Chủ nhật, 24/11/2024 06:30 (GMT+7)
    Thứ hai, 28/02/2022 09:00 (GMT+7)

    OSC Việt Nam sai phạm thế nào khi sử dụng đất vàng ở Bà Rịa – Vũng Tàu?

    Theo dõi KTMT trên

    Sau khi thuê đất thứ phát tại bãi tắm Thuỳ Vân, Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) còn cho tổ chức khác thuê lại hạ tầng, mặt bằng để kinh doanh dịch vụ và thu tiền trái quy định của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    UBND TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa gửi yêu cầu đến một số doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh tại bãi tắm Thuỳ Vân (Bãi Sau) chậm nhất đến ngày 15/3/2022 phải hoàn hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trả lại mặt bằng sau nhiều năm sử dụng sai quy định.

    Yêu cầu của UBND TP.Vũng Tàu nhằm thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra vào năm 2018. Một trong những doanh nghiệp bị yêu cầu hoàn trả lại mặt bằng là OSC Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ dầu khí, bất động sản… có trụ sở tại số 2 Lê Lợi, TP.Vũng Tàu.

    Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 1997, UBND tỉnh có giao cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu (hiện nay là Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC) một phần diện tích bãi tắm Thuỳ Vân để quản lý và kinh doanh.

    Sau đó, OSC Việt Nam đã 2 lần thực hiện ký thoả thuận với Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu thuê lại hàng nghìn m2 tại khu vực này nhằm kinh doanh.

    OSC Việt Nam sai phạm thế nào khi sử dụng đất vàng ở Bà Rịa – Vũng Tàu? - Ảnh 1
    Trụ sở Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam - OSC Việt Nam.

    Cụ thể, trong giai đoạn 1/1/2006 – 30/6/2007, OSC Việt Nam thuê 24.154 m2 tại bãi tắm Thuỳ Vân từ Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu. Giai đoạn từ 1/7/2007 – 31/12/2015, OSC Việt Nam thuê lại 7.618 m2 bãi tắm Thuỳ Vân để kinh doanh.

    Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, tổng số tiền thuế đất mà OSC Việt Nam phải nộp về ngân sách là 13,728 tỉ đồng.

    Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, OSC Việt Nam chỉ nộp được hơn 600 triệu đồng, số tiền chưa nộp là hơn 13,112 tỉ đồng.

    Nghiêm trọng hơn, trong kết luận thanh tra còn nêu rõ, các doanh nghiệp thuê đất thứ phát còn chưa ký hợp đồng thuê đất, thuê hạ tầng. Sau khi thuê đất thứ phát, các doanh nghiệp này còn thực hiện đầu tư xây dựng trái phép, không phép thực hiện không đúng quy định tại Quyết định số 2340/QĐUB ngày 04/9/1997 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn có dấu hiệu trốn thuế khi đã hạch toán số tiền thuê đất vào chi phí hoạt động kinh doanh hàng năm của đơn vị, nhưng trên thực tế không nộp ngân sách nhà nước.

    Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu rõ, OSC Việt Nam không ý hợp đồng thuê hạ tầng, không nộp tiền thuê đất, tiền thuê hạ tầng, mặt bằng cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa – Vũng Tàu; Để tồn đọng nợ tiền thuê đất lớn; Cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại mặt bằng, hạ tầng tại khu du lịch Khách sạn Tháng Mười không đúng chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Một thành viên khác của OSC Việt Nam là Công ty TNHH Janhold - OSC (đơn vị liên doanh) cũng được Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu ra hàng loạt sai phạm trong kết luận thanh tra này như: Xây dựng một số hạng mục công trình không phép và để đơn vị này cho các tổ chức, cá nhân khác thuê lại mặt bằng, hạ tầng tại khu du lịch Khách sạn Tháng Mười (bãi biển New Wave) không đúng chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Công ty TNHH Janhold – OSC tại thời điểm thanh tra cũng chưa nộp hơn 4,452 tỉ đồng tiền sử dụng đất tại bãi tắm Thuỳ Vân giai đoạn 2015 – 2017, trong đó có hơn 2,646 tỉ đồng đã hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh hàng năm nhưng không nộp vào ngân sách nhà nước.

    OSC Việt Nam sai phạm thế nào khi sử dụng đất vàng ở Bà Rịa – Vũng Tàu? - Ảnh 2
    Khách sạn New Wave mà Công ty TNHH Janhold - OSC, thành viên OSC Việt Nam xây dựng một số hạng mục không phép, cho thuê lại không đúng mục đích.

    Từ những kết quả nêu trên, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo quy định đối với OSC Việt Nam số tiền hơn 13,112 tỉ đồng; Công ty TNHH Janhold – OSC số tiền hơn 4,452 tỉ đồng và thực hiện tương tự với một số doanh nghiệp khác liên quan.

    Đồng thời, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị: UBND Tỉnh giao cho Cục Thuế có trách nhiệm thu tiền thuê đất của các đơn vị đang sử dụng đất tại bãi tắm Thùy Vân giai đoạn từ ngày 1/1/2018 trở về sau theo đúng quy định pháp luật.

    Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng kiến nghị: UBND tỉnh giao cho các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm Giám đốc Sở TN&MT, Giám đốc Sở Xây dựng, các cá nhân, tập thể UBND TP.Vũng Tàu… qua các thời kỳ có liên quan; Sở Xây dựng xử lý dứt điểm xây dựng trái phép, sai phép tại bãi tắm Thuỳ Vân.

    Tổng Cục Du lịch chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Du lịch dịch vụ Dầu khí (nay là Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam - OSC Việt Nam).

    Theo dữ liệu của Kinh tế Môi trường, OSC Việt Nam được thành lập vào năm 1977 dưới vai trò là công ty nhà nước, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Đến năm 1988, OSC Việt Nam chuyển hướng hoạt động trên nhiều lĩnh vực: du lịch, dịch vụ dầu khí, xuất nhập khẩu, xây dựng với trên 20 ngành nghề khác nhau. 

    Đến năm 2010, OSC Việt Nam được Bộ VHTT&DL phê duyệt phương án chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ dầu khí Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Bắt đầu tư năm 2016, OSC Việt Nam hực hiện chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp, trở thành công ty cổ phần. Từ đây, ngoài hai lĩnh vực kinh doanh then chốt là du lịch và dịch vụ dầu khí, OSC Việt Nam đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bất động sản du lịch và đã tham gia vào thị trường bất động sản các sản phẩm như văn phòng cho thuê, căn hộ du lịch cho thuê cao cấp, căn hộ nhà ở.

    Gia Khang

    Bạn đang đọc bài viết OSC Việt Nam sai phạm thế nào khi sử dụng đất vàng ở Bà Rịa – Vũng Tàu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới