Nhiều địa phương lên phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương miền Trung đã đưa ra các phương án, đồng thời bố trí lực lượng và phương tiện để cứu hộ, cứu nạn nếu có tình huống xảy ra.
Địa phương lên phương án ứng phó
Quảng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện số 14 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn. Theo đó, các sở ngành, địa phương rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý các loại thuyền nan, thuyền nhỏ. Địa phương sẽ cấm biển từ 0 giờ ngày 19-9 cho đến khi không còn cảnh báo rủi ro thiên tai, baochinhphu.vn đưa tin.
UBND các địa phương tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, đặc biệt là cao tốc Bắc – Nam, nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch, kè biển Quảng Phúc; kè biển Nhật Lệ-Quang Phú, dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 2…
Tại Thừa Thiên Huế, lực lượng BĐBP tỉnh cũng đi kiểm tra và chỉ đạo các đồn Biên phòng dọc khu vực biên giới biển khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, chú trọng công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu an toàn.
Đến 12h ngày hôm nay (18/9), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kêu gọi 1.884 phương tiện/10.685 lao động, toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tránh trú an toàn. Riêng tàu cá ngoại tỉnh vào neo đậu là 23 phương tiện/194 lao động.
Ngoài ra, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng yêu cầu các Đồn Biên phòng tuyến biển phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu, thuyền trưởng tổ chức triển khai, hướng dẫn các phương tiện vào neo đậu, tránh va đập, đứt neo trôi dạt.
Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công điện đến các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh về việc cấm tất cả tàu, thuyền ra biển từ 12 giờ ngày 18/9 cho đến khi thời tiết ổn định.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cảng vụ hàng hải, Chủ tịch UBND các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi thông báo cho chủ các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão để các bên chủ động phòng tránh.
Công điện còn có nội dung là yêu cầu thông báo, kêu gọi các chủ lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên sông, biển đến nơi an toàn; di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm; tạm dừng hoạt động các đò ngang.
Tại Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo các Sở ngành, địa phương trên địa bàn khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, đồng thời thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Chủ tịch UBND các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng phải có trách nhiệm tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản.
Được biết, vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới được xác định từ vĩ tuyến 15,0N - 19,0N; phía Đông kinh tuyến 112,5E (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Thời gian tới, tỉnh Bình Định cũng sẽ sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
Quan ngại gây mưa lớn
Phát biểu tại buổi họp khẩn trực tuyến ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão chiều 18/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến 13 giờ chiều nay (18/9), áp thấp nhiệt đới cách Đà Nẵng 530km về phía đông, tốc độ di chuyển chậm hơn so với đêm và rạng sáng nay. Hiện đang di chuyển với tốc độ 15km/giờ. Hướng di chuyển, cường độ và khả năng mạnh lên thành bão.
Qua theo dõi của Trung tâm dự báo khí tượng áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, ít nhất là cấp 8. Các tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng sẽ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 600mm (thời gian mưa từ sáng sớm 18-19/9).
Từ chiều tối nay, 18/9, vùng biển Quảng Trị-Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) gió cấp 6-7, sóng 2-4m. Ngày và đêm mai 19/9, từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.
Vùng biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ) sẽ chịu tác động của tổ hợp triều cao, nước dâng do bão và sóng lớn nên nguy cơ ngập ở vùng trũng/thấp ven biển, ven sông, khu neo đậu tàu/thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và sạt lở bờ biển, nhất là vào thời điểm nửa đêm và trưa 19/9.
Anh Thư