Nhiều quy định mới thuận lợi cho nhà đầu tư khi triển khai dự án PPP
Ngày 28/03/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Ngày 28/03/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (“Nghị định 71”). Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư như sau:
1. Hướng dẫn thực hiện Dự án BT không yêu cầu thanh toán
So với Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 (“Luật PPP”), Luật PPP sửa đổi năm 2024 đã bổ sung các hình thức thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT bằng quỹ đất và không yêu cầu thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Theo đó, Nghị định 71 hướng dẫn thực hiện Dự án BT không yêu cầu thanh toán như sau:
a) Về điều kiện thực hiện
Ngoài các điều kiện chung, Nghị định 71 yêu cầu một trong các điều kiện thực hiện dự án BT không yêu cầu thanh toán là: không trùng với dự án PPP đang được cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đã chấp thuận nhà đầu tư khác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi. Điều này đảm bảo tính ổn định, tránh sự xáo trộn trong hoạt động đầu tư theo hình thức PPP.
b) Về quy trình thực hiện
Luật PPP, cho phép Nhà đầu tư có quyền chủ động tương đối lớn trong việc đề xuất thực hiện dự án BT không yêu cầu thanh toán. Theo đó, nhà đầu tư phải thực hiện quy trình hai bước đề xuất gồm:
Bước 1: Đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận việc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi và dự thảo hợp đồng.
Bước 2: trên cơ sở chấp thuận tại bước 1, nhà đầu tư đề xuất và lập hồ sơ đề xuất dự án gồm: dự thảo báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo hợp đồng, hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực tài chính trong việc thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án của nhà đầu tư. Sau khi được cơ quan thẩm quyền chấp thuận, nhà đầu tư triển khai dự án.
Nhà đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc triển khai quy trình hai bước đề xuất nêu trên khi không được cơ quan thẩm quyền chấp thuận.
c) Về quyền sở hữu công trình BT sau khi chuyển giao
Sau khi công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng, nhà đầu tư gửi đề nghị chuyển giao tài sản.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân và xác định cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng nhận chuyển giao đó.
2. Rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP
Nghị định 71 đã giảm thiểu rất lớn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP so với Nghị định 35/2021/NĐ-CP (“Nghị định 35”), tiết kiệm thời gian cho nhà đầu tư; đặc biệt, thời gian thẩm định có thể được tính từ ngày “thành lập hội đồng thẩm định” thay vì ngày “hội đồng thẩm định nhận được hồ sơ” như trước đây. Thời gian thẩm định cụ thể được rút ngắn như sau:
Loại Báo cáo | Loại dự án | Thời gian thẩm định | |
Nghị định 35 | Nghị định 71 | ||
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi | Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ | không quá 45 ngày | không quá 30 ngày |
Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | không quá 30 ngày | không quá 14 ngày | |
Dự án thuộc trường hợp chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng | không quy định | không quá 10 ngày | |
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi | Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ | không quá 90 ngày | không quá 30 ngày |
Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh | không quá 60 ngày | không quá 14 ngày |
Ngoài ra, thời gian phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP cũng được giảm thiểu đáng kể, theo đó, Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: không quá 10 ngày; đối với dự án thuộc trường hợp chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng: không quá 05 ngày làm việc.
3. Rút ngắn thời hạn lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP
Bên cạnh việc rút ngắn thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi, Nghị định 71 cũng rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu (áp dụng cho trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP), cụ thể:
Loại đấu thầu | Loại Dự án | Thời gian thực hiện | |
Nghị định 35 | Nghị định 71 | ||
Lựa chọn nhà đầu tư trong nước | Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, | 60 ngày | 45 ngày |
Đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật | 30 ngày | ||
Đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật | 20 ngày | ||
Đối với dự án thuộc trường hợp chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng | 10 ngày | ||
Lựa chọn nhà đầu tư quốc tế | Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, | 90 ngày | 60 ngày |
Đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật | 45 ngày |
Việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
4. Hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt
So với Nghị định 35/2021/NĐ-CP, Nghị định 71 hướng dẫn chi tiết và quy định cụ thể quy trình, thủ tục quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trên nguyên tắc đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tránh trục lợi. Theo đó, việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt phải được lập thành hồ sơ đề nghị, gửi lấy ý kiến, các cơ quan liên quan, tiến hành thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Quyết định áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt có thể được lập đồng thời hoặc độc lập với quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
Nhìn chung, Nghị định 71 sửa đổi một số quy định theo hướng có lợi hơn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án PPP, giảm thiểu thời gian và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong việc huy động vốn và thu xếp tài chính.
Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 28/03/2025.
Vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có sự liên kết hợp tác với Công ty luật TNHH TOÀN CẦU ATA (ATA LEGAL SERVICES) về lĩnh vực pháp luật liên quan đến môi trường nói chung và kinh tế môi trường nói riêng.
CÔNG TY LUẬT TNHH TOÀN CẦU ATA (ATA LEGAL SERVICES) là một công ty luật được thành lập và điều hành bởi những luật sư dày dặn kinh nghiệm. Mục tiêu và phương châm hoạt động của ATA Legal Services là cung cấp các dịch vụ pháp lý linh hoạt và toàn diện cho các khách hàng là tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Bạn đọc có thể trao đổi trực tiếp nội dung có liên quan vui lòng liên hệ với luật sư của công ty tại: Tầng 7 Số 184 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại:0392920688 | 0914645112 Hoặc qua mail: [email protected]