Chủ nhật, 24/11/2024 08:04 (GMT+7)
Thứ hai, 10/01/2022 16:00 (GMT+7)

Nhiều băn khoăn quanh việc Trung Nam Group xây dựng đường dây truyền tải điện

Theo dõi KTMT trên

Phát biểu tại chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đã có nhiều ý kiến quanh việc Trung Nam Group đã được xây dựng hệ thống truyền tải điện tại Bình Thuận.

Ngày 10/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

"Việc áp dụng trước đó là chưa phù hợp với quy định của pháp luật"

Phát biểu tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc thể chế hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cho phép khối tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết.

Tuy nhiên, thể chế hóa thế nào cho đúng, cho phù hợp thực tế, đại biểu Mai đề nghị cần cân nhắc, thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

"Ngày hôm nay, Quốc hội mới bàn nên hay không nên cho khối tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện, tuy nhiên trước đó, một doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, đó là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group - PV)", bà Mai nói.

Nhiều băn khoăn quanh việc Trung Nam Group xây dựng đường dây truyền tải điện - Ảnh 1
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai góp ý về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. (Ảnh: NLĐ)

Bà Mai cho biết, vào tháng 10/2020, doanh nghiệp này đã khánh thành đường dây 500 kV từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Ninh Thuận.

"Tôi nghĩ rằng những đóng góp của doanh nghiệp là đáng trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức được rằng, hiện nay, yêu cầu cấp bách của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và Nghị quyết của Đảng là định hướng vô cùng quan trọng, cần thiết được thể chế hóa bằng pháp luật thì mới được phép áp dụng. Việc áp dụng trước đó là chưa phù hợp với quy định của pháp luật", đại biểu Mai nêu quan điểm.

Cần phải phân định rõ ràng hơn

Đi vào một số nội dung cụ thể, về phạm vi sửa đổi, đại biểu Mai cho rằng dự thảo luật quy định chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền trong đầu tư xây dựng, vận hành lưới điện truyền tải, có thế dẫn đến tùy tiện áp dụng.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể, phân định rõ các loại hình lưới điện truyền tải nào tư nhân được tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và loại nào thì do Nhà nước giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện.

Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng cần quy định rõ về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư, quy định trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình vận hành, trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Về tính an toàn của hệ thống, theo dự thảo luật, sau khi đầu tư xây dựng, tư nhân có thể tham gia vận hành. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng với đề xuất này sẽ đặt ra thực tế trong cùng một hệ thống có nhiều chủ thể tham gia vận hành khác nhau.

"Tham khảo ý kiến của các chuyên gia cho thấy hệ thống lưới điện truyền tải cần phải có sự điều hành thống nhất, đặc biệt là với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay, nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến mất an toàn của hệ thống, do đó xem xét kỹ lưỡng vấn đề này"- đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Về giá điện, trong tờ trình có nêu, việc tư nhân hóa ở một số nước dẫn đến giá điện ở một số nước có những thời điểm rất cao. Vì vậy, cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, không tác động đến người tiêu dùng.

Đối với việc hạch toán, định giá chuyển giao, theo dự thảo luật, sau khi đầu tư xây dựng, doanh nghiệp có thể chuyển giao cho Nhà nước quản lý vận hành. Tuy nhiên, về cơ chế định giá, phương pháp định giá chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật. "Hệ thống lưới điện truyền tải là một loại tài sản, trên thực tế thời gian qua, có trường hợp định giá chưa chuẩn xác gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Vì vậy, cần có quy định cụ thể để thực hiện"- bà Mai nêu rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng về lựa chọn nhà đầu tư, để đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng thì cần xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn cụ thể để doanh nghiệp tham gia.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho rằng, để hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Đảng, việc từng bước xã hội hóa hoạt động truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, bảo đảm hiệu quả tổng thể của hoạt động truyền tải điện quốc gia.

Tuy nhiên, cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực và Nhà nước tham gia đầu tư, cũng như vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước.

Bởi theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện cho phép thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Quy định như vậy, theo đại biểu, chưa chặt chẽ, chưa thể hiện vai trò cần và đủ của Nhà nước trong kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn điện trong mọi hoàn cảnh và tình huống.

Đại biểu Khánh đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng "Nhà nước không độc quyền song có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ, tác động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả các công trình đó do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư, xây dựng".

Trước đó, thảo luận tại tổ về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng về xã hội hóa, trong dự thảo luật chỉ nêu "Nhà nước sẽ độc quyền trong vận hành lưới truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư xây dựng". Theo ông Giang, luật phải quy định rõ cái gì thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được đầu tư xây dựng, không nói chung chung được. Nhấn mạnh đến sự minh bạch, rõ ràng trong việc thu hút xã hội hóa, đại biểu Giang đề nghị cần làm rõ những gì Nhà nước độc quyền.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, cũng đồng tình nếu chỉ sửa một điều luật để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng điện, mà không quan tâm tới vận hành an toàn lưới điện quốc gia thì "giải quyết được chỗ này, lại nảy sinh nút thắt khác". Các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nêu khái niệm, quy định để thấy rõ vai trò của Nhà nước trong vận hành hệ thống điện.

Lưới truyền tải của Việt Nam còn yếu

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp đội điện gió Bình Thuận nhận định, với năng lượng tái tạo ở Việt Nam, chúng ta không thua kém gì các nước phát triển, tuy nhiên lưới truyền tải của Việt Nam vừa trải dài vừa yếu và chưa có kết nối trong khu vực, mặc dù chúng ta hiện nay có 110 kV nối với Campuchia, 220 kV với Trung Quốc và 500 kV tới Lào. Tuy nhiên, công suất truyền tải thấp là sự khác biệt rất lớn với các nước phát triển nhất châu Âu và Bắc Âu.

"Chúng ta tự hào có 28% công suất lắp đặt năng lượng tái tạo, nhưng sản lượng đóng góp chỉ tầm 8% là một con số rất khiêm tốn và các nhà đầu tư năng lượng tái tạo đang bị lỗ rất nặng", ông Thịnh nói

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam đánh giá, một trong những "nút thắt" chính sách là Quy hoạch điện 8. Hiện nay, Quy hoạch điện VIII không được phê duyệt sẽ là nút thắt đầu tiên để cản trở các chính sách tiếp theo.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nhiều băn khoăn quanh việc Trung Nam Group xây dựng đường dây truyền tải điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới