Chủ nhật, 24/11/2024 05:18 (GMT+7)
Thứ ba, 21/05/2024 10:45 (GMT+7)

Những trường hợp nào phải kê khai, cấp phép và đăng ký khai thác sử dụng tài nguyên nước từ 1/7/2024

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ đã ban hành quy định các trường hợp phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong Nghị định 54/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/7/2024.

Những trường hợp phải kê khai, cấp phép khai thác và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ 01/7/2024

Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo đó, những trường hợp phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

1. Công trình khai thác nước dưới đất của hộ gia đình quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước phải thực hiện kê khai. Việc kê khai nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra những khuyến cáo cho các hộ gia đình về chất lượng nước dưới đất, khu vực có nguy cơ mực nước bị hạ thấp, suy giảm, khu vực bị sụt, lún đất, khu vực có nguồn nước dưới đất gần biên mặn và phục vụ công tác quản lý bảo vệ nước dưới đất.

2. Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký bao gồm:

- Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m³; công trình khai thác nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có quy mô khai thác lớn hơn 0,1 - 0,5 m³/giây.

Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m³ có quy mô khai thác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vượt quá 0,5 m³/giây hoặc có các mục đích khai thác nước khác có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện cấp phép theo quy định của Nghị định này;

- Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền có quy mô lớn hơn 10.000 - 100.000 m³/ngày đêm;

- Khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường và sinh hoạt của hộ gia đình có quy mô không vượt quá 10 m³/ngày đêm;

- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm bút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;

- Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan (trừ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện) khác có tổng chiều dài hạng mục công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch không vượt quá 30 m; đối với cống ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan có tổng chiều rộng thông nước không vượt quá 5 m.

- Sử dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời;

- Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với diện tích mặt nước sử dụng có quy mô lớn hơn 100 m²;

- Các khu, điểm du lịch có hoạt động sử dụng mặt nước;

-Đào sông, suối;

-Đào hồ, ao để tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan có quy mô khác;

- Đào kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan có quy mô khác.

Như vậy, kể từ ngày 01/7/2024, tức là ngày Nghị định 54/2024/NĐ-CP có hiệu lực, những trường hợp trên sẽ phải thực hiện kê khai và xin cấp phép khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 54/2024/NĐ-CP cũng quy định về các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký.

Những trường hợp nào phải kê khai, cấp phép và đăng ký khai thác sử dụng tài nguyên nước từ 1/7/2024 - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet).

3. Các trường hợp khai thác tài nguyên nước phải có giấy phép, bao gồm:

- Khai thác tài nguyên nước không thuộc trường hợp không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Nghị định này và khoản 4, khoản 5 Điều 7 của Nghị định 54/2024/NĐ-CP.

- Các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 7 của Nghị định 54/2024/NĐ-CP mà khai thác nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi, thủy điện thì phải thực hiện cấp phép theo quy định của Nghị định này.

Nghị định nêu rõ, các công trình khai thác nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép trước khi xây dựng công trình khai thác nước.

Trường hợp đã có công trình khai thác nước mà chưa có giấy phép khai thác tài nguyên nước theo quy định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước khi đáp ứng các điều kiện cấp phép theo quy định tại Điều 57 của Luật Tài nguyên nước. Việc xử lý các hành vi vi phạm do thăm dò, khai thác tài nguyên nước không có giấy phép thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Khoản 4, khoản 5 Điều 7 của Nghị định 54/2024/NĐ-CP nêu rõ:

4. Đào hồ, ao, kênh, mương, rạch quy mô nhỏ để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan thuộc trường quy định tại điểm i khoản 3 Điều 52 của Luật Tài nguyên nước, bao gồm:

a) Đào hồ, ao có quy mô diện tích mặt nước không vượt quá 500 m2;

b) Đào kênh, mương, rạch với lưu lượng dẫn nước có quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây hoặc bề rộng đáy không vượt quá 0,5 m;

c) Tổ chức, cá nhân có hoạt động quy định tại điểm a, điểm b khoản này và điểm i, k, l khoản 2 Điều 8 của Nghị định này phải đảm bảo các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, giao thông, thủy lợi, khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; trường hợp quy định tại điểm a, b khoản này có khai thác nước để sử dụng cho các mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký, cấp phép thì phải thực hiện đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Nghị định này.

5. Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch với mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan (trừ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện) là công trình tạm, thời vụ có thời gian sử dụng liên tục không quá 3 tháng.

Giấy phép khai thác tài nguyên nước bắt buộc có những nội dung gì?

Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 54/2024/NĐ-CP, nội dung chính của giấy phép khai thác tài nguyên nước, bao gồm:

- Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép;

- Tên, vị trí công trình khai thác nước;

- Mục đích khai thác nước;

- Nguồn nước khai thác;

- Quy mô, công suất, lưu lượng khai thác;

- Chế độ, phương thức khai thác nước (số giờ, ngày khai thác trong năm tương ứng với từng cấp quy mô, công suất, lưu lượng khai thác đề nghị cấp phép);

- Thời hạn của giấy phép;

- Các yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với từng trường hợp khai thác tài nguyên nước do cơ quan cấp phép quy định nhằm mục đích điều hòa, phân phối tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan, trong đó thể hiện rõ nội dung quy định trong điều kiện bình thường được phép khai thác tối đa lượng nước theo giấy phép khai thác tài nguyên nước. Trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, tuân thủ thực hiện cắt giảm lượng nước khai thác theo hạn ngạch khai thác tài nguyên nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

- Quyền, nghĩa vụ của chủ giấy phép.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Những trường hợp nào phải kê khai, cấp phép và đăng ký khai thác sử dụng tài nguyên nước từ 1/7/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới