Chủ nhật, 24/11/2024 06:42 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/06/2019 06:00 (GMT+7)

Phi công Vietjet Air làm việc quá tải khiến nhiều chuyến bay bị delay

Theo dõi KTMT trên

Đến máy móc cũng cần phải có thời gian nghỉ ngơi huống chi con người và câu chuyện hàng loạt chuyến bay của Vietjet Air bị chậm, huỷ chuyến do phi công "đình công" là điều dễ hiểu. Trách sao được phi công khi họ buộc phải làm việc quá tải…(!?)

Những ngày qua, dư luận được một phen xì xào bán tán về thái độ phục vụ hành khách của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Thậm chí, nhiều người tỏ ra thất vọng với hãng hàng không này. Nguyên nhân là hàng loạt chuyến bay của Vietjet Air bị chậm, huỷ chuyến. Sự tin dùng của hành khách đối với Vietjet Air chỉ nhận lại những "cục tức", khi mất hàng giờ, thậm chí cả ngày vì chậm, huỷ chuyến.

Đối với những vị khách trung thành của Vietjet Air, thì việc chậm, huỷ chuyến đã quá đỗi quen thuộc. Và, hình ảnh những khách hàng của Vietjet Air "lếch thếch" nơi phi trường chờ được cất cánh chẳng còn xa lạ với bất kỳ ai dù chỉ một lần đi lại bằng phương tiện hàng không.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, chỉ trong tháng 5/2019, Vietjet Air khai thác 11.630 chuyến bay và có tới 2.090 chuyến chậm giờ và 6 chuyến bị hủy. Trong quý I/2019, Vietjet Air vẫn đứng đầu về số chuyến bay chậm chuyến. Ba tháng đầu năm, hãng này thực hiện 33.646 chuyến bay, trong đó có 6.227 chuyến bay bị chậm giờ.

Tình trạng delay nhiều lần diễn ra ở Vietjet Air gây bức xúc cho hàng khách tại các sân bay, đồng thời các đại lý vé máy bay cũng phải đăng thông tin cảnh báo khách hàng. Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải kết quả kiểm tra Vietjet Air. Theo đó, việc kiểm tra hãng hàng không này liên quan tới Chương trình đánh giá tối thiểu an toàn hàng năm về việc giám sát giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) đối với Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet.

Phi công Vietjet Air làm việc quá tải khiến nhiều chuyến bay bị delay - Ảnh 1
Vietjet Air đứng đầu Việt Nam về việc chậm, hủy chuyến.

Cục Hàng không Việt Nam đã kiểm tra thời gian làm nhiệm vụ, thời gian nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay theo quy định tại phần 15 Bộ Quy chế An toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay. Kết quả thu được là nhiều trường hợp phi công của Vietjet Air không tuân thủ đúng chế độ làm việc, nghỉ ngơi theo quy định, vượt quá quy định về thời gian tối đa phi công được phép làm nhiệm vụ bay trong 28 ngày là 100 giờ bay.

Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không, việc thực hiện dừng bay đối với các trường hợp phi công đã bay đủ giờ hoặc quá giờ quy định khiến cho Vietjet Air chậm, hủy chuyến hàng loạt trong 3 ngày (từ 14-16/6). Qua đó, nguyên nhân dẫn đến việc chậm, hủy chuyến ban đầu mà Vietjet Air trả lời Cục Hàng không Việt Nam là do trong quá trình chuyển đổi và sử dụng hệ thống phần mềm phân lịch bay mới, hãng đã gặp một số khó khăn trong công tác theo dõi dữ liệu dẫn đến không kiểm soát tốt giới hạn thời gian làm nhiệm vụ bay của phi công là không chính xác.

Trở lại câu chuyện tăng ca, làm thêm giờ. Tăng ca, làm thêm giờ là "chuyện thường trên phố huyện". Nghề nào, ngành nào chẳng tăng ca và bất kể ai đã từng đi làm không một lần phải tăng ca. Thậm chí, Bộ luật Lao động cũng quy định rõ về việc tăng ca, làm thêm giờ. Thế nhưng, câu chuyện phi công phải tăng ca, làm quá giờ lại là câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm. Phi công là nghề đặc thù, tính mạng của nhiều hành khách nằm trong tay phi công mỗi khi máy bay cất cánh. Nếu làm tăng ca, phi công bị kiệt sức, thiếu tập trung, thậm chí đột quỵ… thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Khi biết được lý do phi công của hãng Vietjet Air "đình công" do làm quá giờ, vắt kiệt sức lao động, nhiều hành khách bày tỏ thái độ đồng cảm. Như lời bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, phi công của Vietjet Air "đình công" là họ nghĩ tới sự an toàn của hành khách, những người tin dùng phương tiện vận tải đặc biệt này.

Theo bà Bùi Thị An, để hàng loạt chuyến bay bị chậm, huỷ chuyến là lỗi của các hãng hàng không cũng như cơ quan chức năng liên quan. Luật quy định rõ, để chậm, huỷ chuyến, hãng hàng không phải xin lỗi và bồi thường cho hành khách. Tuy nhiên, không phải xin lỗi, bồi thường là xong, mà các hãng phải có giải pháp hạn chế tình trạng này tiếp diễn.

Còn về việc hàng loạt chuyến bay của Vietjet Air bị chậm, huỷ chuyến do phi công "đình công", bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Hàng không là một ngành đặc thù và phi công là nghề đặc biệt đặc thù, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hành khách gửi gắm trong tay họ. Vấn đề an toàn hàng không là rất quan trọng. Để phi công phải làm việc quá tải, quá giờ là lỗi của hãng".

"Cơ quan chức năng, mà cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần vào cuộc rà soát, kiểm tra xem có đúng là phi công bị hãng hàng không ép làm quá giờ so với quy định hay không để có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Bao nhiêu tính mạng gửi gắm trong tay phi công, mà họ phải làm việc quá tải thì vô cùng nguy hiểm” - nguyên đại biểu Bùi Thị An nói

Và, chắc hẳn mọi người còn nhớ câu chuyện Hội chứng Karoshi (tử vong do làm việc quá sức) xảy ra tại Nhật Bản. Đầu năm 2016, Bộ Lao động Nhật thông báo con số đơn khiếu kiện đòi bồi thường từ gia đình những người lao động thiệt mạng hoặc tự sát vì làm việc quá nhiều tăng lên mức kỷ lục 1.456, tính đến tháng 3/2015. Nhằm giải quyết tình trạng nhức nhối do Karoshi gây ra, Nhật Bản đã phải đưa ra dự luật giảm tải số giờ làm thêm.

Điều 106 Bộ luật Lao Động năm 2012 quy định về làm thêm giờ:

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Do đó, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ tuy nhiên phải đáp ứng một số điều kiện như được sự đồng ý của người lao động; số giờ làm thêm phù hợp với quy định của pháp luật lao động; phải trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định cũng như bố trí lịch nghỉ bù cho những số ngày không được nghỉ… để đảm bảo sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động.

Đối với trường hợp người sử dụng lao động vi phạm về điều kiện làm thêm giờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động, người lao động có thể liên hệ Công đoàn cơ sở hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở để các cơ quan này can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 4, khoản 5 điều 14 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định tại điểm b khoản 2 điều 106 Bộ luật Lao động sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng.

Thiên Minh

Bạn đang đọc bài viết Phi công Vietjet Air làm việc quá tải khiến nhiều chuyến bay bị delay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới