Chủ nhật, 24/11/2024 12:44 (GMT+7)
Chủ nhật, 25/08/2019 08:40 (GMT+7)

Ðội cứu hộ biển xanh

Theo dõi KTMT trên

Hằng ngày, ở một góc biển nào đó chung quanh TP Ðà Nẵng, Lê Chiến cùng những người bạn đồng hành vẫn lặng lẽ ngụp lặn, làm bạn với đáy biển.

Ðội cứu hộ biển xanh - Ảnh 1
Một góc biển TP Đà Nẵng.

Nhiệm vụ của họ là tìm rác ngoài khơi, cắt những tấm "lưới ma" tra tấn rạn san hô hay cứu hộ bất kỳ sinh vật biển nào cần trợ giúp. Những bạn trẻ này là thành viên của Sasa team, đội tình nguyện góp phần làm sạch, giữ gìn "sức khỏe" cho biển xanh.

Chung tình yêu biển cả

Nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa team (SST) chính thức thành lập vào tháng 7/2018. Ðến nay, ngoài anh Lê Chiến, trưởng nhóm, là dân "chuyên nghiệp", còn lại hầu hết đều "tay ngang", tuổi đời từ 25 đến 35. Anh Chiến sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lại chọn theo đuổi đam mê cứu hộ biển ở tận mảnh đất miền trung Ðà Nẵng. "Tôi từng học về công nghệ sinh học cho nên sớm nhen nhóm tình yêu dành cho lĩnh vực sinh học biển, nhất là sự sống của san hô và một số loài sinh vật hoang dã khác", trưởng nhóm SST chia sẻ. Hằng ngày, anh Chiến ngụp lặn dưới đáy biển, quan sát những rạn san hô và "chữa bệnh" cho chúng đúng cách. "Mỗi lần ngụp lặn dưới đáy biển, tôi rất buồn khi chứng kiến rác, túi nilon, ngư cụ hỏng, lưới rách... trôi dạt tràn lan. Sóng đánh chúng cuộn vào hàng dài dãy san hô, trực tiếp và gián tiếp, làm hỏng hệ sinh thái tự nhiên", anh Chiến kể tiếp. Trước đống rác khổng lồ đó, sau những lần một mình quăng quật không xuể với lũ lưới "ma", dần dần Lê Chiến hiểu, mình cần kêu gọi thêm các đồng đội có chung niềm đam mê với biển.

Bằng nhiều cách thức, anh Chiến đã kết nối các tình nguyện viên cả trong nước và nước ngoài, cùng họ hỗ trợ, đào tạo để xây dựng một đội ngũ hoạt động lâu dài. Mỗi người mỗi công việc khác nhau như bán cà phê, hướng dẫn viên du lịch, nghiên cứu môi trường, công việc tự do..., đều đến với nhau từ tình yêu biển, mong muốn góp phần giữ gìn môi trường, cứu hộ các sinh vật biển... Một thành viên trẻ của nhóm, anh Lê Vũ Tiệp, cho biết: "Tôi đến với SST sau quãng thời gian dài du học ở nước ngoài, với mong muốn hoàn thành 100 giờ làm sạch đáy biển dưới sự hướng dẫn của anh Chiến. Nay dù đã thực hiện xong, nhưng tình yêu biển đang níu kéo, khiến tôi chưa muốn rời đi".

Những ngày đầu, các thành viên hoạt động lặng lẽ, chưa có tên gọi chung cho đến khi nhóm bạn trẻ này bắt gặp chú cá heo con, bị trôi dạt đến bờ biển Ðà Nẵng vào cuối tháng 6/2018 và đặt tên cho nó là Sasa. "Lúc tôi đến, Sasa đang được nhiều người cố gắng đẩy ra xa bờ, hướng về đại dương. Tuy nhiên khi quan sát kỹ thì thấy, Sasa bị thương rất nặng, không thể tự bơi được", anh Chiến kể lại. Vậy là suốt đêm 29 và rạng sáng 30/6/2018, cả nhóm thay nhau ôm giữ Sasa ở vùng nước nông gần bờ để chú cá heo ổn định nhịp thở và thăng bằng, sau đó tìm cách cho Sasa uống sữa, trò chuyện trấn an. "Ðáng tiếc, Sasa không thể qua khỏi dù chúng tôi đã gửi bạn ấy vào Vinpearl Nha Trang để các chuyên gia chăm sóc. Mong muốn tưởng nhớ chú cá heo lạc đàn xấu số, một tháng sau, nhóm quyết định hoạt động thường xuyên với cái tên Sasa team", anh Chiến chia sẻ.

Tiêu chí khi thành lập của SST là tập trung vào các hoạt động cứu hộ sinh vật biển. Làm việc giữa biển khơi thì khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi mỗi thành viên phải thành thạo nhiều kỹ năng như bơi, lặn, hiểu biết về sinh vật đại dương, nghiệp vụ thú y...

Ngay sau khi thành lập, nhóm đã bắt tay vào quá trình tập luyện, trang bị các kỹ năng. Những ngày giữa hè này, đi trên bờ biển Mỹ Khê sẽ nhìn thấy các thành viên SST cần mẫn rèn khả năng bơi lội, luyện tập thể lực mỗi buổi sáng, thậm chí là giữa trưa nóng nực và oi ả. Anh Chiến cho biết, hầu hết chi phí mỗi lần tham gia cứu hộ biển đều do các thành viên của SST tự đóng góp, chi trả, có lần lên tới cả trăm triệu đồng.

Vượt khó giữ "lửa" đam mê

Ðể theo đuổi đam mê vốn dĩ không hề dễ dàng. SST gặp nhiều khó khăn trong quãng thời gian vừa qua, từ vấn đề nhận thức cộng đồng, về tài chính và cả tính chính danh. "Không ít người coi công việc của chúng tôi là thiếu thực tế, như cách họ nghĩ Việt Nam là một đất nước nhiệt đới, làm gì có cá heo. Vậy mà chỉ trong nửa năm 2018, chúng tôi đã tham gia cứu, giúp đỡ hơn 15 cá thể cá heo", anh Lê Chiến chia sẻ. Một thành viên khác trong nhóm cho biết: "Người dân hiện nay vẫn coi rùa hay đồi mồi là món ăn. Ðã nhiều lần chúng tôi bắt gặp các loài sinh vật biển này ở quán nhậu. Phần lớn trường hợp, nhóm bỏ tiền ra mua lại, có lần phải báo cả công an mới giải cứu được những con rùa". Một con số thống kê không chính thức rằng, ở Lý Sơn hiện nay, mỗi ngày người ta giết chết khoảng bốn con rùa. Với tỷ lệ 3.000 rùa con mới có được một cá thể trưởng thành đến tuổi sinh sản trong tự nhiên, thì thực tế này thật sự đáng báo động...

Ngoài việc tham gia cứu hộ sinh vật biển, SST còn tập trung vào việc hỗ trợ, tái tạo sự sống của các rạn san hô chung quanh khu vực bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, tài chính đang trở thành vấn đề "đau đầu" của nhóm. "Vừa rồi, chúng tôi cực chẳng đã phải kêu gọi sự giúp đỡ và ủng hộ tài chính trên trang Facebook của nhóm, nhằm có chi phí để làm thêm bàn dưỡng san hô, xây dựng các giá thể. Mỗi sự hỗ trợ dù lớn hay nhỏ đều rất giá trị với sự sống của các rạn san hô vốn đang bị tàn phá từ các hoạt động đánh bắt, du lịch thiếu ý thức hiện nay", trưởng nhóm Lê Chiến tâm sự.

Một trở ngại lớn nữa của SST là vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn. Mặc dù anh Chiến được đào tạo bài bản nhưng các thành viên khác đều khá non trẻ về kinh nghiệm cứu hộ sinh vật biển. "Việt Nam hiện nay chỉ có một chuyên gia duy nhất về cá heo đang sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Cơ sở chuyên môn uy tín nhất là Viện Hải dương học lại ở Nha Trang, cách xa Ðà Nẵng. Do vậy, sự kết hợp trao đổi chuyên môn với các đơn vị khác đang gặp trở ngại", một thành viên trong nhóm chia sẻ. SST từng được các tình nguyện viên là chuyên gia về lặn hướng dẫn, được trao đổi các kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực cứu hộ sinh vật biển. Ðây là kho kiến thức quý giá giúp nhóm có được một số thành công như hiện tại. "Nhiều người suy nghĩ rằng, cứ thấy cá heo còn sống dạt vào bờ là do bị mắc cạn.

Chỉ cần lập tức đưa cá trở lại biển là cứu cá, nhưng thực tế trong nhiều trường hợp, chúng ta đã vô tình hại loài động vật biển thông minh, nhạy cảm bậc nhất này. Chỉ cần tiếp cận ban đầu sai cách cũng sẽ khiến cho cá bị hoảng, mất phương hướng, lao đầu vào đá, bị thêm thương tích, thậm chí chết luôn. Do đó, hiểu biết về chuyên môn cứu hộ là điều quan trọng bậc nhất, cần được trau dồi thường xuyên", anh Chiến nhấn mạnh.

Ðội cứu hộ biển xanh - Ảnh 2
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa do Sasa team tổ chức.

Muốn làm được điều này, thời gian tới, SST định hướng hoạt động chuyên nghiệp hơn thay vì còn mang tính phong trào như hiện nay, nhóm đang liên hệ để làm thủ tục xin giấy phép hoạt động cứu hộ chuyên nghiệp. Trong thời gian này, SST vẫn liên tục thực hiện các dự án cộng đồng khác nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người dân như dự án Field Trip gồm các nội dung: Ðưa trẻ em trải nghiệm dọn rác quanh bãi biển, để các em nhận thức được đâu là rác thải biển, đâu là những thứ dù bỏ đi nhưng vẫn cần thiết với biển; dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em Ðà Nẵng để giúp các em hiểu biết hơn về biển từ tài liệu nước ngoài, tự tin giao lưu với các tình nguyện viên quốc tế; thiết kế các công trình hình ảnh được tạo ra bởi chính rác thải biển mà nhóm thu nhặt được hằng ngày, để tham dự các triển lãm về bảo vệ môi trường biển...

Thành viên SST Hoàng Vân Anh chia sẻ: "Mọi người chỉ nghĩ đơn giản là ra biển dọn rác mà nhiều khi không phân biệt được thế nào là rác, trái cây hỏng có là rác ko? Nhóm chọn cách thu gom toàn bộ những thứ trôi dạt trên bờ biển vào bao tải, rồi đổ ra và phân loại. Vật liệu khó tiêu hủy rõ ràng là rác thải, nhưng các yếu tố hữu cơ nên để lại vì biển có cơ chế tự xử lý. SST mong muốn từ những kiến thức đơn giản này giúp cộng đồng, dù là ai, khi vứt một cái chai nhựa đi, sẽ phải suy nghĩ lại".

Từ nỗ lực thay đổi nhận thức cộng đồng về bảo vệ biển, đến nay SST dần có được một đội ngũ cộng tác viên phủ sóng nhiều tỉnh, thành phố để mỗi khi có cá heo trôi dạt, cá thể rùa bị ốm, san hô có nguy cơ bị hủy hoại..., họ đều thông báo ngay cho nhóm. Các thành viên khi nhận được tin báo, lập tức liên lạc, xác định vị trí. Sau đó, có mặt tại nơi xuất hiện sinh vật biển bị thương một cách nhanh nhất. Họ làm việc hăng hái, thành thục, nhịp nhàng. Anh Lê Chiến chia sẻ: Mỗi ngày đến biển sẽ khiến mình ôn hòa hơn, yêu cuộc sống hơn. Vậy vì sao chúng ta không cố gắng làm sạch, giữ cho biển "sống khỏe" để mãi mãi được tận hưởng món quà từ đại dương...".

Bạn đang đọc bài viết Ðội cứu hộ biển xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới