Thứ năm, 20/02/2025 14:58 (GMT+7)
Thứ hai, 17/02/2025 10:11 (GMT+7)

Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Netzero vào năm 2050

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, đã từng bước luật hóa và có những hoạt động để thực hiện cam kết. Nhưng đâu đó, vẫn yêu cầu có những phân tích sâu hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn để giảm phát thải ròng, làm rõ khả năng thực thi Net Zero.

Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Netzero vào năm 2050 - Ảnh 1

Mở đầu

Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rất rõ ràng sẽ đạt phát thải ròng khí nhà kính (KNK) vào năm 2050 (Net Zero). Điều này đã được chính Thủ tướng Chính phủ công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 26 về Biến đổi khí hậu (COP26). Đi kèm cam kết này còn bao gồm cả một số hành động như sau:

- Giảm phát thải khí mê-tan: Việt Nam cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020.

- Loại bỏ dần điện than: Việt Nam cam kết không xây dựng thêm nhà máy điện than mới sau năm 2030 và loại bỏ dần điện than vào năm 2040.

- Chấm dứt nạn phá rừng: Việt Nam cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.

- Tham gia Tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu: Việt Nam tham gia tuyên bố chuyển đổi từ sản xuất điện than không kiểm soát.

- Tham gia Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow về Rừng và Sử dụng đất: Việt Nam tham gia tuyên bố thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Xây dựng chiến lược biến đổi khí hậu: Việt Nam xây dựng chiến lược biến đổi khí hậu để đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0.

- Cập nhật các kế hoạch phát triển: Việt Nam cập nhật các kế hoạch phát triển để phản ánh các cam kết COP26 của mình.

Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Netzero vào năm 2050 - Ảnh 2
Việt Nam đã tuyên bố sẽ đạt phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050.

Những cam kết của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và đề nghị hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình.

Một số câu hỏi đặt ra là cùng với cam kết của Việt Nam các quốc gia khác có cam kết tương tự không, họ đang thực hiện như thế nào và cam kết của Việt Nam có cơ sở khoa học và thực tiễn bảo đảm thực hiện thành công hay không sẽ được đưa ra bàn luận dưới đây.

Tình hình cam kết Net Zero và thực hiện cam kết trên thế giới

Để biết thêm về các quốc gia khác đã và đang thực hiện những kết luận của COP26 như thế nào, chúng tôi đã tiếp cận một số trang thống kê về các quốc gia đã cam kết đạt Net Zero. Tuy nhiên đa phần các trang mạng đều đăng bài phân tích của các nhà khoa học, nhà quản lý và luôn có ghi chú rõ về tài liệu thu được. Xin trích dẫn một bài của nhà phân tích, Nick Zrinyi, đăng trên [1] có tiêu đề Danh sách các quốc gia có cam kết phát thải ròng bằng 0 và luật về trách nhiệm giải trình về khí hậu. Ngay đầu bài viết đã nêu rõ “Nội dung của tài liệu này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin. Không có nội dung nào trong tài liệu này được hiểu là lời khuyên pháp lý hoặc chuyên môn và bạn không được dựa vào nội dung của tài liệu này như vậy”. Theo thông tin từ bài báo này thì các cam kết phát thải ròng bằng 0 có thể ở dạng luật, bản đệ trình lên Liên hợp quốc, tuyên bố chính sách, thỏa thuận liên minh, các tuyên bố công khai đáng tin cậy khác hoặc bất kỳ sự kết hợp nào trong số đó. Điều quan trọng cần lưu ý là các cam kết phát thải ròng bằng 0 và luật về trách nhiệm giải trình về khí hậu là khác nhau, mặc dù có một số điểm trùng lặp. Một quốc gia có thể có cam kết mà không có luật hoặc có thể có cam kết được đưa ra gần đây nhưng không được phản ánh trong luật cũ.

Chính vì có sự khác biệt trong cam kết Net Zero của các quốc gia mà việc thu thập tài liệu, phân tích mức độ cam kết có thể thiếu hoặc chưa phản ánh hết tình hình trên phạm vi toàn thế giới.

Trong [1] đã liệt kê tình hình cam kết Net Zero hiện nay (có lẽ tính đến 2023) như sau:

- “Hai quốc gia đã đạt được mức phát thải ròng bằng không và hiện tuyên bố là âm carbon.

- Ba mươi ba quốc gia khác đã cam kết đạt được mức trung hòa carbon trước hoặc vào năm 2050.

- Có năm quốc gia OECD có cam kết phát thải ròng bằng không trước năm 2050.

- Ít nhất 15 quốc gia đã đưa ra một số hệ thống trách nhiệm giải trình về khí hậu trong luật pháp. Vì không có tiêu chuẩn quốc tế nào về "trách nhiệm giải trình", nên danh mục này có thể được mở rộng đáng kể, tùy thuộc vào tiêu chí được sử dụng. Những tiêu chí được liệt kê là mới, toàn diện hoặc dễ tìm (không có tiêu chí nào bị loại trừ một cách cố ý)”.

Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Netzero vào năm 2050 - Ảnh 3
Bhutan được coi là 1 trong hai quốc gia duy nhất trên thế giới đạt trạng thái carbon âm tính.

Bhutan và Suriname là hai quốc gia duy nhất đạt được trạng thái carbon âm, nghĩa là họ loại bỏ nhiều carbon hơn lượng carbon thải ra. UNDP đã ghi nhận: Bhutan là một quốc gia trung hòa carbon và đã tái khẳng định cam kết duy trì mức trung hòa carbon trong  Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đã cập nhật. Quốc gia này đã cung cấp dữ liệu chứng minh vị thế của Bhutan là một quốc gia carbon ròng nhỏ hơn không (0). Suriname đã tuyên bố từ năm 2014 rằng họ có nền kinh tế carbon âm; điều đó có nghĩa là bất kỳ khí gây nóng lên toàn cầu nào mà họ tạo ra đều được bù đắp bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp thụ các khí đó. Quốc gia Nam Mỹ này có 93% diện tích được bao phủ bởi rừng, hoạt động như một bồn chứa carbon khổng lồ; nói cách khác, tất cả những cây đó đều thu giữ hoặc hấp thụ khí carbon dioxide có hại, loại bỏ nó khỏi khí quyển.

Tài liệu này cũng nêu tên các quốc gia cam kết đạt Net Zero theo các nguồn tư liệu khác nhau như đã đệ trình, thông báo lên Liên Hợp Quốc hoặc đã có trong các văn bản pháp luật hoặc lời hứa trong bầu cử (Mỹ).

Trong danh sách đưa ra không có tên Việt Nam chứng tỏ chúng ta hoặc chưa có văn bản đệ trình lên Liên Hợp Quốc hoặc Net Zero chưa được luật hóa hoặc tác giả của bài viết này chưa có thông tin. Tuy nhiên, cũng cần kiểm tra lại thông tin này để chính thức hóa cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong danh sách đã cam kết có nhiều quốc gia phát thải KNK nhiều ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á.

Mới đây nhất, ngày 13/11/2024 tác giả Phiên An đã đăng bài trên báo VnExpress dựa trên tham khảo từ Statista, Reuters cho thấy rõ hơn bức tranh cam kết Net Zero trên phạm vi toàn cầu [2]. Theo bài báo này, thế giới hiện có 6 quốc gia đạt Net Zero và cam kết duy trì hiện trạng này, gồm Panama, Guyana, Gabon, Comoros, Vanuatu và Bhutan. Đa phần trong nhóm này là các nước nhỏ, quốc đảo, kinh tế kém phát triển, có diện tích rừng dày đặc. Đã có 100 quốc gia cam kết Net Zero với mốc thời gian khác nhau và ước tính chiếm khoảng 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, theo nền tảng dữ liệu Statista (Đức). Đây là điều đáng mừng vì một số quốc gia phát thải KNK nhiều như Mỹ, Trung Quốc, Nga,… đã nằm trong số các quốc gia này.

Tuy nhiên, cần xem xét thêm về cách thức đạt được Net Zero đúng hạnĐầu tiên là chất lượng các kế hoạch triển khai. Theo dự án Climate Action Tracker (CAT) - nền tảng chuyên đánh giá và theo dõi các cam kết, hành động và chính sách khí hậu của Climate AnalyticsNewClimate Institute (Đức), chỉ 7% lượng phát thải toàn cầu thuộc về các quốc gia có kế hoạch được coi là chấp nhận được, như Anh, Colombia, Chile và Liên minh châu Âu. Tiếp đến, 21% lượng phát thải thuộc các nước có kế hoạch được xếp hạng trung bình như Canada, Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Nigeria. Chiếm lớn nhất, gần 50% phát thải thuộc về các kế hoạch kém của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Úc và Arab Saudi. Ngoài ra, 19% lượng phát thải từ các quốc gia không thể đánh giá do thiếu hoặc không có thông tin, ví dụ Morocco, Ethiopia, Brazil và Indonesia. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cho đến nay, chỉ riêng việc giảm phát thải đến cuối thập niên này, một số quốc gia nguy cơ không đạt được. Dựa trên các chính sách và hành động cụ thể đã thực hiện, Climate Action Tracker tính toán kết quả các nước có thể đạt được kế hoạch vào 2030 so với mục tiêu họ đề ra về kiểm soát mức phát thải. Một lý do khác cũng cần xem xét là nguồn lực cho kiểm soát, giảm phát thải ròng KNK còn hạn chế ở nhiều quốc gia, kể cả tài chính, công nghệ, nhân lực. Một số quốc gia cần được hỗ trợ từ những nước, tổ chức có nguồn lực mạnh như Mỹ, các quốc gia Tây Âu, Đông Bắc Á nhưng vấn đề huy động nguồn lực cũng gặp nhiều khó khăn. Một số nguyên thủ quốc gia chưa sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp chung về biến đổi khí hậu. Điển hình là hai nhiệm kỳ  Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump - người phủ nhận biến đổi khí hậu đã có chính sách không mấy ủng hộ tiến trình này. Mặc dù vậy, việc huy động đóng góp cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn và hạn chế thiệt hại khí hậu vẫn là mục tiêu chính của COP29, quy tụ gần 200 nền kinh tế tham dự, với mục tiêu đạt được thỏa thuận tài trợ tài chính khí hậu lên đến 1.000 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển.

Nêu lên những phân tích ở trên để thấy một thực tế là thực hiện Net Zero  không dễ đối với nhiều quốc gia, không chỉ ở Việt Nam.

Như vậy, hầu như Net Zero không có sự ràng buộc mang tính quốc tế nhưng các quốc gia đã cam kết phải cố gắng thực hiện. Từ nay đến năm 2025 còn 25 năm nữa, Thế giới nói chung và mỗi quốc gia còn có nhiều thay đổi nhưng nếu có sự chung tay của tất cả mọi người thì mới có thể hoàn thành mục tiêu mang tính thế kỷ và toàn cầu này.

Còn tiếp...

Tài liệu tham khảo

[1]. Nick Zrinyi, 2023, Danh sách các quốc gia có cam kết phát thải ròng bằng 0 và luật về trách nhiệm giải trình về khí hậu,

https://rosagalvez.ca/en/initiatives/climate-accountability/list-of-countries-with-net-zero-commitments-and-climate-accountability-legislation/

[2]. Phiên An, 2024 100quốc gia đã cam kết Net Zero

100 quốc gia đã cam kết Net Zero - Báo VnExpress Kinh doanh

[3]. Chính phủ Việt Nam, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cập nhật 2022.

[4].  EDGAR – Cơ sở dữ liệu phát thải phục vụ nghiên cứu khí quyển

EDGARv8.0_FT2022_GHG_booklet_2023.xlsx

[5]. Tạp chí Kinh tế Môi trường, 2024, Tiết kiệm năng lượng để hướng đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0: Cần vào cuộc quyết liệt

Tiết kiệm năng lượng để hướng đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0

GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Suy ngẫm về cơ sở khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt Netzero vào năm 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

SHB và những dấu ấn trong việc thực thi ESG
Trên hành trình chinh phục mục tiêu trở thành ngân hàng Top 1 về hiệu quả, SHB kiên tâm với định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.