Chủ nhật, 24/11/2024 06:22 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/02/2022 10:00 (GMT+7)

Nhìn nhận của lãnh đạo thế giới việc Nga tấn công Ukraine như thế nào

Theo dõi KTMT trên

Trong khi Nga mở chiến dịch quân sự vào lãnh thổ Ukraine, nước Mỹ, khối EU và NATO có chung quan điểm phản đối kèm theo các lệnh trừng phạt, trong khi các nước khác phản ứng dè chừng hơn về hành động của Moscow.

Mỹ

Từ nhiều ngày trước khi Nga có hành động quân sự chính thức vào Ukraine ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục tuyên bố sẽ có hành động cứng rắn ngay lập tức nếu Nga động binh. Khi mối lo ngại quân sự thành sự thực, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục lên án hành động của Nga nhằm vào Ukraine và kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin dừng ngay các chiến dịch quân sự.

Nhìn nhận của lãnh đạo thế giới việc Nga tấn công Ukraine như thế nào - Ảnh 1
Radar và thiết bị quân sự bị phá huỷ tại căn cứ Ukraine ở ngoại ô thành phố Mariupol ngày 24/2/2022. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố: “Ông Putin đã lựa chọn cuộc chiến này và bây giờ ông cũng như đất nước của ông sẽ phải gánh chịu hậu quả từ những biện pháp sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nga ngay lập tức và cả trong dài hạn".

Nhìn nhận của lãnh đạo thế giới việc Nga tấn công Ukraine như thế nào - Ảnh 2
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)

Trong các biện pháp trừng phạt kinh tế, việc cấm xuất khẩu công nghệ sẽ là một trong các trọng tâm mà ông Biden nhận định sẽ hạn chế được khả năng phát triển lĩnh vực quân sự và hàng không vũ trụ của Nga. Mặt khác, Mỹ cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Nga, các tỷ phủ của quốc gia này cũng gia đình của họ - những người thân cận với Điện Kremlin.

Khi nói về tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, ông Biden cho biết chúng “sẽ tốn thời gian”. Đồng thời, ông bổ sung thêm: “Chúng tôi cần thể hiện quyết tâm của mình để ông Putin biết được điều gì sắp xảy ra và để người dân Nga biết được ông Putin đã gây ra những gì”.

Tuy nhiên, trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga thì Mỹ vẫn tạm không đụng đến lĩnh vực năng lượng, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga và đang đóng vai trò quan trọng tại thị trường năng lượng châu Âu.

Liên minh Châu Âu (EU)

Ngay khi Nga mở màn các cuộc tấn công Ukraine hôm 24/2, các nhà lãnh đạo EU lập tức lên tiếng phản đối Nga, đồng thời tuyên bố áp dụng các đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell gọi hành động của Nga đã gây ra một trong những khoảng thời gian "đen tối nhất của Châu Âu” kể từ năm 1945.

Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), phát biểu: “Chúng tôi sẽ không thể để Tổng thống Nga Putin phá bỏ kiến trúc an ninh Châu Âu”. Bà cho biết thêm gói trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga nhắm mục tiêu tới các lĩnh vực chiến lược, bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của Nga với các công nghệ và thị trường quan trọng. Ngoài ra, EU cũng sẽ đóng băng tài sản của Nga trong Liên minh châu Âu và ngăn chặn quyền tiếp cận của các ngân hàng Nga vào thị trường tài chính châu Âu.

Trước đó, một đợt trừng phạt đầu tiên đã được EU công bố hôm 22/2 nhắm tới các quan chức tại Điện Kremlin, các nhà lập pháp của quốc gia này và 3 ngân hàng lớn. Tới ngày 25/2, EU cho biết đang chuẩn bị công bố thêm một gói trừng phạt khác nhằm vào Nga.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án chiến dịch quân sự của Nga với Ukraine là “liều lĩnh”, một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và là một mối đe dọa lớn với an ninh khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương. Ông cũng nhận định với những gì xảy ra tại Ukraine thì “nền hòa bình trên lục địa đã tan vỡ” và cho rằng “Nga đang muốn sử dụng vũ lực để cố gắng viết lại lịch sử”.

Hiện NATO đang ra lệnh cho các chỉ huy quân sự tăng cường chuẩn bị để bảo vệ lãnh thổ của đồng minh sau khi Nga có hành động quân sự với Ukraine. Theo đó NATO tăng quân ở sườn phía đông của khối, các máy bay và tàu chiến được đặt trong tình trạng chiến đấu cao. Tuy nhiên ông Stoltenberg khẳng định NATO không có ý định triển khai quân tới Ukraine để chống lại Nga.

Nhìn nhận của lãnh đạo thế giới việc Nga tấn công Ukraine như thế nào - Ảnh 3
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: FT)

Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố “không có lời biện minh nào" cho các hành động quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời phối hợp nhóm G7, NATO và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow.

Trong cùng ngày 25/2, Bộ Kinh tế Đức cho biết đã đình chỉ việc cấp tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh đầu tư mới cho các hoạt động kinh doanh với Nga. Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu Hermes là chính sách giúp bảo vệ các công ty Đức khỏi bị thiệt hại trong trường hợp hàng xuất khẩu không được thanh toán. Bảo lãnh đầu tư thì được chính phủ nước này cấp để bảo vệ các khoản đầu tư trực tiếp của các công ty Đức khỏi rủi ro chính trị tại các quốc gia mà chúng được thực hiện.

Trước đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã mở rộng quan hệ thương mại và năng lượng với Nga, bao gồm việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức. Tuy nhiên, sau hành động quân sự của Nga tại Ukraine, Đức tuyên bố sẽ dừng quá trình phê duyệt cho dự án khí đốt tỷ USD này.

Pháp

Trong bài phát biểu trước toàn quốc hôm 24/2, Tổng thống Emmanuel Macron cam kết sẽ ủng hộ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Ông nhận định chiến dịch quân sự của Nga với Ukraine là "thiệt hại nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và ổn định" mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua. Đồng thời, ông cũng gọi các sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian qua là “một bước ngoặt lịch sử của Châu Âu".

Ngay sau đó, ngày 25/2, Tổng thống Macron cho biết Pháp và các đồng minh Châu Âu đã quyết định “giáng những đòn trừng phạt nặng vào Moscow” vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và các lĩnh vực quan trọng khác của Nga. Bên cạnh đó, ông Macron cũng cho biết EU đã thông qua quyết định viện trợ kinh tế cho Ukraine một khoản tiền trị giá 1,68 tỷ USD.

Vương quốc Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson là một trong những chính khách đầu tiên chỉ trích hành động quân sự của Nga nhằm vào Ukraine và cam kết sẽ cùng các đồng minh tung ra một “gói trừng phạt lớn” gồm các biện pháp nhằm “gây khó khăn” cho nền kinh tế Nga.

Theo ông Johnson, chính phủ của ông sẽ công bố chi tiết về các biện pháp trừng phạt vào 28/2 sắp tới. Hồi đầu tuần này, Anh cũng đã phong tỏa tài sản của 5 ngân hàng Nga và 3 nhà tài phiệt Nga có quan hệ mật thiết với Tổng thống Vladimir Putin, cũng như thiết lập các biện pháp trừng phạt khác lên chính ông Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Tuy nhiên vẫn có nhiều chuyên gia và các nhà lập pháp cho rằng các biện pháp này không đủ mạnh mẽ.

Trước đó, Thủ tướng Anh Johnson cũng thúc giục các nhà lãnh đạo trên thế giới loại bỏ Nga khỏi hệ thống SWIFT chuyên về các giao dịch tài chính, trong bối cảnh các quốc gia Châu ÂU chịu nhiều chỉ trích vì đã không cắt đứt Nga khỏi mạng lưới thanh toán ngân hàng toàn cầu này.

Nhật Bản

Là nước Châu Á duy nhất trong khối G7, Nhật Bản hôm 24/2 cho biết sẽ làm việc với các đồng minh phương Tây của mình trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Đây được coi là thử nghiệm về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của Thủ tướng Fumio Kishida kể từ khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 10/2021.

Trước đó, Nhật Bản cũng tuyên bố thực hiện một số biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga bao gồm đình chỉ một số thị thực và đóng băng tài sản của các cá nhân có liên quan tới các khu vực ly khai tại Donetsk và Luhansk. Đồng thời, quốc gia này cũng cấm xuất nhập khẩu đối với hai khu vực trên và cấm việc bán nợ có chủ quyền của Nga ở Nhật Bản.

Ngày 26/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, trong đó hai bên nhất trí rằng phải có những đáp trả nhất định với những chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nhật Bản và Mỹ cần phải ngăn việc này trở thành “một bài học sai lầm” do ảnh hưởng tiềm tàng của nó tại Châu Á và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trung Quốc

Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine hôm 24/2, Trung Quốc đã có những phát biểu thận trọng. Trong cuộc họp báo cùng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh nói Nga "không xâm lược Ukraine" và cho biết thêm, Moscow có quyền quyết định đưa ra quyết định trên cơ sở lợi ích của Nga. Bà cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang hỗ trợ Moscow, đồng thời khẳng định Trung Quốc không muốn chứng kiến những gì đang xảy ra tại Ukraine hiện nay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì nhấn mạnh rằng Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”. Đồng thời, ông kêu gọi các bên ngồi vào bàn đám phán để giải quyết vấn đề.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 25/2 thì tuyên bố, Bắc Kinh tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mọi quốc gia, bao gồm cả Ukraine. Nhưng người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng, những lo ngại của Nga về các hoạt động mở rộng về phía đông của NATO cũng nên được giải quyết một cách phù hợp.

Liên Hợp quốc

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin dừng các hành động quân sự tại Ukraine trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong khi đó ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, đã nhận định đây là "ngày đen tối cho hòa bình thế giới". Liên Hợp quốc cũng thông báo phân bổ 20 triệu USD để mở rộng các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Ukraine.

Ngày 25/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất, trong đó lên án Nga động binh với nước láng giềng Ukraine. Nga đã sử dụng quyền phủ quyết để bỏ phiếu chống khiến nghị quyết không thể thông qua. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bỏ phiếu trắng và 11 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ.

Là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an nên Nga có quyền phủ quyết đối với mọi quyết định của hội đồng, tương tự như Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Theo kế hoạch, dự thảo nghị quyết nói trên dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu lại tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng thời gian cụ thể chưa rõ.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhìn nhận của lãnh đạo thế giới việc Nga tấn công Ukraine như thế nào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới