai còn có một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.

Cụ thể, tại dự án nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H'leo do Công ty Cổ phần xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư, chưa có quyết định thu hồi và bàn giao ký hợp đồng thuê đất, hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng nhưng Chủ đầu tư đã tiến hành thi công xây dựng trụ móng tuabine, nhà điều hành, trạm biến áp. Điều này vi phạm quy định tại Luật Đầu tư 2014 và Luật Đất đai 2013; ảnh hưởng đến hoạt động canh tác đất nông nghiệp và người dân địa phương. Đến nay theo báo cáo của UBND tỉnh, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu Chủ đầu tư hoàn thiện trình tự, thủ tục của dự án để đưa dự án vào vận hành, phát điện theo quy định, nhưng những sai phạm, tồn tại cần được kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Nhà máy điện gió của Trung Nam Group bị Thanh tra Chính phủ "gọi tên" - Ảnh 1
Một phần của Thông báo Kết luận Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, Dự án nhà ở thương mại (tại Khối 7, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuộc, tỉnh Đăk Lăk) và Dự án Nhà ở xã hội khu tập thể Công ty Cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk cũng bị “gọi tên”. Qua đó, 2 dự án này đã để xảy ra vi phạm về đất đai, xây dựng nghiêm trọng, diễn ra thời gian dài, báo chí nêu, gây bức xúc dư luận nhưng việc xử lý chưa dứt điểm, chưa cương quyết áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 107 Luật Xây dựng 2014.

Đối với Dự án trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng và Dự án nhà máy điện mặt trời kết hợp với Nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp; qua kiểm tra, xác minh thấy việc phê duyệt quy hoạch, chủ trương đầu tư, tổ chức thực hiện, gia hạn dự án thấy có nhiều bất cập.

Mặt khác trong vùng dự án có 89,72 ha rừng tự nhiên khoanh nuôi và bảo vệ đã được Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (trước đây là Binh đoàn 16) giao cho UBND huyện Ea Súp quản lý cần được kiểm tra, kiểm kê lại nếu không còn đủ diện tích cần phải được xử lý theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Đối với các công trình điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên trang trại, Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk và các cấp chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý để người dân lách luật xây dựng công trình điện mặt trời lắp đặt trên trang trại đất nông nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và đây là nguyên nhân dẫn đến quá tải cho hệ thống điện quốc gia, hiện phải giảm áp, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

“Liên quan đến tình trạng để các doanh nghiệp xây dựng công trình điện mặt trời trái phép trên trang trại đất nông nghiệp trên địa bàn còn có trách nhiệm của Tổng công ty Điện lực Miền Trung và trực tiếp là Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk”, Thanh tra Chính phủ chỉ ra.

Cùng với đó, tại Dự án Đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt tại Thôn 8, xã Ea Lại, huyện M'Drắk, UBND tỉnh chủ trương tạm ứng số tiền hơn 55 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ chủ đầu tư đền bù, giải phóng mặt bằng. Đến nay nhà đầu tư chưa thống nhất hoàn trả, dẫn đến nguy cơ mất tiền ngân sách nhà nước.

Trong công tác quản lý rừng tự nhiên, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, bảo vệ 71,5 ha rừng tự nhiên, nhưng hiện nay chỉ còn lại 20,27 ha, suy giảm 51,23 ha so với diện tích ban đầu nhưng UBND tỉnh chưa làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý.

Qua đó, Kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm, vi phạm về quản lý sử dụng đất đai và các dự án đầu tư ngoài ngân sách thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực; Giám đốc các Sở (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư…).

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, căn cứ kết quả thanh tra, tiến hành kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của UBND tỉnh và các cá nhân về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu tại kết luận thanh tra. Tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại.

Bên cạnh đó, về nội dung liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk nghiêm túc thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị đã nêu.

Tình hình kinh doanh Trungnam Group ra sao?

Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được thành lập vào 2004, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng. Sau 18 năm hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử. Tập đoàn được lèo lái bởi 2 doanh nhân khá kín tiếng là ông Nguyễn Tâm Thịnh (1973) – Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (1967) – Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tập đoàn bước vào lĩnh vực năng lượng tái tạo từ 2018 và đây là lĩnh vực tạo nên tiếng vang cho Trungnam Group các năm gần đây. Vị CEO khẳng định trong 5 lĩnh vực ngành nghề chiến lược thì năng lượng tái tạo là mảng chính và được đầu tư phát triển nhất. Điều này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ khi đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.

Tính đến nay, tập đoàn có 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492,2 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành, phần lớn trong năm 2021, đặc biệt, các dự án điện gió của tập đoàn đa phần hoàn thành vào cuối tháng 10/2021 - kịp hưởng giá ưu đãi. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.

Theo số liệu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670 MW. Như vậy, công suất của Trungnam Group chiếm hơn 7,2% tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo cả nước. 2 dự án lớn nhất của tập đoàn là điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam sản lượng 1,2 tỷ kWh, tổng đầu tư 12.000 tỷ đồng và dự án điện gió Ea Nam, sản lượng 1,1 tỷ kWh, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng. Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam được khởi công và khánh thành ngay trong năm 2020.

Nhà máy điện gió của Trung Nam Group bị Thanh tra Chính phủ "gọi tên" - Ảnh 2
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam tại huyên Ea H'leo do Công ty Cổ phần xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư.

Năm 2021, Trungnam Group có 31 thành viên hoạt động trên 3 lĩnh vực chính: NLTT, bất động sản và hạ tầng. Công ty cho biết doanh thu 2021 đạt 600 triệu USD, EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) 240 triệu USD. Tổng tài sản cuối năm 2021 đạt 4 tỷ USD. Công ty chưa công bố chi tiết về tổng nợ vay bao gồm các khoản TPDN và các ngân hàng.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư để chia sẻ các thông tin liên quan đến triển vọng phát triển của ngành năng lượng tái tạo (NLTT) sau Quy hoạch Điện VIII và các kế hoạch kinh doanh, tài chính trong các năm tới, bà Đỗ Tú Anh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Trungnam Group cho biết hiện một số nhà đầu tư đang nhìn vào thông tin Trungnam Group phát hành trái phiếu mà không nhìn vào đặc điểm của các trái phiếu này.

Trong số 27.000 tỷ trái phiếu huy động cho các dự án NLTT, có 20.000 tỷ là trái phiếu dự án Trungnam Group huy động từ các định chế tài chính. Ngay từ lúc lập dự án, Trungnam chịu sự thẩm định dự án của Vietcombank. Dòng tiền trả nợ bản chất đến từ dự án, tóm lại chỉ số kiểm soát nợ, chỉ số rủi ro Trungnam hoàn toàn kiểm soát được nếu không thì đã có tình trạng nhảy nhóm nợ.

7.000 tỷ còn lại chủ yếu là các khoản huy động đầu tư cho tài sản cố định, bao gồm 5.500 tỷ đầu tư sà lan, xe cẩu, xe siêu trường… Đây là các tài sản tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn của Trungnam Group trong hoạt động phát triển dự án tại các khu vực có địa thế phức tạp.

Dự kiến, sẽ có khoảng 6.500 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023, 3.500 tỷ sẽ đáo hạn vào năm 2024, 2.500 tỷ đáo hạn năm 2025 và từ năm 2026 đến 2035 là thời gian đáo hạn của số dư nợ còn lại.

Doanh thu của riêng mảng NLTT bao gồm điện gió, điện mặt trời và thủy điện ước tính cho năm 2023 là 323 triệu USD (tương đương hơn 8.000 tỷ theo tỷ giá USD hiện hành). Biên EBITDA lên đến 90% doanh thu, EBITDA dự phóng cho năm 2023 là 293 triệu USD (tương đương 7.300 tỷ đồng).

Đại diện Trungnam cũng cho biết sẽ thoái vốn khỏi các dự án bất động sản với quỹ đất 600 ha trong thời gian tới để thu tiền về. Trungnam Group cho rằng không gặp khó khăn đối với khả năng trả lãi và trả gốc trái phiếu trong tương lai.

Khoảng 80% nhu cầu vốn đầu tư mới cho các dự án điện gió phù hợp với Quy hoạch điện VIII với quy mô 2,84 GW sẽ được tài trợ bằng nợ trong giai đoạn đầu. Tổng vốn chủ sở hữu cần thiết ban đầu là 251 triệu USD trong năm 2023, khoảng 544 triệu USD trong những năm tiếp theo.

Trungnam Group cũng đang lên kế hoạch huy động vốn với tổng mức huy động dự kiến khoảng 1 tỷ USD để tài trợ vốn cho các dự án đầu tư. Huy động vốn nước ngoài sẽ được ưu tiên trong thời gian tới. 

Trung Nam đã lên các phương án huy động vốn bao gồm trả chậm nhà thầu EPC kèm các khoản vay, ký kết các khoản vay với ngân hàng sau hai năm hoặc vay ngân hàng ngay từ đầu với tối đa 85% giá trị hợp đồng EPC nhưng không vượt quá 80% tổng mức đầu tư toàn dự án, lãi suất dự kiến sẽ bằng Lãi suất qua đêm có bảo đảm (SOFR) – một lãi suất tham chiếu mới thay thế LIBOR.

Doanh nghiệp này cho biết các điều kiện tái tài trợ và lịch trả nợ sẽ cạnh tranh hơn do các ngân hàng sẽ ưu tiên cho các dự án có lịch sử hoạt động tốt hoặc các dự án đã phát điện lên lưới. Trong bối cảnh ngày một phát triển của mảng NLTT tại Việt Nam, các dự án NLTT cũng dễ dàng tiếp cận hơn nguồn vốn quốc tế với các điều kiện ưu đãi hơn.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nhà máy điện gió của Trung Nam Group bị Thanh tra Chính phủ "gọi tên". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới