Thứ năm, 09/01/2025 11:20 (GMT+7)
Thứ năm, 02/01/2025 12:02 (GMT+7)

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Năm 2024, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm của chính quyền, người dân, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những dấu ấn đậm nét.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 1

Cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường điểm lại 6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 2

Trong năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt nghị quyết đề ra.

Trong 24 chỉ tiêu nghị quyết, có 15 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7% (đạt chỉ tiêu nghị quyết), trong đó, khu vực I tăng 3,94%; khu vực II tăng 10,3%; khu vực III tăng 8,96%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,85%. GRDP bình quân đầu người đạt 69,1 triệu đồng/người/năm, vượt gần 5,2% chỉ tiêu nghị quyết. Cơ cấu kinh tế khu vực I - II - III tương ứng là 40,97% - 16,18% - 39,77%, cơ bản đạt chỉ tiêu nghị quyết.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 3
Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng ước tăng 5,5% (vượt chỉ tiêu nghị quyết).

Sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% (vượt chỉ tiêu nghị quyết). Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 103.000 tỷ đồng, vượt 14,4% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu đạt 1.800 triệu USD, vượt 20% chỉ tiêu nghị quyết, tăng gần 20% so năm 2023. Giá trị nhập khẩu ước đạt 200 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2023. Trong năm, toàn tỉnh đón 3,12 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 7,9% so cùng kỳ; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 1.858 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên. Số hộ nghèo giảm trong năm là 500 hộ, đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 85,15%, đạt kế hoạch và tăng 2,54% so với  năm 2023. Bên cạnh đó, an sinh xã hội được tập trung đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2024 là 1% (trong đó hộ nghèo Khmer là 2%). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 4

Ngày 22/5, tại Bắc Kinh, đoàn công tác của tỉnh Sóc Trăng do Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn dẫn đầu và Tham tán kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã có buổi làm việc với Tập đoàn Xây dựng cao tốc số 1 (CFHEC). Đây là một trong những doanh nghiệp xây dựng rất lớn tại Trung Quốc. Được biết, buổi làm việc này nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, du lịch của tỉnh Sóc Trăng với với các địa phương của Trung Quốc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã giới thiệu về những thế mạnh, tiền năng của tỉnh đối với doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông Lâm Văn Mẫn thông tin, quy mô nền kinh tế của tỉnh Sóc Trăng hiện nay khoảng 3 tỷ USD. Về hạ tầng giao thông, tỉnh Sóc Trăng có 7.472 km đường bộ gồm 5 truyến Quốc lộ, 17 tuyến đường tỉnh; Đường thuỷ nội địa: 3.012 km (có 3 tuyến quốc gia, 11 tuyến liên huyện).

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 5
Nhà máy điện gió Số 7 do Công ty cổ phần Năng lượng Sóc Trăng làm chủ đầu tư với quy mô gần 90 ha.

“Với những tiềm năng, lợi thế như đã giới thiệu nêu trên, Sóc Trăng rất có triển vọng để hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực. Theo thông tin, Tập đoàn CFHEC là là doanh nghiệp chủ chốt của Fortune 500, Top 500 thế giới; giàu kinh nghiệm cung cấp cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên thế giới, nhất là các lĩnh vực đầu tư, thiết kế, xây dựng và vận hành đường cao tốc, sân bay, đường sắt... Sóc Trăng mong muốn Tập đoàn nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 6

Sáng 20/3/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong số những chuỗi sự kiện nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường cùng 60 doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc tới Sóc Trăng.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 7
Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã chia sẻ các thông tin về tỉnh Sóc Trăng với các nhà đầu tư. Chủ tịch Tỉnh Sóc Trăng mong muốn thông qua Hội nghị hôm nay sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên; góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tỉnh Sóc Trăng mong muốn nhân chuyến thăm của Tổng lãnh sự lần này cùng với doanh nghiệp đến tìm hiểu, tham gia đầu tư tại Sóc Trăng, có cơ hội hợp tác mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa nông sản của Sóc Trăng đến thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM khẳng định, tỉnh Sóc Trăng rất có tiềm năng về cả quy hoạch, kinh tế, xã hội để phát triển và thu hút đầu tư. Điều đáng mừng là trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng khắc phục được sự ảnh hưởng của dịch bệnh để phát triển kinh tế. Trong đó có sự quyết tâm, năng động của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Sóc Trăng cũng được cải thiện trong năm qua.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 8

Ngày 27/3, Cụm thi đua các tỉnh miền Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2023. Cụm thi đua này gồm 12 tỉnh là Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Trà Vinh (không có TP Cần Thơ). Kết quả chấm điểm năm 2023 của Cụm thi đua khu vực Tây Nam Bộ đã xác định được tỉnh Cà Mau dẫn đầu với trên 945 điểm, thứ 2 là Sóc Trăng (938,21 điểm). Từ đó, cụm suy tôn và đề nghị khen thưởng đối với tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng là Cờ thi đua Chính phủ.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 9
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2023 và ký kết giao ước thi đua năm 2024 của các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2024, UBND tỉnh đã có những định hướng rất rõ ràng và toàn diện. Trong đó có nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác. Cụ thể, tỉnh sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024. Xây dựng Danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2030. Đặc biệt, tỉnh định hướng triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Đề án Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả và thực hiện tái cơ cấu, giải thể dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2024.

"Trong năm 2024 và những năm trước, tỉnh Sóc Trăng đạt được những thành tựu, chỉ tiêu tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội một phần quan trọng là nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phát triển tạo ra công ăn việc làm, tạo ra giá trị cho xã hội và góp phần vào phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, hiện nay thế giới và Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Lúc này, các doanh nghiệp phải phát huy nội lực, cơ quan Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về các thủ tục hành chính một cách thông suốt nhất", Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 10

Ngày 29/10/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải về việc xem xét trình Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư bến cảng Trần Đề; trong đó đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 19.403 tỷ đồng để có thể triển khai dự án.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Giao thông vận tải trình Chính phủ đưa vào nghị quyết, chương trình của Chính phủ dự án đầu tư xây dựng cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 11
Phối cảnh Dự án Cảng ngoài khơi - Cảng Trần Đề. 

Trong văn bản, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết rằng dự án cảng Trần Đề có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, và được đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, việc kêu gọi đầu tư tư nhân gặp nhiều thách thức. Sơ bộ có tổng mức đầu tư khoảng hơn 162.700 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn đầu tư, gồm: Giai đoạn khởi động cần vốn đầu tư khoảng 44.695 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện vốn đầu tư hơn 118.000 tỷ đồng.

Vì vậy, ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến cảng theo quy hoạch, tỉnh Sóc Trăng cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng. Khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân tương tự như các khu bến cảng cửa ngõ khác đã kêu gọi trong thời gian qua, như cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)….

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 12

Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 3766/BTNMT-KSVN do Thứ trưởng Trần Quý Kiên ký ngày 12/6 về việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, Bộ TN&MT khẳng định, cát biển phục vụ cho mục đích san lấp mặt bằng hiện đang được xem là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác của UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản, không phụ thuộc phạm vi trong hay ngoài 6 hải lý. Về giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) đã có Công văn số 548/BHĐVN-QLKTB ngày 17/5/2024 gửi UBND Sóc Trăng về việc giao khu vực biển cho nhà thầu xin phép khai thác cát biển cung cấp cho Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó đã làm rõ về thành phần hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các nội dung liên quan.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 13
Khai thác cát biển tại tiểu khu B1.1 và B1.3 thuộc vùng biển Sóc Trăng phục vụ thi công dự án cao tốc Hậu Giang - Cần Thơ.

Tại công văn này, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đơn vị, tổ chức liên quan nghiên cứu, sớm triển khai thực hiện, đáp ứng tiến độ cung cấp vật liệu cho các dự án.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh Sóc Trăng cố gắng đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đây là những dự án vừa giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội vừa giúp cải thiện đời sống, an sinh xã hội của người dân. Chính vì thế, được Chính phủ và Bộ TN&MT quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện sẽ giúp tỉnh có thể hoàn thiện các cơ sở pháp lý cấp phép cho nhà thầu khai thác cát biển, phục vụ các dự án trọng điểm. UBND tỉnh cũng đã gửi văn bản đến 27 tỉnh, thành về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.

6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024 - Ảnh 14
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định, ông đồng tình cao với báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025. Thực tế cho thấy, lãnh đạo UBND và các sở, ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, do đó tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, tạo đà cho sự tăng tốc, bứt phá vào năm cuối nhiệm kỳ - 2025, năm tiến hành đại hội đảng các cấp.

“Với các chỉ tiêu nghị quyết đã đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,07%, tương đương mức tăng trưởng chung của cả nước, chúng tôi xin ghi nhận sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi cho rằng, những kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2024, cùng với việc phối hợp tốt với các bộ, ngành để triển khai các công trình trọng điểm như đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi 2, tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông – Tây… sẽ tạo dựng nền tảng cơ bản cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của chúng ta trong những năm tới”, Đại biểu Trần Khắc Tâm chia sẻ.

Nội dung: Văn Chương

Thiết kế: H.A

Bạn đang đọc bài viết 6 điểm nhấn quan trọng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Nội và TP.HCM cần hành động quyết liệt để đưa chất lượng không khí về mức an toàn cho sức khoẻ
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân mà còn tác động xấu đến môi trường và kinh tế. Để đưa chỉ số chất lượng không khí về mức an toàn, 2 thành phố này cần có một lộ trình giải pháp toàn diện.