Nợ xấu tăng mạnh thể hiện bước chuyển nhóm nợ của ngành ngân hàng
Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nợ xấu bắt đầu tăng tại một số ngân hàng cũng phản ánh bước chuyển nhóm nợ đã bắt đầu có sự dịch chuyển theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Nợ xấu bắt đầu tăng mạnh
Báo cáo tài chính quý I/2021 của các ngân hàng vừa công bố cho thấy, BIDV, VietinBank là những ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước ghi nhận mức nợ xấu lớn nhất hệ thống.
Cụ thể các ngân hàng này ghi nhận mức nợ xấu lần lượt là hơn 21.700 tỉ đồng, 10.400 tỉ đồng và 8.900 tỉ đồng; Nợ xấu nội bảng của BIDV tăng 396 tỉ đồng so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay là 1,76%, gần như không đổi so với đầu năm; Mặc dù tỉ lệ nợ xấu VietinBank giảm 6% nhưng vẫn ở mức cao so với hệ thống.
Trong quý I/2021, 20/26 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng, trong đó một số ngân hàng tăng mạnh trên 30% như ACB, Vietcombank,… ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, tăng 61% lên 2.954 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 - nợ nghi ngờ tăng mạnh 94% lên 799 tỉ đồng, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng 53% lên 1.858 tỉ đồng. Như vậy, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% hồi đầu năm lên 0,92% vào cuối tháng 3/2021.
Tiếp đó, Vietcombank cũng có nợ xấu tăng khá mạnh (tăng 47%) trong 3 tháng đầu năm lên 7.697 tỉ đồng. Nợ xấu MBank tăng 29% lên 4.185 tỉ đồng.
Trong quý đầu năm 2021, có 6 ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm gồm: VietinBank, Sacombank, SeABank, Techcombank, BacABank, Kienlongbank.
Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu giảm mạnh nhất, đột ngột giảm từ 1.883 tỉ đồng xuống còn 560 tỉ đồng. Được biết nguyên nhân là do ngân hàng đã bán xong số cổ phiếu STB của Sacombank là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm khách hàng đã được ghi nhận vào nợ nhóm 5 hồi cuối năm 2019.
5 ngân hàng còn lại có nợ xấu giảm nhẹ: Techcombank giảm 12%, VietinBank giảm 6% (nhưng vẫn ở mức cao so với hệ thống), Sacombank giảm 8%, SeABank giảm 1%, BacABank giảm 4%.
Trong đó, Techcombank đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hiện nay. Nợ xấu nội bảng của nhà băng này chỉ chiếm 0,38% trong tổng dư nợ cho vay, giảm so với mức 0,47% hồi đầu năm. Ngân hàng cho biết đã chủ động sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro giúp tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh, đồng thời tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 219%.
Chuyển nhóm nợ theo quy định của Thông tư 03
Nhìn chung, bức tranh nợ xấu trong quý I/2021 dường như còn tốt hơn so với cuối năm 2020, bất chấp nhiều dự báo trước đây rằng nợ xấu sẽ "bung" ra trong năm 2021.
Dù vậy, đây mới chỉ là những con số nợ xấu nội bảng dễ nhận thấy trên bảng cân đối kế toán của các nhà băng. Trong khi đó, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng.
Lý giải tình hình nợ xấu, nhiều nhà quản lý ngân hàng cho rằng, quý I rơi vào thời điểm có những đặc thù liên quan đến chỉ số quản lý nợ xấu. Trong đó, nhiều ngân hàng có các khoản vay từ khách hàng bán lẻ sẽ ít chọn dịp lễ Tết cuối năm và đầu năm để đáo hạn trả nợ. Nợ xấu vì vậy sẽ dễ tăng lên, và các ngân hàng sẽ "điều tiết" vào tháng cuối quý I hoặc bước sang quý II.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng nợ xấu bắt đầu tăng tại một số ngân hàng, cũng phản ánh bước chuyển nhóm nợ đã bắt đầu có sự dịch chuyển theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Rất có thể các ngân hàng sẽ "phân bổ" nợ xấu theo hướng chuyển nhóm dần trong năm để có tỉ trọng vừa đúng thực tế, vừa khớp quy định phân loại và trích lập cho các nhóm nợ.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra các ngân hàng phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các ngân hàng xử lý những rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay. Do vậy, ngân hàng nào có tỉ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn…
Được biết, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước về hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã bắt đầu có hiệu lực. Cơ chế này cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện trích lập dự phòng cho dư nợ cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm (để hỗ trợ khách hàng trong diện cho phép) trong thời gian 3 năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: Vietcombank sẽ là NHTM đầu tiên thực hiện trích lập dự phòng rủi ro xong toàn bộ theo quy định của Thông tư 03.
Cẩm Anh