Chủ nhật, 24/11/2024 05:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/06/2024 06:00 (GMT+7)

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Với những nỗ lực của mình nhằm đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Trong đó, ngành giao thông vận tải-một trong những ngành có nguồn phát thải lớn cũng đang nỗ lực trong tiến trình xanh hóa.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 1

LỜI TÒA SOẠN:

NetZero hay còn được hiểu là "Phát thải ròng bằng 0" là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái Đất nhằm ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Ngày 1/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại TP. Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đã bắt tay ngay vào việc thực thi để thực hiện cam kết. Các bộ, ngành, địa phương vào cuộc một cách rốt ráo để thực hiện chuyển đổi xanh. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong việc thực hiện Netzero vào năm 2025, vai trò, sứ mệnh của ngành Giao thông vận tải là rất lớn.

Để giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về sự nỗ lực của ngành giao thông vận tải đối với mục tiêu NetZero vào năm 2050, bên cạnh đó, với mong muốn góp ý để ngành này thực hiện tốt hơn nữa “sứ mệnh” đang gánh, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài Hiến kế để ngành GTVT thực hiện vai trò tiên phong trong mục tiêu Việt Nam đạt Netzero vào năm 2050.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 2

Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ tham vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thông qua xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Ngày 26/07/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 896/QĐ - TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tại COP28 (2023), Việt Nam tái khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình để chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đồng thời một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 3

Để thực hiện mục tiêu này, Ban chỉ đạo Quốc gia đã tổ chức nhiều phiên họp, thảo luận, thống nhất ý kiến. Các Bộ, ban, ngành đã triển khai xây dựng và trình Chính phủ ban hành: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành GTVT; Quy hoạch điện VIII...

Trong đó, Quyết định 876/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành GTVT. Thực hiện Quyết định 876, Bộ GTVT đã đề xuất các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện bao gồm: chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện như Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng môi trường, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về trạm dừng, nghỉ đường bộ...

Trong lĩnh vực giao thông công cộng, theo Quyết định 876, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh.

Dù đã có lộ trình, kế hoạch rõ ràng, tuy nhiên để thực hiện cuộc cách mạng giảm phát ròng bằng 0 là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam. Đặc biệt là đối với ngành GTVT - một ngành có lượng khí thảo cao nhất hiện nay

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 4

Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ngành GTVT (GTVT) đang đóng góp khoảng 8 tỷ tấn CO2, chiếm 23% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành GTVT cũng phản ánh đúng xu thế toàn cầu đó với lượng phát thải khoảng 37 triệu tấn CO2 vào năm 2020.

Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho thấy, Việt Nam đang nằm trong top quốc gia có chỉ số ô nhiễm không khí cao trên thế giới và trong khu vực. Trong đó, mức trung bình PM2.5 năm 2022 là 27,2 µg/m3, gấp 7-10 lần tiêu chuẩn quy định và xếp thứ 3 tại Đông Nam Á. Giai đoạn 2005-2022, tốc độ tăng trưởng ô tô là 13,3%/năm, trong đó riêng ô tô con cá nhân là 17,2%/năm.

Theo dự báo, Việt Nam sẽ đạt lượng phát thải khoảng 64,3 triệu tấn CO2 vào năm 2025, 88,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 5
Ngành GTVT đang đóng góp khoảng 8 tỷ tấn CO2.

Nguyên nhân được chỉ ra rằng, hiện nay các phương tiện giao thông của ta có tuổi đời cao, công nghệ lạc hậu, chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên mức phát thải rất lớn; Các yếu tố làm tăng phát thải gồm mạng lưới kết cấu hạ tầng có chất lượng kém, kết nối chưa thuận lợi dẫn đến nhiều điểm ách tắc giao thông; tổ chức vận tải chưa hiệu quả, tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, giao thông công cộng chiếm tỷ trọng khiêm tốn…

Do đó, bài toán cho ngành GTVT là làm sao để giảm phát thải ròng, hướng tới xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết là phát triển giao thông xanh nhằm xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh. Thực hiện yêu cầu này còn là cơ hội để ngành GTVT hiện đại hóa, bắt kịp với xu thế và trình độ tiên tiến của thế giới.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 6

Để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, thời gian qua, ngành GTVT đã đưa ra nhiều biện pháp giảm phát thải khí nhà kính như chuyển đổi các loại phương tiện, thiết bị GTVT sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu sinh học, hydrogen, xăng tổng hợp... 

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong mở rộng mạng lưới phục vụ và đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước thay thế các xe buýt cũ, gây ô nhiễm môi trường bằng xe buýt chất lượng cao nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương chú trọng phát triển các phương tiện giao thông công cộng năng lượng xanh nhằm giảm mức độ phát thải khí. Tháng 12/2021, Hà Nội chính thức đưa vào khai thác thương mại 3 tuyến xe buýt điện đầu tiên kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Sau đó, mạng lưới xe buýt sinh thái này tiếp tục được mở rộng.

Đến nay, Hà Nội có 148 xe buýt điện hoạt động trên 9 tuyến buýt (không tính tuyến nội bộ), 139 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí CNG thân thiện môi trường hoạt động trên 10 tuyến. Giai đoạn 2026 - 2030, Hà Nội dự kiến có thêm từ 60-70 tuyến mở mới (12-14 tuyến/năm), nâng tổng số tuyến buýt toàn thành phố lên 280- 300 Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025, tỉ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 15-20%.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 7

Tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 3/2022, chuyến xe buýt điện đầu tiên đã được lăn bánh, sau hơn một năm đi vào vận hành, Thành phố có 18 xe buýt điện hoạt động trên 1 tuyến và 496 xe buýt CNG hoạt động trên 17 tuyến buýt nội thành. Việc đưa xe buýt điện, taxi điện thân thiện môi trường vào thí điểm vận hành đã tạo được sự thích thú cho nhiều người dân tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng xanh.

Ngoài hai thành phố lớn trên, một số tỉnh, thành khác như Kiên Giang, Bình Dương... cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh.

Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn từ các phương tiện giao thông cũng có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Tháng 4/2023 vừa qua, Việt Nam chính thức ra mặt dịch vụ taxi điện đầu tiên do Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (GSM) cung cấp với tên gọi Taxi Xanh SM. Đây là hãng taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách hoàn toàn bằng xe điện VinFast. Không mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, tốt cho sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường, đồng thời được trang bị nhiều tính năng giải trí thông minh, giúp hành khách có trải nghiệm thú vị trên mỗi hành trình. Theo kế hoạch, sau khi triển khai tại Hà Nội, Taxi Xanh SM sẽ tăng số lượng xe theo nhu cầu thị trường và mở rộng hoạt động tới ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 8
Việt Nam cũng đang tăng tốc giao thông xanh.

Nhằm tăng cường hệ sinh thái cho phương tiện giao thông xanh, tại các thành phố lớn cũng đưa loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn là đường sắt đô thị vào vận hành.

Tuyến đường sắt số 2A (Cát Linh - Hà Nội) là tuyến đường sắt đô thị được đưa vào khai thác đầu tiên tại Việt Nam, vào tháng 11/2021. Chiều dài tuyến là 13,05km, với 12 nhà ga, được thiết kết với lưu lượng vận chuyển tối đa khoảng 1 triệu lượt khách/ngày. Sau một năm vận hành, lượng khách vận chuyển đạt hơn 7,4 triệu lượt khách, bình quân 26.000-32.000 lượt khách/ngày. Tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội cũng đang được xây dựng, đến nay tiến độ tổng thể đạt khoảng 75%. Theo Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ quy hoạch 9 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến tàu điện một ray.

Tại TP. Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 9 tới đây. Theo quy hoạch, Thành phố sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail).

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 9

Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm du lịch mới, tháng 12/2021, Hồ Chí Minh còn triển khai mô hình xe đạp công cộng. Giai đoạn đầu, Thành phố lắp đặt 43 trạm, đưa 388 xe đạp công cộng vào hoạt động với giá thuê 5.000 đồng trong 30 phút, 10.000 đồng 1 giờ. Các vị trí đặt xe được lựa chọn gần điểm giao thông công cộng như bến xe buýt, trường học, bệnh viện... tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng. Sau 2 năm triển khai thí điểm, đến nay đã có gần 300.000 tài khoản đăng ký sử dụng với trên 2 triệu km đã đi. Trung bình mỗi ngày có 700 người đăng ký mới, 100% thời gian trong ngày có khách hàng thuê xe.

Học hỏi kinh nghiệm thành công của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng tiến hành thí điểm mô hình xe đạp hai bánh kết nối với vận tải hành khách công cộng, với tuyến đầu tiên từ nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon mail Hà Đông, gồm 50 xe điện hai bánh và 10 xe đạp điện có trợ lực phục vụ người dân. Thời gian thực hiện thí điểm diễn ra trong 6 tháng từ 11/2022 đến 5/2023. Mô hình này đang được lãnh đạo địa phương nghiên cứu nhân rộng ra các điểm khác.

Trong năm 2023, Hà Nội nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và sẵn sàng cho phép thí điểm dịch vụ xe công cộng công nghệ số TNGo tại 6 quận nội thành.  Mô hình xe đạp công cộng cũng được tổ chức thí điểm tại Huế với sự phối hợp giữa Cơ quan hợp tác phát triển đức (GIZ) và công ty Cổ phần Vietsoftpro.

Có thể nói, với rất nhiều nỗ lực để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tới nay ngành GTVT đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi năng lượng xanh. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định lộ trình này vẫn còn khá nhiều vướng mắc nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành GTVT trở thành nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa, đồng thời cần có sự chung tay góp sức của toàn cả cộng đồng.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1) - Ảnh 10

Nội dung: Phạm Giang

Thiết kế:  Hải An

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua NetZero? (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới