Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá 16.000 tỷ sắp vận hành thử
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ vận hành thử vào đầu tháng 12/2024. Đây là dự án có quy mô lớn, kỳ vọng sẽ làm hồi sinh các dòng sông chết tại Hà Nội.
Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội, do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ (2013-2025), nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ bằng đầu tư phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra nhằm nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.
Dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên phạm vi lưu vực (S2) khoảng 4.874ha bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ, quận Hà Đông và Khu đô thị mới) với tổng chiều dài cống các loại khoảng 41,362km, đường kính từ 400mm - 2.400mm.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá 13,8 ha tại thôn Tràng, thôn Thượng và thôn Nội, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Theo Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội, ngày 22/11, đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì kiểm tra tiến độ Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội.
Dự án được triển khai đồng loạt 4 gói thầu. Với gói thầu số 1 xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1/12 tới. Hai gói thầu còn lại còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Kết luận tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá rất quan trọng đối với việc xử lý môi trường của Hà Nội. Hiện, Gói số 1, cảnh quan Nhà máy cơ bản đã hoàn thành. Về thu gom nước thải có 3 gói thầu, trong đó, gói số 2 đã cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, qua quan sát thực tế, khi Nhà máy vận hành sẽ chưa thể thu gom triệt để nước thải vào sông, nhất là đoạn thượng lưu do còn 8 cửa xả chưa được thu gom vào hệ thống. Do đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông yêu cầu bổ sung thu gom ngay 8 cửa xả vào hệ thống để đấu nối triệt để, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
"Đề nghị Sở Xây dựng tham mưu Thành phố, bổ sung đấu nối 8 cửa xả vào hệ thống thu gom của Nhà máy. Nếu không kịp, phải có phương án bịt hết các cửa, tuyệt đối không để xả thải trực tiếp vảo sông Tô Lịch chưa qua xử lý. Cùng với đó, có phương án bổ cập nước sạch để cải thiện môi trường sông Tô Lịch", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông chỉ đạo.
Lưu ý có một số điểm đã hoàn trả mặt bằng nhưng chưa được dọn dẹp vệ sinh môi trường, gây mất mỹ quan đô thị và cảnh quan môi trường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông yêu cầu Sở Xây dựng, nghiên cứu, phân cấp và bàn giao cho quận, huyện để đảm bảo vệ sinh, môi trường cảnh quan dọc bờ sông.
Nhấn mạnh khi Nhà máy vận hành, sơ bộ sẽ phát sinh khoảng 200 tấn bùn thải/ngày, do đó, đồng chí Nguyễn Trọng Đông yêu cầu cần phải sớm tính vị trí đổ bùn thải, không chỉ phục vụ cho riêng Nhà máy này mà còn đối với các Nhà máy xử lý khác. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông giao Sở Xây dựng sớm đề xuất xây dựng Nhà máy xử lý bùn của Thành phố tại huyện Thường Tín, để đáp ứng được nhu cầu xử lý bùn thải, (từ nay đến năm 2030, phải đáp ứng tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 100%).
Thời gian thử nghiệm Nhà máy trong vòng 6 tháng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông đề nghị Sở Xây dựng sớm tham mưu xây dựng và ban hành đơn giá xử lý nước thải để tổ chức đấu thầu, vận hành Nhà máy xử lý nước thải hiệu quả.
Duy Khánh