Chủ nhật, 24/11/2024 10:36 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/05/2019 09:24 (GMT+7)

Nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai ở Phan Thiết

Theo dõi KTMT trên

Công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Phong Nẫm và Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết, Bình Thuận) từ năm 2016 đến năm 2018 có nhiều sai phạm.

Đây là Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị tại địa bàn TP Phan Thiết đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai ký tại Văn bản số 1696/KL-UBND ngày 16/5/2019.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai ở Phan Thiết - Ảnh 1
Một số cá nhân thu lợi bất chính số tiền lớn từ việc được cho tách thửa đất, hợp thửa hình thành điểm dân cư tạo mới, phân lô bán nền đất.

Theo Kết luận, công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Phong Nẫm và Thiện Nghiệp có biểu hiện tùy tiện trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hằng năm; không phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất TP Phan Thiết giai đoạn 2011-2020 đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, dẫn đến những sai phạm có tính hệ thống.

Từ đầu năm 2016 đến tháng 9/2018, UBND TP Phan Thiết đã có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, cây lâu năm sang đất ở nông thôn đối với 139 thửa đất với tổng diện tích 176.815,8 m2 trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và xã Phong Nẫm không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai ở Phan Thiết - Ảnh 2
Đất nông nghiệp được các cơ quan chức năng TP Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nông thôn trái quy định tại xã Phong Nẫm.

Cố ý, tùy tiện làm trái các quy định của Nhà nước trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích không đúng thực tế, không đúng quy định (xác định vị trí thửa đất trước khi chuyển mục đích, thay đổi, điều chỉnh thông tin bất thường, luôn xác định thấp hơn quy định) gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Qua kiểm tra ngẫu nhiên 65/160 hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn ở ba xã Tiến Lợi, Phong Nẫm, Thiện Nghiệp thì cả 65 hồ sơ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Phan Thiết ghi thiếu thông tin vị trí đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích, nhưng Chi cục Thuế TP Phan Thiết không chuyển trả lại để Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phan Thiết bổ sung thông tin theo quy định, mà vẫn tính tiền sử dụng đất và ra thông báo nộp tiền sử dụng đất.

Thấy một số trường hợp có biểu hiện bất thường, Công an tỉnh kiểm tra phát hiện sai phạm trong cách tính nộp tiền sử dụng đất. Từ đó, các cơ quan chức năng của TP Phan Thiết chuyển thông tin và Chi cục Thuế TP Phan Thiết mới tính lại tiền sử dụng đất. Chỉ tính riêng năm cá nhân trên địa bàn xã Thiện Nghiệp sau khi xác định lại việc tính tiền sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở nông thôn (tổng diện tích là 65.709,8 m2) thì số tiền chênh lệch phải thu là hơn 5,7 tỉ đồng (nếu việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trên là đúng quy định pháp luật).

"Lách luật trong tách thửa đất nông nghiệp" là một trong những chiêu thức nhằm thu lợi bất chính đã được thực hiện. Theo đó, hầu hết các hộ gia đình, cá nhân xin tách một thửa đất nông nghiệp có diện tích lớn nằm gần đường giao thông, nằm tiếp giáp đường giao thông thành nhiều thửa đất nông nghiệp để thửa đất được tách nằm xa đường giao thông, không có đường giao thông, chỉ có một thửa đất có diện tích nhỏ nằm giáp đường giao thông (thửa đất khoảng 1.000 m2 theo quy định được tách thửa đất nông nghiệp). Sau đó xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và các thửa đất cho tách ra sẽ nằm xa đường giao thông, không có đường giao thông được xác định thửa đất nằm ở vị trí 5, thì nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở rất ít, thậm chí là không đồng.

Kiểm tra ngẫu nhiên 10 hồ sơ hợp thửa, tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phan Thiết thì hầu hết các hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đất từ nhiều người (cả đất ở nông thôn và đất nông nghiệp), sau đó xin chuyển một phần diện tích lớn đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng đất ở, phần diện tích nông nghiệp còn lại có đơn xin tặng (hiến) đất làm đường đi chung. Phần diện tích lớn đã chuyển mục đích sang đất ở thì các hộ gia đình và cá nhân này có đơn đề nghị hợp thửa đất với lý do “thuận lợi cho việc sử dụng chung”.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận theo các thửa đất được tách thì các đối tượng này thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) hầu hết. Điển hình như các trường hợp: bà V.T.L ở xã Phong Nẫm có diện tích 9.215,4 m2 xin tách thành 92 thửa đất, sau đó đã thực hiện thủ tục CNQSDĐ hết 92 thửa đất. Ông P.V.Q ở xã Tiến Lợi có diện tích 3.776 m2 tách thành 30 thửa đất, đã thực hiện CNQSDĐ hết 30 thửa đất. Ông P.H.T có diện tích 10.860 m2, tách thành 90 thửa đất, đã CNQSDĐ hết 90 thửa đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận khi cho tách thửa đất ở nông thôn, không kiểm tra việc UBND TP Phan Thiết cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, nên không phát hiện việc UBND TP Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định. Điều này dẫn đến tình trạng các hộ gia đình, cá nhân lợi dụng việc cơ quan có thẩm quyền cho tách thửa đất ở trên diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định; phân lô nền đất, thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn (nền đất ở) rất nhiều tại các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi.

Các cá nhân chuyển nhượng đất ở nộp tiền sử dụng đất thấp hơn so với quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt trường hợp ông P.H.T ở phường Đức Long, mặc dù ngày 12/2/2018, UBND TP Phan Thiết có văn bản xác định vị trí lô đất xin tách thửa của ông này nằm trong quy hoạch trồng cây công nghiệp, tạm thời chưa cho tách thửa. Nhưng chỉ sau một ngày (ngày 13/2/2018 ), lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn ký cho tách 11 thửa đất ở với diện tích 9.783,5 m2 và đến tháng 3-2018 tiếp tục ký cho tách 90 thửa đất ở (mỗi thửa 100 m2 trở lên) trên diện tích chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định, tạo điều kiện giúp sức để ông P.H.T chuyển nhượng hết các thửa đất ở nông thôn.

Việc UBND TP Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, cây lâu năm sang đất ở nông thôn trái với các quy định pháp luật làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp, Phong Nẫm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai ở Phan Thiết - Ảnh 3
Nhiều điểm dân cư tạo mới trái phép, xây dựng không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, không phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Các cá nhân lợi dụng việc cơ quan có thẩm quyền cho tách thửa đất ở trên diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định; phân lô bán nền đất, thực hiện việc chuyển nhượng quyển sử dụng đất ở trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp, Phong Nẫm đã tạo điều kiện, giúp sức cho một số cá nhân tách thửa đất, hợp thửa hình thành điểm dân cư tạo mới, phân lô bán nền đất thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.

Từ những sai phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục điều tra dấu hiệu về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm trái các quy định trong xác định vị trí thửa đất không đúng quy định (luôn xác định vị trí thửa đất thấp hơn quy định để được tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất rất thấp).

Theo Nhân Dân

Bạn đang đọc bài viết Nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đất đai ở Phan Thiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới