Chủ nhật, 24/11/2024 05:45 (GMT+7)
Thứ hai, 12/06/2023 06:00 (GMT+7)

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1]

Theo dõi KTMT trên

Sự gia tăng của các phương tiện giao thông không những gây ra cảnh tắc đường mà còn thải ra môi trường một lượng khí thải vô cùng lớn.

LỜI TOÀ SOẠN: 

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, ngày càng có nhiều người dân sở hữu các phương tiện cá nhân như xe ô tô, xe máy. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải được thải ra khiến môi trường trở nên ngột ngạt.

Trong những năm gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 60.000 người chết có liên quan đến ô nhiễm không khí. Hiện nay, ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ngày càng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.

Có thể nói, mặc dù tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực và đưa ra rất nhiều giải pháp, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm khí thải phương tiện vẫn khá nhức nhối. Để đưa ra bức tranh toàn cảnh về vấn đề ô nhiễm khí thải tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài viết Giải pháp nào cho bài toán giảm ô nhiễm khí thải phương tiện giao thông tại Việt Nam? Qua đó, tuyến bài cũng mong muốn góp ý tới các cơ quan chức năng những mô hình đã khá thành công tại một số nước phát triển dưới góc nhìn của các chuyên gia.

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 1
Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 2

Khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Ở các đô thị, giao thông vận tải là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất, đặc biệt là sự phát thải vào khí quyển như bụi, các khí CO, VOC và NO2 từ ô tô, xe máy và các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để hoạt động. Khi các phương tiện này sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông và những người dân sinh sống dọc các tuyến đường giao thông. Lượng phát thải các khí này tăng lên hàng năm cùng với sự gia tăng về số lượng của các phương tiện giao thông đường bộ.

Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường. Ô nhiễm khí CO và hơi xăng dầu (HC) thường xảy ra ở các nút giao thông lớn. Do đó, nguồn khí thải từ giao thông vận tải đang trở thành một nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 3

Bên cạnh đó, chất lượng của các phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Các phương tiện giao thông sau một thời gian sử dụng, hệ thống phun xăng sẽ bị hở khiến xăng có nguy cơ dễ bốc cháy cao. Động cơ đốt không hết xăng cũng sẽ sinh ra benzen trong ống xả. Do đó, nhiều phương tiện đã qua nhiều năm sử dụng nên chất lượng kỹ thuật thấp, khiến mức tiêu thụ nhiên liệu và nồng độ chất độc hại trong khí xả cao.

Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Vì vậy, với mật độ các loại phương tiện giao thông cao, chất lượng các loại phương tiện giao thông kém và hệ thống đường giao thông chưa tốt khiến cho thải lượng ô nhiễm không khí từ giao thông vận tải đang có xu hướng gia tăng.

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 4

Tại Hà Nội và TP.HCM, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.

Cụ thể, tính đến quý 1/2019, Hà Nội quản lý 6.649.596 phương tiện; trong đó có 5.761.436 xe máy. Đặc biệt, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 52% và sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang lưu hành ở Hà Nội. Dự tính, với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66%/năm như hiện nay thì đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 7,3 triệu xe máy; đến năm 2030 sẽ có 7,7 triệu xe máy.

Còn tại TP.HCM, tính đến tháng 9/2020, số lượng xe máy là 7.408.124 chiếc. Trong đó, số lượng xe đã sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68% tổng lượng xe đang lưu hành.

Theo đánh giá của WHO, giai đoạn 2008 – 2017, Hà Nội và TP.HCM nằm trong danh sách 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất. Trong đó, Hà Nội ở vị trí 214 và TP.HCM là 279… và một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí chính là hoạt động giao thông vận tải.

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 5

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải phương tiện giao thông gây ra, từ năm 2010, Đề án kiểm soát khí thải đối với xe máy đã được phê duyệt, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng lộ trình để áp dụng. Cụ thể, từ năm 2010 - 2013 thì bắt đầu tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và phấn đấu đạt 20% số xe máy ở Hà Nội và TP.HCM tham gia kiểm định khí thải định kỳ.

Đồng thời, phải hoàn thiện mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe máy với ít nhất 100 cơ sở ở Hà Nội và 150 cơ sở tại TP.HCM. Mục tiêu giai đoạn 2013 - 2015 là kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80 - 90% lượng xe tại 2 thành phố lớn này. Bên cạnh đó, phải mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để 60% số xe ở các thành phố loại 1 và 2 đạt tiêu chuẩn khí thải.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe gắn máy không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải.

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 6

Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định về việc kiểm soát khí thải đối với xe mô tô tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông cần gắn với quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; nội dung này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Vì vậy, ngày 19/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 566/VPCP-CN chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải “Tiếp tục nghiên cứu quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và quy định về kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ Giao thông vận tải xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước”.

Cuối tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu là giai đoạn 2020 - 2030 sẽ thực hiện kiểm soát phát thải khí thải định kỳ với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu, cần Luật hóa và có các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

Vì vậy, việc xây dựng quy định về khí thải là vấn đề cấp thiết hiện nay cần phải được đẩy nhanh. Đây cũng là yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nói chung và khí thải nói riêng, đồng thời thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 7

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, với mục tiêu tổng thể là phát triển hệ thống giao thông xanh. Đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện mạnh mẽ sự chuyển dịch theo hướng 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện.

Trong những năm qua, nhiều sáng kiến về “xanh hóa” giao thông đã và đang được các tỉnh, thành triển khai tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tại Hà Nội những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2022, việc phát triển giao thông xanh được xem là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt, thành phố đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025-2030, với việc vận hành tuyến đường sắt đô thị, hệ thống xe bus nhanh, mini bus.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã quyết định bố trí gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 9 quận. Đặc biệt hệ thống xe bus điện và taxi điện của Vingroup cũng đã được triển khai mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 8

Tại TP.HCM nhiều loại hình giao thông xanh như xe đạp công cộng, xe buýt chạy điện, đường sắt đô thị, hệ thống xe bus nhanh, mini bus…. cũng đang được thành phố thực hiện. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đang nghiên cứu Dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á - NDC TIA”, do Chính phủ Đức tài trợ Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển Giao thông vận tải theo hướng carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính.

Hình ảnh các “trạm xe đạp công cộng” tại TP.Đà Nẵng cũng thu hút sự quan tâm của người dân lẫn du khách trong và ngoài nước. 

Đầu tháng 4, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên tổ chức chương trình truyền thông Dự án “Xây dựng và thử nghiệm mô hình giao thông xanh, góp phần xây dựng thành phố Tuy Hòa xanh, thông minh và bền vững”. Dự án được triển khai từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2024 gồm nhiều hoạt động cụ thể, trong đó có tổ chức Cuộc thi thiết kế điểm “check in” cho trạm xe; Hội nghị truyền thông, tuyên truyền nhóm, thiết lập và thi công các trạm chia sẻ xe; thành lập và sinh hoạt Câu lạc bộ xe đạp; tổ chức Cuộc đua xe đạp ngày giao thông xanh; hỗ trợ phương tiện giao thông xanh cho các đối tượng khó khăn làm nghề thu gom rác; xây dựng bộ tài liệu về ứng dụng giao thông xanh.

Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1] - Ảnh 9

Gần đây, hơn 1.000 người dân tại Pleiku (Gia Lai) tham gia chuỗi hoạt động Ngày hội “Giao thông không khói cho hành tinh xanh” năm 2023, do Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai và UBND TP Pleiku phối hợp cùng Quỹ AIP, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Những đổi mới trong việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng, tạo nên môi trường giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý, tạo ra những “làn sóng mạnh mẽ” trong cộng đồng. Tuy nhiên, thói quen sử dụng xe máy, ô tô riêng đã ăn sâu, bén rễ trong bộ phận không nhỏ người dân. Do vậy, các vấn đề như: Hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho vận tải công cộng, phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ… đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.

Nội Dung: Phạm Giang
Thiết Kế: Tường Vũ

Bạn đang đọc bài viết Khí thải phương tiện giao thông đang trở thành “gánh nặng” cho môi trường [Bài 1]. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới