Chủ nhật, 24/11/2024 07:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 23/11/2019 07:21 (GMT+7)

Nhiều giải pháp nâng cao cảnh báo và hạn chế ô nhiễm không khí đô thị

Theo dõi KTMT trên

Cùng với việc đánh giá điểm nóng ô nhiễm không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng mạng lưới trạm quan trắc không khí tự động để đưa ra dự báo, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Nhiều giải pháp nâng cao cảnh báo và hạn chế ô nhiễm không khí đô thị - Ảnh 1
Khu vực Đại lộ Thăng Long chìm trong màn sương bụi mù mịt lúc 8 giờ 30 sáng 12/11. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí đô thị, hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, nhằm cải thiện chất lượng môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các khu công nghiệp có quy mô xả thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường tại địa phương và trung ương.

Bộ sẽ chủ động, tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường kiểm soát phát thải từ công nghiệp, giao thông và xây dựng, nâng cấp chất lượng hạ tầng giao thông, tăng mật độ cây xanh, áp dụng các biện pháp giảm tắc nghẽn giao thông, kiểm định khí thải phương tiện giao thông đảm bảo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo tiêu chuẩn EURO đã ban hành từ 5 năm trước, sử dụng nhiên liệu sạch…

Cùng với việc khẩn trương thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí do bụi và khí thải có nồng độ các thông số vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Bộ cũng sẽ cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng không khí trong thành phố; thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Bộ đang tiếp tục xây dựng, thiết lập mạng lưới trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu để các cơ quan quản lý theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ người dân được sống trong môi trường ngày một tốt hơn, trong lành hơn.

Nhiều giải pháp nâng cao cảnh báo và hạn chế ô nhiễm không khí đô thị - Ảnh 2
Cảnh khói bụi trên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cũng cho thấy, mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, trung bình 13 người tử vong mỗi phút, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm. Cũng theo WHO, Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI - ứng dụng Air Quality Index đo chỉ số ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9 tăng khá cao, dao động từ 100 đến 200.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9/2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9/2019.

Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh những ngày gần đây tăng khá cao, dao động từ 100 đến 200.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60% đến 70% bụi mịn do ôtô, xe máy thải ra.

Theo ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), không khí ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiếp xúc như mắt, cơ quan hô hấp, da…Qua việc tiếp xúc với chất ô nhiễm, sẽ làm thấm nhiễm vào trong máu, vào các cơ quan cơ thể, gây ra những bệnh lâu dài.

Ô nhiễm không khí không những ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà còn tác động tới quá trình điều trị của các bệnh nhân, khiến bệnh tình nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị.

Vẫn theo ông Hải, ô nhiễm không khí là tình trạng các chất lạ xuất hiện trong không khí. Nhưng hiện nay, mọi người mới chỉ quan tâm phần vật lý, tức là kích thước hạt bị ảnh hưởng trong không khí, nhưng tính chất của ô nhiễm không khí hoàn toàn khác nhau.

Ở miền núi hay có những màn sương, chất lượng không khí không tốt nhưng không ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đó, ở những khu công nghiệp, màn sương bụi hoàn toàn khác, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ở môi trường bệnh viện cũng mang tính chất hoàn toàn khác, vì phải xem trong hạt bụi có vấn đề vi sinh không. Vì thế, phải kiểm soát hạt bụi mang chất ô nhiễm nào mới có sự lo lắng và tìm giải pháp phù hợp.

Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hoá chất, Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, trung bình mỗi người cần 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày. Do đó khi chất lượng không khí không bảo đảm có thể gây hàng loạt bệnh tật về đường hô hấp, tim, ung thư…

Tuy nhiên, không phải ai cũng mắc bệnh khi sống trong môi trường bị ô nhiễm vì mỗi người có hệ miễn dịch, chức năng đào thải của cơ thể. Trong những ngày không khí bị ô nhiễm, những người mắc bệnh phổi mạn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác sẽ có nguy cơ cao hơn.

Đáng lưu ý, đối tượng trẻ nhỏ thường có sức đề kháng kém. Khi hít phải các chất bụi, hoặc khói trong không khí sẽ dễ bị tổn thương niêm mạc và mắc các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều giải pháp nâng cao cảnh báo và hạn chế ô nhiễm không khí đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới