Phát triển bền vững - Giải pháp tối ưu ngăn ngừa thiên tai
Qua quá trình phát triển kinh tế xã hội đã làm thay đổi trạng thái bình thường của thiên nhiên và các quá trình tự nhiên làm phát sinh các loại thiên tai mới hoặc gia tăng cường độ của các dạng thiên tai có sẵn trong tự nhiên.
Nguồn gốc thiên tai
Các tai biến thiên nhiên là nguồn gốc của thiên tai đã và đang tồn tại song hành với con người trên Trái đất, liên quan đến các quá trình hoạt động của các quyển Trái đất như: Khí quyển, Thủy quyển, Sinh quyển và Thạch quyển, cũng như các tác động từ Vũ Trụ (thiên thạch, tia vũ trụ, bức xạ Mặt trời).
Tuy nhiên, hoạt động của con người cũng có thể là nguồn gốc phát sinh thiên tai và gia tăng cường độ thiên tai, ví dụ như: hoạt động xây dựng các hồ thủy điện phát sinh động đất kích thích và gia tăng trượt lở vùng lòng hồ, hoạt động phá rừng phát sinh lũ quét, hoạt động xây dựng đô thị ở vùng đất thấp làm tăng nguy cơ ngập úng, v.v.
Ảnh hưởng của hoạt động kinh tế xã hội loài người tới thiên tai
Hoạt động kinh tế xã hội của con người thường có mục đích tạo ra của cải vật chất, cải thiện điều kiện sống của con người bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên (khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên rừng, đánh bắt cá, v.v.); thay đổi bề mặt Trái đất (biến rừng và đầm lầy thành đất canh tác, khu công nghiệp, xây dựng đô thị và khu dân cư tập trung, đắp đập để tạo ra hồ chứa nước và xây dựng thủy điện, xây dựng đường giao thông, v.v.); phát thải các chất thải rắn, lỏng, khí vào môi trường (phát thải khí nhà kính, phát sinh chất thải sinh hoạt, các loại nước thải, v.v.).
Các hoạt động đó làm thay đổi trạng thái bình thường của thiên nhiên và các quá trình tự nhiên làm phát sinh các loại thiên tai mới hoặc gia tăng cường độ của các dạng thiên tai có sẵn trong tự nhiên.
Giải pháp tối ưu cho việc ngăn ngừa thiên tai trong phát triển kinh tế xã hội của con người đó là phát triển bền vững.
P. V