Chủ nhật, 24/11/2024 10:10 (GMT+7)
Thứ tư, 19/05/2021 11:30 (GMT+7)

Những yếu kém của ngành Xây dựng và hướng phát triển trong tương lai

Theo dõi KTMT trên

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành Xây dựng, đồng thời đề cập những nhiệm vụ mà ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, các kiến nghị của ngành và chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém 

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các ý kiến đều đánh giá cao Bộ Xây dựng đã kế thừa thành quả, thành tích, truyền thống nhiều thập kỷ của ngành, có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá, ghi nhận.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra 8 hạn chế, yếu kém của ngành Xây dựng trong thời gian qua. Trước hết là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập. Cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền với tư duy đổi mới.

Ngoài ra, công tác quy hoạch đã đạt một số kết quả nhưng chưa được thực hiện bài bản, nền nếp, “chưa ăn sâu vào tiềm thức của người lãnh đạo”, cả về tư tưởng quy hoạch, không gian quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, định hướng quy hoạch. Luật Quy hoạch đã có, Bộ phải tập trung, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế cho công tác quy hoạch.

Thủ tướng yêu cầu, quy hoạch phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, xu thế của thời đại. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lớp lang, vừa khắc phục những nhược điểm.  

Những yếu kém của ngành Xây dựng và hướng phát triển trong tương lai - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). 

Trong thời gian vừa qua, phát triển đô thị chưa bài bản, chưa dựa trên nền tảng vững chắc về xã hội, tự nhiên, nhu cầu thực tiễn và chưa theo kịp xu thế phát triển của thế giới.

Hơn nữa, việc phân cấp quản lý Nhà nước cần mạnh mẽ hơn; Trong đó, Thủ tướng lưu ý việc phân cấp cho các địa phương về thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý xây dựng. “Bộ không nên quản lý trực tiếp các công trình xây dựng, rất mệt mỏi, rất mất thời gian. Cách làm này trong thời bao cấp thì phù hợp, nhưng hiện nay không còn phù hợp nữa”, Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng, thị trường bất động sản chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.  

Các khu chung cư cũ đang chiếm một nguồn lực lớn của xã hội nhưng chưa có cơ chế hiệu quả, phù hợp để cải tạo, xây dựng lại, giải phóng các nguồn lực này.

Bên cạnh đó, quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội chưa thực hiện tốt. Công tác quản lý Nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; Trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ phải có bước đi đồng bộ, cụ thể để khắc phục các hạn chế, yếu kém này, mà trước hết phải thay đổi tư duy và nhận thức.

Chiến lược phát triển trong tương lai

Cũng trong buổi làm việc, các ý kiến của các đại biểu cơ bản đồng tình với những nhóm nhiệm vụ lớn và 3 nhiệm vụ đột phá mà Bộ đề ra cho thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị, Bộ cần căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII sắp được Chính phủ ban hành, tham khảo Nghị quyết đại hội Đảng bộ các địa phương, bám sát xu thế phát triển chung của đất nước, xu thế phát triển của thời đại để xây dựng, triển khai chương trình hành động của ngành và nhanh chóng chuyển đổi trạng thái khi tình hình có biến động.

Những yếu kém của ngành Xây dựng và hướng phát triển trong tương lai - Ảnh 2

Từ thực tiễn đó, Thủ tướng gợi ý 13 nhiệm vụ đột phá mà ngành Xây dựng cần tập trung thời gian tới.

Thứ nhất, phải có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề phù hợp với tình hình mới, thay đổi nhận thức, nâng tầm tư duy. Nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm mà chưa giải quyết được cũng là do vướng mắc về tư duy, nhận thức.

Thứ hai, Bộ Xây dựng phải tiếp tục và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển.

Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách khắc phục những yếu kém, tồn tại, ưu tiên chính sách và nguồn lực cho các vấn đề, các ngành, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Trong bối cảnh nguồn lực và thời gian đều có hạn, cần lựa chọn để làm trước, làm dứt điểm các công việc trọng tâm, trọng điểm có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, tác động lan tỏa tới cả nước.

Thứ tư, công tác quy hoạch kiến trúc phải được coi trọng, nâng tầm hơn và thay đổi nhận thức cho cả hệ thống. Dành nhiều thời gian phân tích về vấn đề hết sức quan trọng này, Thủ tướng nhắc lại tinh thần quy hoạch phải có tầm nhìn, bài bản, lớp lang; Khắc phục bằng được những bất cập, hạn chế về tiến độ và chất lượng quy hoạch.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh công tác quy hoạch dứt khoát phải do Nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị. “Còn nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.  

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải đầu tư đúng mức cho quy hoạch về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nguồn kinh phí và cả sự quan tâm. 

“Phải là Bí thư, Chủ tịch tỉnh mới nắm được trọng tâm phát triển của địa phương, nếu bỏ mặc cho Giám đốc Sở Xây dựng thì làm sao công tác quy hoạch có thể bảo đảm chất lượng, đúng trọng tâm?”, Thủ tướng yêu cầu khắc phục cho được tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, những bất cập trong việc thay đổi quy hoạch. 

Thứ năm, tăng cường quản lý và phát triển đô thị để trở thành một ngành kinh tế quan trọng, kéo theo nhiều lĩnh vực cùng phát triển.

Thứ sáu, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ, chiến lược, lâu dài, kể cả hạ tầng đô thị và nông thôn. 

Thứ bảy, có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương; Gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý với mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó rất coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.

“Phải điều tiết bằng quản lý Nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở”, Thủ tướng nhấn mạnh, chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội.

Cùng với đó, phải nhanh chóng thiết kế các chính sách về mua, thuê mua nhà ở có thời hạn, chỉ như vậy mới huy động được các nguồn lực cho phát triển nhà ở và bảo đảm công bằng xã hội.

Những yếu kém của ngành Xây dựng và hướng phát triển trong tương lai - Ảnh 3
Cần tăng cường quản lý và phát triển đô thị để trở thành một ngành kinh tế quan trọng.

Thứ tám, thiết kế các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là cơ chế hợp tác công tư.

Trên cơ sở nguyên tắc chung là hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro, Thủ tướng cho rằng việc triển khai cơ chế hợp tác công tác phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, tỉnh táo, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. "Không nên đặt ra mức tối thiểu để huy động nguồn lực xã hội, mà ngược lại, thu hút được chỉ 1 đồng vốn tư nhân cũng quý", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ chín, coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo các Nghị quyết của Trung ương.

Thứ mười, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, “cái gì không biết, không với tới thì không quản”.

Mười một, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Mười hai, phải có chiến lược phát triển các vật liệu xây dựng mới, tiên tiến, theo hướng huy động tối đa các nguồn lực phát triển, gắn với nguồn tài nguyên của đất nước.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách để xây dựng, phát triển ngành, truyền cảm hứng để người dân cùng vào cuộc trong hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Những yếu kém của ngành Xây dựng và hướng phát triển trong tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới