Chủ nhật, 24/11/2024 08:56 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/04/2020 10:00 (GMT+7)

Những xu hướng kinh tế trong tương lai sau đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Đại dịch sẽ củng cố vai trò của chủ nghĩa đa phương, tái định hình các chuỗi cung ứng, kéo theo thâm hụt ngân sách khổng lồ ở nhiều nước... là những nhận định về xu hướng của tác giả Vikram Khanna.

Những xu hướng kinh tế trong tương lai sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Công nhân sản xuất thiết bị bảo hộ tại công ty công nghệ y tế thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/4, tờ StraitsTimes của Singapore đã đăng tải bài bình luận của tác giả Vikram Khanna về những xu hướng kinh tế trong tương lai sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với 8 điểm nổi bật.

Thứ nhất, đại dịch củng cố vai trò của chủ nghĩa đa phương. Trước khi diễn ra đại dịch, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) có phần bị phân hóa và vai trò bị lu mờ đi rất nhiều.

Với việc đại dịch Covid-19 bùng phát, những định chế đa phương nói trên đang dần lấy lại được vai trò và vị trí của mình. Vai trò của các tổ chức này lại càng đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia nghèo, kém phát triển vốn thiếu hụt nhiều nguồn lực hoặc kiến thức chuyên môn để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực mà đại dịch này gây ra.

IMF đang cung cấp các khoản hỗ trợ cho các quốc gia nghèo, kém phát triển và sẵn sàng huy động nguồn vốn vay 1.000 tỉ USD để trợ giúp các quốc gia thành viên chống lại đại dịch. WB cũng đã cam kết hỗ trợ 150 tỉ USD trong vòng 15 tháng tới.

Thứ hai, đại dịch Covid-19 tái định hình các chuỗi cung ứng. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại. Tiến trình này vốn đã bắt đầu diễn ra trong thời gian diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, khi các doanh nghiệp tìm cách lách thuế của Mỹ, nhưng giờ sẽ tăng tốc.

Các doanh nghiệp sẽ thay vì chú trọng vào việc tối ưu hóa hiệu quả sẽ chuyển sang việc tối ưu hóa khả năng phục hồi thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, bổ sung các mặt hàng trong kho dự trữ.

Trong bối cảnh dịch bùng phát, ngành công nghiệp ôtô đã chịu thiệt hại nặng nề do thiếu phụ tùng, do nhiều bộ phận được sản xuất tại Vũ Hán, một trong những trung tâm sản xuất phụ tùng ôtô lớn của thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp chính các hoạt chất để phục vụ sản xuất thuốc, nhưng lĩnh vực này cũng đã bị gián đoạn.

Thứ ba, đại dịch Covid-19 kéo theo thâm hụt ngân sách khổng lồ ở nhiều nước. Với việc nhiều nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, các chính phủ đã tung ra các biện pháp tài khóa và tiền tệ chưa từng có tiền lệ, nhằm duy trì hoạt động của các công ty, doanh nghiệp và bảo vệ việc làm cho người lao động, ngăn chặn những thiệt hại về dài hạn đối với các nền kinh tế và giúp các công ty, doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động khi đại dịch đi qua.

Tuy nhiên, hiện nay không có bất kỳ giới hạn nào đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay chi tiêu của chính phủ. Nước Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Canada, Singapore và nhiều quốc gia khác đã tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ. Chính vì thế, thâm hụt ngân sách lớn chắc chắn là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới.

Thứ tư, đại dịch Covid-19 giúp mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ hơn. Dịch bệnh hiện nay ít nhất có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của những mạng lưới an toàn xã hội như hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, hệ thống y tế đa năng, hệ thống lương hưu cho người lao động hay hệ thống chi trả lương cho người nghỉ việc do ốm đau, bệnh tật.

Đại dịch Covid-19 sẽ dẫn tới việc cắt giảm hàng loạt lao động tại nhiều quốc gia cũng như làm gia tăng sự bất bình đẳng. Chi phí cho việc “giãn cách xã hội” cũng sẽ tăng cao, trực tiếp tác động tới hàng triệu người lao động đang ở những vị trí việc làm đòi hỏi sự giao tiếp trực tiếp như các nhân viên y tế, lái xe taxi, nhân viên chăm sóc khách hàng và người lao động làm công nhật.

Điều này sẽ khiến các chính phủ hiểu ra rằng mạng lưới an toàn xã hội là cực kỳ thiết yếu để bảo vệ những người lao động như vậy, khi giảm những hậu quả tiêu cực từ việc cắt giảm việc làm.

Thứ năm, hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẽ được đầu tư nhiều hơn. Đại dịch Covid-19 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào hệ thống y tế công cộng bởi nếu bất kỳ bộ phận nào của xã hội dễ bị tổn thương đặc biệt trước đại dịch này sẽ khiến toàn xã hội trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cũng là một sự nguy hiểm. Các loại virus cũng như các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác không phân biệt giữa người giàu và người nghèo. Đại dịch Covid-19 sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia chưa đầu tư vào y tế công cộng.

Những xu hướng kinh tế trong tương lai sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2
Ôtô mới tại kho bãi gần cảng Richmond, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ sáu, đại dịch Covid-19 sẽ làm bùng nổ giao tiếp từ xa. Công nghệ giao tiếp từ xa đang bùng nổ, đặc biệt là giữa các nhân viên công sở thì làm việc từ xa đã trở thành điều bình thường.

Một cuộc khảo sát với hơn 800 công ty do công ty tư vấn Gartner tiến hành hồi giữa tháng 3/2020 cho thấy 88% các công ty hiện nay đã và đang khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu người lao động làm việc tại nhà.

Với việc hoạt động đi lại kinh doanh bị gián đoạn, nhiều công ty đã đưa ra các công cụ mới phục vụ các cuộc họp trực tuyến như công cụ Google Hangouts, GoToMeeting và Zoom. Việc khám, chữa bệnh từ xa cho đến thời gian gần đây vẫn không phải là hoạt động y tế phổ biến cũng đang bắt đầu trở nên được để ý hơn.

Tại Mỹ, gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD cũng có một phần hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa.

Thứ bảy, đại dịch Covid-19 có tác động hỗn hợp đối với thương mại điện tử. Các biện pháp “giãn cách xã hội” và các yêu cầu “ở trong nhà” để phòng dịch sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của thương mại điện tự do người tiêu dùng hạn chế tới các chuỗi cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng và các quán bar.

Sự bùng phát dịch SARS năm 2003 được xem là một sự thúc đẩy đối với lĩnh vực thương mại điện tử, sản sinh ra những gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com.

Nghiên cứu do hãng phân tích tiêu dùng Nielsen và Hiệp hội thương mại điện tử quốc gia của châu Âu cho thấy rằng, trong khi nhu cầu đối với một số loại mặt hàng như thực phẩm, thuốc men và các sản phẩm vệ sinh cá nhân đã tăng mạnh, hoạt động thương mại điện tử có liên quan tới một loạt các mặt hàng và dịch vụ khác như các sản phẩm tiêu dùng lâu bền, thời trang, hàng hóa xa xỉ, hàng không và khách sạn đã sụt giảm nghiêm trọng.

Thứ tám, đại dịch Covid-19 thúc đẩy hoạt động chống biến đổi khí hậu. Sự lây nhiễm virus từ động vật tới con người một phần là kết quả của sự tàn phá rừng và mất đa dạng hóa sinh học, khiến các loài động vật bị đẩy ra khỏi các khu vực sinh sống tự nhiên của chúng và di chuyển gần hơn tới các khu vực sinh sống của con người, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các loài.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc cũng đã cảnh báo rằng sự ấm lên toàn cầu dường như sẽ làm gia tăng sự bùng phát các loại virus mới. Hoạt động buôn bán động vật hoang dã cũng là một mối nguy hiểm.

Đại dịch Covid-19 giúp con người nâng cao ý thức lớn hơn về biến đổi khí hậu, coi đó là một mối đe dọa hiện hữu mà việc ngăn chặn có tính sống còn đối với thế giới.

Thế Vũ

Bạn đang đọc bài viết Những xu hướng kinh tế trong tương lai sau đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới