Chủ nhật, 24/11/2024 05:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/11/2023 11:50 (GMT+7)

Những quốc gia có giá điện cao nhất thế giới, Việt Nam "chưa là gì"

Theo dõi KTMT trên

Từ ngày 9/11, giá bán lẻ điện bình quân của Việt Nam tăng thêm 4,5%, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Dù vậy so với thế giới, Việt Nam không phải là một trong số những quốc gia có giá điện cao nhất.

Quốc gia nào có gia điện cao nhất thế giới? 

Theo thống kê của Global Petrol Prices, Việt Nam vẫn là một trong những nước có giá điện bình quân vào nhóm rẻ của thế giới. Mức giá tại hơn 100 quốc gia được trang thống kê tính theo kWh, bao gồm cả mọi mục trong hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình. 

Trong đó Đan Mạch hiện là nước có giá điện cao nhất với mức 0,538 USD/kWh (khoảng 12.639 đồng/kWh). Tiếp theo là Đức (0,530 USD/kWh - 12.441 đồng/kWh), Anh (0,479 USD/kWh), Áo (0,47 USD/kWh), Ý (0,47 USD/kWh),.... 

Một trong những nguyên nhân khiến giá điện của Đan Mạch cao tương đương 13.100,30 đồng/kWh là do địa lý, cơ sở hạ tầng và thuế. Đối với Đức, mức giá trên được cho là diễn biến mới nhất của đợt tăng đột biến từ sau năm 2012. 

Bên cạnh đó giá điện tại Anh dù rẻ hơn so với Đan Mạch và Đức nhưng vẫn nằm ở mức cao. Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch truyền thống là điều khiến giá điện tại Anh dễ biến động mạnh, khi theo thời gian thị trường có sự thay đổi.

Ngoài ra giá điện trung bình của thế giới là 0,169 USD/kWh (tương đương 3.967 đồng/kWh) đối với người dùng là hộ gia đình. Tính đến tháng 3/2023, Iran đang là nước có giá điện rẻ nhất chỉ với 0,002 USD/kWh (khoảng 48,72 đồng/kWh). 

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Trung Quốc,... Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng bởi các sự kiện thế giới, kể tới như cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng làm gián đoạn việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch từ cả 2 quốc gia này, khiến giá điện cùng nhiều sản phẩm khác tăng đột biến trên toàn thế giới và đặc biệt là châu Âu. 

Giá điện Việt Nam chính thức tăng 

Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Những quốc gia có giá điện cao nhất thế giới, Việt Nam "chưa là gì" - Ảnh 1
Từ ngày 9/11, giá bán điện của Việt Nam tăng 4,5%. 

Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.

Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 09 tháng 11 năm 2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Theo quyết định này, mức giá bán lẻ điện sinh hoạt áp dụng cho 6 bậc cũng thay đổi. Cụ thể: Bậc 1, cho kWh từ 0 - 50: 1.806 đồng/kWh; Bậc 2, cho kWh từ 51 - 100: 1.866 đồng/kWh; Bậc 3, cho kWh từ 101 - 200: 2.167 đồng/kWh; Bậc 4, cho kWh từ 201 - 300: 2.729 đồng/kWh; Bậc 5, cho kWh từ 301 - 400: 3.050 đồng/kWh; Bậc 6, cho kWh từ 401 trở lên: 3.151 đồng/kWh.

Đánh giá về tăng giá điện lần này, EVN cho biết về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Những quốc gia có giá điện cao nhất thế giới, Việt Nam "chưa là gì". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới