Chủ nhật, 24/11/2024 03:48 (GMT+7)
Thứ năm, 25/07/2024 17:10 (GMT+7)

Ninh Thuận tiên phong trong phát triển khu công nghiệp NetZero

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Ninh Thuận được chọn để trở thành trung tâm năng lượng xanh và tiên phong trong phát triển khu công nghiệp NetZero đầu tiên của Việt Nam.

Mới đây, tại Hội thảo Năng lượng xanh, hydro và khu công nghiệp trung hòa carbon do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã bàn về vấn đề định hướng tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng xanh và tiên phong trong phát triển khu công nghiệp NetZero. Dự án này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Ninh Thuận tiên phong trong phát triển khu công nghiệp NetZero - Ảnh 1

Việt Nam khẩn trương hành động, chuyển đổi công nghiệp vì mục tiêu NetZero

Trước đó, Việt Nam đã đề ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cũng như chiến lược, trong đó có việc phân bổ rõ ràng trách nhiệm cho từng ngành, lĩnh vực và định hướng chính sách phát triển cụ thể. Các ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp và lâm nghiệp đều được xác định là những lĩnh vực trọng tâm cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính. Đồng thời, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Với những nỗ lực này, Việt Nam mong muốn góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và bền vững.

Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong lĩnh vực công nghiệp, nước ta đang tập trung vào việc cải tiến công nghệ sản xuất, ưu tiên sử dụng vật liệu xanh và giảm thiểu phát thải các chất gây ô nhiễm như N2O. Đồng thời, các giải pháp như thu giữ carbon, phát triển tòa nhà xanh và khu đô thị xanh cũng được đẩy mạnh.

Ninh Thuận tiên phong trong phát triển khu công nghiệp NetZero - Ảnh 2

Các chính sách và chiến lược cấp cao đã được ban hành để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, bao gồm Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược Biến đổi khí hậu,... đặc biệt là Quy hoạch điện VIII về năng lượng. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững.

Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây tập trung nhiều vào các dự án xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ hiện đại. Theo Bộ Công Thương, quý I/2024 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng hơn 13%. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng đang tích cực chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

Ninh Thuận khai phá tiềm năng, lợi thế để phát triển khu công nghiệp NetZero

Được thiên nhiên ưu đãi với tốc độ gió mạnh nhất cả nước và tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào, Ninh Thuận đang nổi lên như một "ngôi sao sáng" trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với 5 khu vực đã được quy hoạch để sản xuất điện gió, tổng công suất gần 2.500 MW, cùng năng lượng gió và năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh, tỉnh Ninh Thuận cũng được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển khu công nghiệp NetZero. 

Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, Ninh Thuận có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo với khả năng phát triển tối đa khoảng 13.000 mW điện gió và hơn 8.000 mW điện mặt trời. Toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với khoảng lượng gió thổi đều quanh năm, tốc độ gió trung bình ở độ cao 6,5 m đạt 9,6 m/s. Về năng lượng mặt trời, số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600 - 2.800 giờ. Tổng sản lượng bức xạ nhiệt mặt trời trung bình 5,221 kwh/m2/năm, cao hơn mức trung bình cả nước.

Ninh Thuận tiên phong trong phát triển khu công nghiệp NetZero - Ảnh 3

Trong khuôn khổ Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Thuận đã xác định năng lượng và năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao là một trong năm cụm ngành đột phá, bên cạnh công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và kinh doanh bất động sản; kinh tế biển và kinh tế đô thị.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Thuận cũng đã lựa chọn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là động lực tăng trưởng chủ lực. Tỉnh đang tập trung đầu tư vào việc nâng cấp hạ tầng giao thông, cảng biển, phát triển các khu công nghiệp và du lịch. Với những nỗ lực này, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành một khu kinh tế ven biển sầm uất, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Theo Quy hoạch được lập đến năm 2030, điện gió trên đất liền ở Ninh Thuận có tiềm năng phát triển đạt hơn 1.429 MW, điện gió ven biển tiềm năng khoảng 4.380 MW, điện gió ngoài khơi tiềm năng phát triển 21.000 MW; điện mặt trời tiềm năng phát triển khoảng 8.448 MW; điện khí LNG tiềm năng phát triển 6.000 MW, đến năm 2030 phát triển 1.500 MW. Đồng thời, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Ninh Thuận là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước.

Trước đó, ngày 7/2/2024 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 165/QĐ-TTg bàn về chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong Quyết định, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch phát triển của tập đoàn, doanh nghiệp phù hợp Chiến lược năng lượng hydrogen; tăng cường huy động nguồn vốn theo quy định từ các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án về năng lượng mới.

Tỉnh Ninh Thuận quyết tâm và nỗ lực phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình Thủ tướng đề ra.

Ninh Thuận tiên phong trong phát triển khu công nghiệp NetZero - Ảnh 4

Vì mục tiêu phát triển xanh, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác giúp tỉnh Ninh Thuận quy hoạch “hệ sinh thái công nghệ NetZero”. Điển hình như mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận và Trung Nam Group đã ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án hydro xanh với vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, dự kiến sản xuất 250.000 tấn/năm vào năm 2030 và 2,5 triệu tấn/năm vào năm 2050.

Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) cũng đề xuất dự án Tổ hợp sản xuất điện sạch tích năng Lâm Sơn với vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã đồng ý và cam kết hỗ trợ PV Power trong việc lập hồ sơ dự án. 

Tập đoàn Envision Group cam kết sẽ giúp tỉnh Ninh Thuận quy hoạch “Hệ sinh thái công nghiệp Netzero” để triển khai khu công nghiệp NetZero đầu tiên và trở thành trung tâm năng lượng xanh của Việt Nam.

Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và nỗ lực của các doanh nghiệp, Ninh Thuận đang dần khẳng định vị thế của mình như một trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu của cả nước. Dự án này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Sự hợp tác, đầu tư vào năng lượng tái tạo chính là chìa khóa mở ra một tương lai xanh, thịnh vượng cho Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung. 

Thanh Trúc - Bích Hạnh

Bạn đang đọc bài viết Ninh Thuận tiên phong trong phát triển khu công nghiệp NetZero. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới