Chủ nhật, 24/11/2024 09:51 (GMT+7)
    Thứ ba, 06/07/2021 17:00 (GMT+7)

    Phát triển không gian xanh đô thị theo hướng sinh thái

    Theo dõi KTMT trên

    Theo UBND TP.Hà Nội, dự án nhằm tập trung vào việc tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa, các không gian công cộng trong khu vực nội đô lịch sử.

    UBND quận Hoàn Kiếm đang lấy ý kiến về "Dự án quy hoạch không gian công cộng và thử nghiệm quản lý không gian xanh theo hướng sinh thái tại quận Hoàn Kiếm". Dự án nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng không gian công cộng bằng cách chú trọng đến việc đưa thiên nhiên hòa quyện vào không gian đô thị, từ đó góp phần ngăn chặn các tác động của hiện tượng đảo nhiệt trong nội đô và phát huy các không gian công cộng có bóng cây che phủ.

    Dự án này cũng là một trong những nội dung cụ thể hóa Chương trình số 03-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, tập trung vào việc tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa, các không gian công cộng trong khu vực nội đô lịch sử.

    Mở rộng không gian đi bộ

    Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Viện PRX - Đại diện vùng Ile-de-France (Pháp) tại Việt Nam và đơn vị tư vấn DE-SO (Pháp) nghiên cứu xây dựng dự án. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, do quỹ đất phát triển mới trên địa bàn hầu như không còn nên phương án nghiên cứu của đơn vị tư vấn đưa ra là phát triển các không gian xanh kết hợp mở rộng không gian cho người đi bộ, tôn vinh các công trình kiến trúc có giá trị.

    Cụ thể, sẽ cải tạo cảnh quan ba trục chính, tác động phát triển thương mại du lịch tại quận Hoàn Kiếm, bao gồm tượng đài Vua Lý Thái Tổ với quảng trường Ngân hàng Nhà nước, vườn hoa Diên Hồng với công trình nhà khách Chính phủ và quảng trường Nhà hát Lớn, gắn với tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, hồ Hoàn Kiếm. 

    Cùng với đó, dự án cung cấp cho TP.Hà Nội các công cụ thiết kế không gian công cộng mang tính đặc thù của Thủ đô, cụ thể là khu phố Pháp. Các chuyên gia Pháp cũng đề xuất chỉnh trang nâng cấp tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền, nhằm nâng cao giá trị kiến trúc tuyến phố, bảo tồn các công trình mặt đứng. 

    Phát triển không gian xanh đô thị theo hướng sinh thái - Ảnh 1
    Phát triển không gian xanh kết hợp mở rộng không gian cho người đi bộ, nhằm tôn vinh các công trình kiến trúc có giá trị. (Ảnh: VnExpress)

    Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho hay, trục Hàng Khay - Tràng Tiền - Nhà hát Lớn hiện đang là trung tâm đi bộ quan trọng, vì vậy cần kết hợp khai thác kiến trúc hai bên bằng các công trình đã có. Đồng thời cải tạo xây dựng mới các công trình thương mại, dịch vụ có giá trị kiến trúc thẩm mỹ cao để nâng tầm không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, hài hòa trong tổng thể khu vực hồ. Mở rộng không gian đi bộ phía nam khu Phố cổ Hà Nội, nhằm kết nối không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành một chỉnh thể thống nhất. Nghiên cứu triển khai đề án khu phố Pháp trở thành vùng di sản nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách.

    Xanh hóa các không gian công cộng

    Không gian công cộng, không gian xanh là “khoảng thở” không thể thiếu của đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí của người dân. Do vậy, chất lượng của các không gian công cộng quyết định một phần không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, những không gian công cộng, không gian xanh đang bị thiếu hụt cũng như chất lượng không được đảm bảo tại các quận trung tâm Thành phố.

    Theo thống kê của “Dự án Thành phố sống tốt”, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư. Trong đó, tại các khu vực nội thành, đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng 13 vườn hoa, bình quân chỉ có khoảng 0,1 m2/người. Đặc biệt, tại khu vực phố cổ còn hạn hẹp hơn, khi gần 7 vạn người mới có duy nhất vườn hoa Đường Thành (phường Cửa Đông) với diện tích 990 m2, giống như một đảo giao thông và cũng đang bị lấn chiếm làm chỗ để xe. Trong khi theo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang đặt mục tiêu chỉ tiêu bình quân cho khu vực trung tâm là 3,02 m2/người.

    Dân số tăng nhanh, trong khi công viên cây xanh không được xây dựng thêm, hệ thống công viên cũ không đáp ứng được nhu cầu…, điều này khiến khu đô thị kiểu mẫu dần trở nên quá tải. Hệ lụy nghiêm trọng là tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực tăng, không gian công cộng cho người dân hạn chế, diện tích không gian xanh ít ỏi…, khiến chất lượng sống của dân cư khu đô thị bị kéo giảm.

    Theo PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu Văn hóa nhận định, thời gian gần đây, Hà Nội đã có sự quan tâm nhất định đến phát triển không gian công cộng, không gian xanh như diện tích trồng cây xanh được mở rộng, xây dựng thêm các công viên, mở các tuyến phố đi bộ… nhưng diện tích cho không gian công cộng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, không gian công cộng còn đang bị thương mại hóa, tư nhân hóa. Diện tích vỉa hè bị lấn chiếm bởi các hộ kinh doanh. Trong khi nhiều nơi không gian công cộng phải nhường chỗ cho những bãi đỗ xe hay việc mở rộng hạ tầng giao thông.

    Vì vậy, chia sẻ ý tưởng quy hoạch dự án, KTS Olivier Souquet, đại diện Công ty Deso cho biết, dự án nghiên cứu dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: Khôi phục lại những không gian dành cho người đi bộ trong khu di sản này trước tình trạng khai thác điểm đỗ xe chưa được tổ chức bài bản khiến cho nhiều diện tích dành cho người đi bộ đang bị chiếm dụng. Đồng thời, củng cố và tăng cường sự hiện diện của không gian xanh, phát huy giá trị các tầm nhìn bao quát hướng về các công trình di sản; kết hợp với chiếu sáng nghệ thuật để làm nổi bật các công trình trọng điểm.

    Các nội dung nghiên cứu cũng tập trung vào việc đánh giá lại ngôn ngữ kiến trúc, sắp đặt và chỉnh trang lại vỉa hè, làm tăng giá trị các mặt tiền, cũng như có quy định cụ thể về quản lý các công trình trên phố, về ánh sáng, về phủ xanh trên tuyến phố...

    Trao đổi về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội cho rằng, Hà Nội đang đứng ở một giai đoạn phát triển mới. Phát triển về chất chứ không phải theo số lượng.

    “Việc phân bổ không gian xanh, không gian công cộng ở Hà Nội không đồng đều. Để chất lượng sống của người dân đô thị được nâng cao thì bản thân cộng đồng dân cư cũng cần có trách nhiệm với môi trường sống xung quanh mình, tích cực tham gia vào hoạt động xã hội chung.

    Thay vì khẩu hiệu, chỉ tiêu, con số…, mỗi ngày chúng ta thấy thêm được một sân chơi nhỏ, thêm được cây xanh, thêm được một nơi cho con trẻ đi lại, vui đùa an toàn thì sẽ thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Đây cũng thể hiện sự phát triển phẩm chất của Hà Nội, phẩm chất về phát triển con người, vì con người và quan tâm đến mọi người” - KTS Trần Huy Ánh nêu quan điểm.

    Một đô thị xanh đúng nghĩa cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí xanh, trong đó có những mảng xanh, không gian xanh. Bởi vậy, trong kiến trúc quy hoạch cần phải nỗ lực để gìn giữ. Bằng sự nỗ lực, Hà Nội sẽ tạo ra Thành phố xanh theo cách của riêng mình. Đó là một đại đô thị sinh thái có sự hài hòa giữa màu xanh cây lá với không gian mặt nước theo quy hoạch có tầm nhìn lâu dài.

    Lan Anh

    Bạn đang đọc bài viết Phát triển không gian xanh đô thị theo hướng sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới