Nhân sự sẽ là nhân tố đặc biệt quan trọng trong quan hệ quốc tế
Mới đây, khoá học bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đối ngoại nhân dân tiếp tục thảo luận các chuyên đề về công tác đối ngoại Việt Nam, quy trình tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế, vai trò thỏa thuận quốc tế.
Thách thức và giải pháp của công tác đối ngoại Việt Nam
Đứng trước bối cảnh thế giới liên tục diễn biến nhanh và phức tạp, PGS.TS Đặng Đình Quý, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ những cập nhật về tình hình thế giới.
Cụ thể, PGS.TS Đặng Đình Quý dự đoán nhiều kịch bản chiến tranh sẽ diễn ra và yếu tố quan trọng nhất là nhân sự. Những cạnh tranh về kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ… sẽ hình thành ngày càng rõ hơn, giảm hiệu quả của các cơ chế đa phương trong hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu và khiến các nước vừa và nhỏ gặp khó khăn hơn trong quan hệ quốc tế.
“Hoàn thành công nghiệp hóa năm 2030; giữ vững độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu, rộng; xử lý nhanh chóng các tác động tiêu cực từ bên ngoài; giữ ổn định và phát triển trong bối cảnh “đứt gãy” luôn có thể xảy ra” PGS.TS Đặng Đình Quý nhận định về các vấn đề đặt ra trong triển khai đường lối đối ngoại Việt Nam.
Siết chặt thủ tục tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế
Trong buổi hội thảo, ông Lê Văn Tú (cán bộ Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao) cho biết, quyết định 06/2020/QĐ-TTG ngày 21/02/2020 thay thế quyết định 76/2010/QĐ-TTG có các mục tiêu và định hướng chung là thống nhất quy định pháp luật của nhà nước Việt Nam, nâng cao hiệu lực và hiệu quả nhà nước quản lý, giải quyết các bất cập cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho đơn vị tổ chức.
Trong thời gian gần đây các hội nghị hội thảo quốc tế tăng lên đột biến, nhiều “lỗ hổng” trong quy trình tổ chức đã xuất hiện. Việc siết chặt các thủ tục liên quan tới tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế tại Việt Nam là vấn đề quan trọng và cần thiết. Một số tổ chức quốc tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc đăng cai tổ chức các hội nghị hội thảo quốc tế, vì đa số họ chưa nắm rõ nội dung quyết định 06/2020/QĐ-TTG. Các đơn vị tổ chức cần sự hướng dẫn của các cơ quan, ban ngành liên quan.
Các học viên tham gia khóa học tích cực đưa ra các câu hỏi cho giảng viên và trao đổi cùng các chuyên gia để giải đáp thắc mắc, nâng cao kiến thức trong lĩnh vực tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế.
Vai trò thỏa thuận quốc tế với công tác đối ngoại
Việc ký kết, thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ luật pháp và Điều ước quốc tế chia sẻ vài nét về thoải thuận quốc tế qua một số nội dung chính: Cơ sở pháp lý; khái quát cơ bản; cơ chế cơ quan tổ chức; các vấn đề liên quan đến thỏa thuận. Chuyên đề này nhằm góp phần trang bị, củng cố kiến thức hữu ích, chuyên sâu cho các học viên làm công tác đối ngoại.
Ông nhấn mạnh công tác kí kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế phải bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
Khóa học cũng đã cập nhật thông tin về hoạt động đối ngoại của Việt Nam, tăng cường kỹ năng công tác ký kết các thỏa thuận quốc tế cho các học viên nói chung và các tổ chức thành viên liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật việt nam nói riêng , qua đó, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Đình Long