Chủ nhật, 24/11/2024 06:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/02/2022 13:06 (GMT+7)

'Trạm xăng và kho mỳ của thế giới' đóng cửa vì xung đột Nga - Ukraine

Theo dõi KTMT trên

Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và lạm phát phi mã dau khi bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu hiện tiếp tục rơi vào lộ trình khó lường khác do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đang gây ra.

Thời điểm này, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện chuyển sang một giai đoạn căng thẳng mới, sau khi Nga công nhận độc lập cho hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine hôm 21/2. Sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden lập tức tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Nga, đồng thời cho biết sẽ có thêm nhiều đợt trừng phát khác.

Diễn biến trên khiến giá vàng và dầu thô trên toàn cầu biến động mạnh. Ngay cả trước khi các sự kiện trên xảy ra, việc Mỹ đe dọa trừng phạt đáp trả và khả năng Nga trả đũa cũng đã khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo, đẩy giá khí đốt lên cao.

'Trạm xăng và kho mỳ của thế giới' đóng cửa vì xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 1
Một cảng biển ở Odessa, Ukraine. (Ảnh: The New York Times)

Nếu Nga thực sự tấn công Ukraine, giá năng lượng và lương thực sẽ tăng chóng mặt, tạo ra làn sóng lạm phát và khiến các nhà đầu tư lo lắng không yên. Viễn cảnh này sẽ đe dọa tăng trưởng và đầu tư tại nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, những tác động tức thời của việc này sẽ không thể tàn khốc như đại dịch năm 2020, thời điểm kinh tế toàn cầu đồng loạt chao đảo khi các quốc gia đóng cửa biên giới.

 “Trạm xăng thế giới” đóng cửa

Nga là quốc gia có diện tích khổng lồ, với 146 triệu dân, đồng thời là nhà cung cấp chính về dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu thô để duy trì hoạt động cho các nhà máy trên thế giới. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Nga không phải là cường quốc sản xuất và có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

'Trạm xăng và kho mỳ của thế giới' đóng cửa vì xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 2
Một cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất ở Kasimov, phía đông Moscow, Nga. Nga là nhà cung cấp gần 40% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu. (Ảnh: Bloomberg)

Để so sánh, Italy có số dân bằng nửa Nga và ít tài nguyên thiên nhiên hơn nhưng nền kinh tế quốc gia này lại gấp đôi Nga. Ngay cả Ba Lan - một quốc gia châu Âu khác - cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Liên minh châu Âu (EU) hơn so với Nga.

Do đó, theo Jason Furma, nhà kinh tế học Harvard, từng là cố vấn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama thì Nga không đóng vai trò quá quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, ngoại trừ dầu mỏ và khí đốt. "Về cơ bản, họ là một trạm xăng khổng lồ", Furma bình luận thêm.

Tất nhiên, khi một trạm xăng đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến những người phụ thuộc vào nó. Kết quả là nếu Nga đóng vòi xăng thì bất kỳ nền kinh tế nào cũng sẽ bị thiệt hại. Sẽ có quốc gia chịu tác động nặng nề, trong khi quốc gia khác hầu như không bị ảnh hưởng.

Châu Âu nhận khoảng 40% khí thiên nhiên và 25% dầu mỏ từ Nga. Khu vực này có thể bị ảnh hưởng mạnh từ việc giá khí đốt (sưởi ấm) và xăng dầu, vốn đang ở mốc cao, tiếp tục đạt đỉnh giá mới. Mùa đông khắc nghiệt tại châu Âu đang diễn ra, trong khi dự trữ khí đốt ở mức thấp hơn 1/3 công suất. Các lãnh đạo châu Âu gần đây cũng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thắt chặt nguồn cung để đạt được mục đích chính trị.

Nguồn cung lương thực bị chặt đứt

Không chỉ là dầu mỏ, giá thực phẩm cũng theo xu hướng như vậy. Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc (UN), giá thực phẩm đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, chủ yếu do sự lộn xộn của chuỗi cung ứng trong đại dịch. Nga hiện là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới. Cùng với Ukraine, hai quốc gia này đóng góp 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

Đối với một số nước phụ thuộc khá lớn vào hai quốc gia này, tình hình hiện nay sẽ gây ra bất lợi lớn. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nhập khẩu tới 70% lúa mì từ Nga và Ukraine. Điều này sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải gồng gánh thêm áp lực, khi quốc gia này vẫn đang xoay vòng trong khủng hoảng kinh tế và lạm phát đang lên tới gần 50%. Giá thực phẩm, nhiên liệu và điện tại đây đều đang tăng chóng mặt.

Và điều tất yếu sẽ xảy ra, "gánh nặng sẽ chuyển lên vai của những người dễ bị tổn thương nhất. Đó là những người nghèo dành phần lớn thu nhập cho thức ăn và sưởi ấm”, Ian Goldin – Giáo sư Toàn cầu hóa và Phát triển tại Đại học Oxford cho biết.

Ukraine từ lâu được coi là "ổ bánh mì của châu Âu". Quốc gia này xuất khẩu hơn 40% lúa mì và ngô sang Trung Đông và châu Phi. Đây là hai khu vực có thể xảy ra bất ổn xã hội nếu thiếu thốn lương thực và giá cả tăng cao hơn nữa.

Ví dụ, Lebanon, quốc gia đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế khắc nghiệt nhất trong hơn 100 năm qua, đang nhập khẩu nửa số lúa mì từ Ukraine. Ukraine cũng là nước xuất khẩu dầu hạt hướng dương và dầu hạt cải lớn nhất thế giới.

'Trạm xăng và kho mỳ của thế giới' đóng cửa vì xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 3
Cảng Mykolaiv của Ukraine. Trung Đông và châu Phi đặc biệt phụ thuộc vào xuất khẩu lúa mì và ngô của Ukraine. (Ảnh: The New York Times)

Kịch bản kinh tế trước các diễn biến khó đoán

Hôm 21/2, Nhà Trắng đã phản ứng trước quyết định của ông Putin, bằng cách tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt lên hai vùng ly khai của Ukraine là Donetsk và Luhansk. Jen Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ sớm ban hành lệnh cấm đầu tư, thương mại và tài trợ tại khu vực đó.

Các nhà phân tích đang theo dõi xung đột để lên một loạt các kịch bản từ nhẹ đến nghiêm trọng. Julia Friedlander, Giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Atlantic Council nhận định: "Hãy nghĩ về nó theo hướng được diễn ra lần lượt theo các giai đoạn. Giống như một bộ phim truyền hình kịch tính có diễn biến chậm”.

Ngay từ giai đoạn đại dịch Covid-19, thế giới đã chứng kiến những sự gián đoạn nhỏ tại một khu vực cũng có thể gây ra thách thức lớn ở một nơi rất xa. Từ sự việc nhỏ lẻ như thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng đột biến, dù là khí đốt, lúa mì, nhôm hay niken, đều có thể gây ra tác động nghiêm trọng, trong bối cảnh thế giới vẫn đang chật vật để phục hồi trong đại dịch.

"Chúng ta phải nhìn vào bối cảnh của điều sắp xảy ra", Gregory Daco – kinh tế trưởng tại EY – Parthenon cho biết. "Lạm phát đang cao, chuỗi cung ứng đang căng thẳng và không rõ các ngân hàng trung ương sẽ làm gì để hạ nhiệt lạm phát và ổn định lại kinh tế”.

Có thêm một căng thẳng bổ sung, nghe có vẻ tương đối nhỏ nếu tách biệt, nhưng chúng lại đè nặng lên các nền kinh tế vốn vẫn đang phục hồi sau những đòn giáng của đại dịch. Ông Daco cũng nói thêm, một điều khác cũng rất dễ nhận thấy là "sự bất ổn chính trị và biến động sẽ gây sức ép lên hoạt động kinh tế".

Điều này có nghĩa một cuộc tấn công vào Ukraine có thể tạo ra tác động kép – làm chậm lại hoạt động kinh tế và khiến giá cả tăng vọt.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đối mặt với lạm phát cao nhất gần 40 năm, ở mức 7,5% trong tháng 1 và được dự báo nâng lãi tháng tới. Giá năng lượng tăng cao do tình hình xung đột ở châu Âu có thể chỉ là tạm thời, nhưng sẽ dấy lên lo lắng về vòng xoáy tăng lương – tăng giá.

"Chúng ta có thể chứng kiến một đợt lạm phát mới bùng phát", Christopher Miller tại Đại học Tufts cho biết.

Điều này cũng gây ra những lo lắng về việc thiếu hụt các kim loại thiết yếu như palladium, nhôm, niken, tạo ra một gián đoạn khác với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang hứng chịu đại dịch, tài xế đình công ở Canada và tình trạng thiếu chip.

Ví dụ, giá palladium – kim loại dùng trong công nghiệp ôtô, điện thoại di động và cả nha khoa – đã tăng vọt trong những tuần gần đây do lo ngại Nga cắt nguồn cung. Nga hiện là nước xuất khẩu kim loại này lớn nhất thế giới. Giá niken, dùng trong ngành thép và pin xe điện, cũng tăng vọt.

Các nền kinh tế đều chịu thiệt

Hiện tại còn quá sớm để đánh giá tác động chính xác của một cuộc xung đột quân sự, Lars Stenqvist – Giám đốc Công nghệ của Volvo, nhà sản xuất xe tại Thuỵ Điển cho biết hôm 21/2. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: "Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Chúng tôi đã lên nhiều kịch bản và đang theo dõi diễn biến tại khu vực này hàng ngày".

Phương Tây đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm bớt tác động đối với châu Âu nếu Nga quyết định trả đũa. Mỹ đã tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng và đề nghị các nhà cung cấp khác, như Qatar cũng làm như vậy.

Ngoài ra, Mỹ đang cân nhắc một số biện pháp trừng phạt Nga, như cắt quyền truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) hoặc cấm các công ty bán hàng có thành phần do Mỹ sản xuất cho Nga. Tuy nhiên, nhìn chung thì Mỹ ít chịu thiệt hại hơn EU – đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

'Trạm xăng và kho mỳ của thế giới' đóng cửa vì xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 4
Một vị trí tiền tuyến ở Luhansk Oblast, miền đông Ukraine, hiện trường vụ tấn công bằng súng cối. (Ảnh: The New York Times)

Ông Biden cảnh báo, người Mỹ có thể phải chịu giá xăng tăng cao. Nhưng vì bản thân Mỹ cũng là nhà sản xuất khí đốt lớn, những đợt tăng giá này không gây ra tác động mạnh. Trong khi đó, châu Âu có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và cũng tham gia vào nhiều giao dịch tài chính hơn, bao gồm cả các thanh toán cho khí đốt Nga.

Các hãng dầu mỏ như Shell và Total đều có liên doanh tại Nga. Airbus, gã khổng lồ hàng không châu Âu, mua titan từ Nga. Các ngân hàng châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp, Italy, đều cho khách hàng Nga vay hàng tỷ USD. "Các lệnh trừng phạt nghiêm khắc sẽ khiến Nga tổn thất lớn, nhưng cũng khiến châu Âu phải chịu thiệt hại", Adam Tooze – Giám đốc Viện nghiên cứu châu Âu tại Đại học Columbia cho biết.

Tùy thuộc vào diễn biến của tình hình hiện nay, những tác động lên nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ chỉ hiện rõ trong thời gian dài. Một trong những kết quả là Nga sẽ có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Hai quốc gia này gần đây đàm phán hợp đồng 30 năm về việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua một đường ống mới.

"Nga có thể sẽ xoay trục xuất khẩu năng lượng và hàng hóa sang Trung Quốc", Carl Weinberg – kinh tế trưởng tại High Frequency Economics cho biết.

Cuộc khủng hoảng này đang khiến các nước phải đánh giá lại cấu trúc kinh tế toàn cầu và khả năng tự cung tự cấp. Trước đó, đại dịch cũng đã đặt ra mặt trái của vấn đề này.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga hiện tại đang làm dấy lên câu hỏi về việc mở rộng các nguồn năng lượng. Việc này có thể càng làm giảm sự hiện diện của Nga trong kinh tế toàn cầu.

Như vậy, "về lâu dài, điều này sẽ khiến châu Âu phải đa dạng hóa thôi", “Đối với Nga, theo thời gian, các lệnh trừng phạt sẽ khiến kinh doanh và đầu tư trở nên khó khăn hơn nhiều”, Jeffrey Schott – nhà nghiên cứu chính sách ngoại thương tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Trạm xăng và kho mỳ của thế giới' đóng cửa vì xung đột Nga - Ukraine. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới