Chủ nhật, 24/11/2024 02:52 (GMT+7)
Thứ ba, 13/06/2023 10:12 (GMT+7)

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2]

Theo dõi KTMT trên

Ở các nước phát triển, giai đoạn đầu họ cũng đã đối mặt với nhiều tác động của hoạt động giao thông, đặc biệt là phát thải nhiều chất ô nhiễm. Nhưng dần dần họ đã nhận thức được tác hại to lớn và tìm cách khắc phục.

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2] - Ảnh 1

Từ đất nước lạc hậu rất nhiều về phát triển kinh tế nói chung và phát triển giao thông nói riêng, nhưng chỉ sau khoảng 3 thập kỷ, tính từ thập kỷ 90 thế kỷ 20 Việt Nam đã đạt được thành tích đáng tự hào cả về kinh tế và giao thông. Là người được sống cả ở thời kỳ khó khăn nhất của đất nước (chiến tranh, bị cấm vận, kinh tế bao cấp - kế hoạch hóa tập trung) đến cả thời kỳ đổi mới. Tôi còn được học tập nghiên cứu chuyên sâu về chất lượng không khí, được đến nhiều nước tham dự những hội thảo chuyên ngành, được nhìn thấy thực trạng hoạt động giao thông và những tác động của nó đến chất lượng không khí nên xin được bộc bạch đôi điều về những vấn đề này.

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2] - Ảnh 2

Con người, từ khi xuất hiện đã biết đi/chạy bằng đôi chân của mình. Ngày nay, con người đã phát minh, sáng tạo, sản xuất được nhiều phương tiện đi lại vừa nhanh, vừa tiện lợi, vừa chuyên chở được khối lượng hàng hóa, vật liệu lớn. Bản thân tôi cũng như nhiều người cùng thế hệ đã trải qua giai đoạn đi bộ rồi có xe đạp (thập kỷ 70, 80); xe máy (thập kỷ 80, 90) và ô tô (sau 2000). Đã có lần tôi được một phóng viên hỏi nguyên nhân nào dẫn đến lượng ô tô gia tăng rất nhanh, tôi chỉ có thể nói theo ý mình là Việt Nam phát triển, điều kiện kinh tế của mọi người tăng, thu nhập tăng nên họ có tiền và nghĩ ngay đến mua phương tiện đi lại tốc độ nhanh, không bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa, gió, lạnh, nóng của thời tiết, đó là ô tô.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là đất nước có lượng xe máy đầu người lớn trên thế giới. Cứ 1.000 dân thì có tới khoảng 600 xe máy. Quả thật, cho tới nay, xe máy vẫn được coi là phương tiện giao thông được người Việt Nam ưa chuộng vì mua vừa túi tiền, không tốn nhiều diện tích làm gara, đi lại được trên nhiều loại đường, dễ dừng đỗ, kể cả đỗ ngay trên đường phố đông để mua một bó hoa, một gói xôi (đôi khi vẫn nổ máy) rồi lại tiếp tục đi.

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2] - Ảnh 3

Ở các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, hệ thống giao thông công cộng đang được từng bước hiện đại phục vụ ngày một tốt hơn sự đi lại của người dân, giảm được sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và phát thải chất ô nhiễm. Bản thân tôi tuy đã lớn tuổi nhưng được đi đường sắt trên cao ở Hà Nội và rất mong được đi tàu điện ngầm của Việt Nam trong nay mai.

Có thể nói, hoạt động giao thông, nhất là hoạt động tập trung với cường độ cao có thể gây rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng không khí, đến sức khỏe con người và của nhiều loài động vật. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mật độ xe lưu thông trên đường phố càng lớn sẽ gây ô nhiễm về tiếng ồn do tiếng của động cơ, tiếng còi cũng như tiếng phanh xe càng lớn.

Ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cả sức khỏe và hành vi con người. Âm thanh không mong muốn (âm thanh nhiễu) tác động xấu đến sức khỏe tâm lý, tâm thần. Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây tăng huyết áp, căng thẳng, ù tai, giảm thính lực, rối loạn giấc ngủ và các tác hại khác. Chúng còn cản trở những hoạt động bình thường của con người như trò chuyện, nghỉ ngơi, gây cản trở, rối loạn và giảm chất lượng cuộc sống. Tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài có thể gây mất thính lực.

Tiếng ồn có thể có một ảnh hưởng bất lợi đối với động vật hoang dã, làm tăng nguy cơ tử vong khi thay đổi cân bằng sinh học. Chính vì vậy, người ta hạn chế hoặc cấm xây dựng đường bộ đi qua các khu vực bảo tồn sinh học.

Đặc biệt, hoạt động giao thông có thể thải ra khí quyển nhiều chất ô nhiễm cả dạng hạt (bụi) và dạng khí làm chất lượng không khí bị suy giảm, thậm chí ô nhiễm. Chẳng hạn dự án do WB tài trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa môi trường (CEMM) đã tính được phát thải bụi mịn PM2,5 từ hoạt động giao thông (chỉ tính từ ống xả phương tiện) của Hà Nội là 6.200 tấn năm 2019 (chiếm 20%), nhưng bụi đường cuốn lên khi phương tiện đi qua thì khá lớn, lên tới 10.900 tấn (chiếm 30%). Như vậy, cả phát thải trực tiếp và gián tiếp thì phát thải bụi PM2.5 từ giao thông ở Hà Nội năm 2015 chiếm tới 56% tổng phát thải PM2,5 của Hà Nội năm 2019.

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2] - Ảnh 4
Tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi vào cung giờ cao điểm. (Ảnh: Ngọc Thành)

Mới đây, đề tài cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu xây dựng bản đồ phát thải các chất gây ô nhiễm không khí phục vụ dự báo và kiểm soát ô nhiễm không khí Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mã số TNMT.2020.04.10 do Viện Môi trường và Tài Nguyên thực hiện (đã được nghiệm thu) cũng xác định mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho năm 2019. Qua đó, chỉ ra đóng góp rất lớn của ngành giao thông trong phát thải chất ô nhiễm như đối với NOx chiếm tới 94,1%, đối với CO tới 96,6%, bụi mịn PM2,5 chiếm 66,3%.

Như vậy, đã có sự khác nhau nhất định về mức phát thải tính từ hai nghiên cứu này nhưng điều đó có thể chấp nhận được do nghiên cứu còn dựa trên những giả thiết khác nhau. Vấn đề là phải có cơ quan có trách nhiệm, trong đó có ngành giao thông phải vào cuộc, tiến hành kiểm kê khí thải có cơ sở khoa học và cơ sở dữ liệu thực tế về hoạt động giao thông. Khi đó ta sẽ có số liệu chính thống, có thể chấp nhận được để đánh giá khả năng tác động của hoạt động giao thông đến chất lượng không khí và sức khỏe con người.

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2] - Ảnh 5

Có nhiều cách thức, giải pháp có thể giảm khí thải từ các hoạt động giao thông ở quy mô khác nhau, trong đó có cả những phương pháp đơn giản, mọi người có thể thể thực hiện được. Chẳng hạn, chúng ta cân nhắc giảm phương tiện cá nhân cho các hoạt động không cần thiết sẽ giúp giảm km vận hành của xe, mà với một xe cá nhân khi vận hành có thể phát thải PM2,5 từ 0,001 đến 0,07 g/km còn xe máy còn có phần cao hơn.

Ở các nước tiên tiến, các nước đã phát triển, giai đoạn đầu họ cũng đã đối mặt với nhiều tác động của hoạt động giao thông, đặc biệt là phát thải nhiều chất ô nhiễm. Nhưng dần dần họ đã nhận thức được tác hại to lớn và tìm cách khắc phục.

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2] - Ảnh 6
Tàu điện ngầm hiện đại đã giúp các nước phát triển giảm tải cho ngành giao thông đường bộ cũng như giảm lượng lớn phát sinh khí thải. (Ảnh: Internet)

Các thành phố lớn có hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm hiện đại đã giúp giảm tải cho các ngành giao thông đường bộ, giảm lượng lớn phát sinh khí thải. Đường xá, cầu cống được nâng cấp sạch sẽ hơn, bằng phẳng hơn cũng giúp tốc độ xe chạy cao hơn, giảm nhiên liệu sử dụng và khí thải. Ai đã sang Trung Quốc những năm thập kỷ 80, 90 vẫn thấy lượng xe máy lưu thông mật độ cao nhưng hiện nay đã giảm hẳn. Khi sang dự hội thảo tôi có hỏi đồng nghiệp về chính sách giảm xe máy, chuyên gia này cho biết, chính quyền không đưa ra chính sách “cấm” xe máy mà cấm/hạn chế sản xuất, nhập khẩu, bán xe mới và chỉ một thời gian sau lượng xe máy giảm hẳn. Liệu kinh nghiệm này có thể áp dụng được ở Việt Nam không cũng nên xem xét.

Khi sang Mỹ đầu năm 2012, chúng tôi 4 người định đi từ Idiana sang Chicago bằng máy bay nhưng một thành viên tra trên mạng phát hiện có dịch vụ đi kèm giá rất rẻ. Tìm hiểu kỹ thì đây là mạng lưới những người có ô tô thông báo sẽ đi từ A đến B vào thời gian nào đó, nếu ai tiện có thể đi kèm với giá rất phải chăng. Chúng tôi đã liên hệ và được “đi kèm”, đỡ được khoản chi phí lớn. Khi lên xe hỏi tài xế (bạn sinh viên rất trẻ) thì được biết đây là ý tưởng nhằm tiết kiệm, bảo vệ môi trường được nhiều người hưởng ứng. Không biết ở nước ta đã có “dịch vụ” giá rẻ này chưa?

Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2] - Ảnh 7
Chương trình cho thuê xe đạp công cộng cũng đã được nhiều quốc gia áp dụng. (Ảnh: AFP)

Khi tôi đến Viên (thủ đô nước Áo) thì một sinh viên cũ đã chuẩn bị sẵn cho tôi vé thuê xe đạp để đi trong thành phố. Tôi không hiểu nên hỏi rất kỹ và được biết, ở Viên có rất nhiều điểm để xe cho thuê, khách chỉ cần mua vé “điện tử” là có thể nhận từ khóa mở xe để lấy đi. Khi đến chỗ nào muốn trả xe thì tìm điểm đỗ bất kỳ, đưa xe lên kệ rồi khóa lại là được. Với cách làm này, một người ở xa Viên có thể đi đến Viên bằng tàu điện, đến ga “lấy” xe đạp đến cơ quan “trả”, lúc về thì theo trình tự ngược lại. Mặc dù thời gian ngồi tàu điện khá dài nhưng nó đi đúng giờ, chỗ ngồi rộng rãi nên có thể làm việc được. Hiện tại thì mô hình này đã manh nha ở Việt Nam, nhưng chúng ta cần nghiên cứu kỹ để đưa vào thực hiện rộng rãi.

Những hoạt động ở nước ngoài nhằm giảm phát thải chất ô nhiễm từ hoạt động giao thông mà cả cấp quốc gia, địa phương và cộng đồng đều có thể thực hiện. Những gì đề cập ở trên chỉ là ví dụ.

Từ những vấn đề bàn luận ở trên cho thấy, còn rất nhiều điều phải làm để nâng cấp hạ tầng giao thông, nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện giao thông đường bộ và nhiều giải pháp cần được nghiên cứu để giảm thiểu phát sinh khí thải từ ngành giao thông trong thời gian tới.

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã có chính sách rất hiệu quả để giảm khí thải từ giao thông như cấm sử dụng xăng pha chì, nâng cấp chất lượng xe nhập khẩu, xe mới sản xuất lên mức EUR 4. Các thành phố lớn nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, tăng cường nhiều tuyến xe buýt, nâng cấp chất lượng xe. TP.HCM đã có thêm các tuyến xe buýt chạy điện của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải sinh thái VinBus với nội thất tốt, dừng đỗ đủ chậm, cẩn thận để hành khách lên xuống an toàn, lái phụ xe thân thiện,… và đặc biệt không/rất ít phát thải chất ô nhiễm. Các thành phố lớn đã có đường sắt trên cao và sẽ có hệ thống ngầm trong tương lai, đã có tuyến buýt nhanh với những bến đỗ hiện đại, an toàn cho hành khách…

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

                             Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Giảm khí thải từ hoạt động giao thông - Góc nhìn từ các nước phát triển [Bài 2]. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới