Phía trước là tháng 10
Thủ tướng nói, “phía trước là tháng 10” khi cử tri Hải Phòng ca ngợi, “Chính phủ kiên cường trong điều hành, dù khó khăn chồng chất vì đại dịch Covid-19, vẫn không điều chỉnh các chỉ tiêu”.
Người đứng đầu Chính phủ giải thích rõ với cử tri, Chính phủ cố gắng ở mức cao nhất, nhưng cũng không thể thoát ly được tình hình thế giới.
Tháng 10 không phải điểm đến được mong đợi khi đó là lúc Chính phủ phải ra một quyết định vô cùng khó khăn. Tháng 10, bắt đầu Kỳ họp thứ 10, Chính phủ sẽ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Nền kinh tế đang trải qua những thời khắc tột đỉnh của thăng, trầm. Vừa mới khí thế ào ào tưởng như ngay ở trước mắt là đích của năm 2030, năm 2045; đã trong cảnh phải đếm từng ngày, từng ngày trôi, tháng 1, tháng 2... đến tháng 10.
Đúng như Thủ tướng nói, “không thể thoát ly được tình hình thế giới”, tăng trưởng GDP quý 2/2020 chỉ đạt 0,36%, tính chung 6 tháng tăng 1,81%. Có vẻ là gượng gạo nếu cho đây là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân như nhận định của Tổng cục Thống kê. Bởi liên tục trong 9 năm từ 2011 đến 2019, GDP 6 tháng đầu năm đều tăng ở mức xấp xỉ 5% đến hơn 7%.
Nhưng cũng có chút vui. Với 1,81%, quả quyết của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ba năm trước về việc “không có chuyện phải gửi bất kỳ ai duyệt trước khi công bố kết quả thống kê”, thêm một lần nữa chứng tỏ được là ngành thống kê thành thật.
Sở dĩ, lãnh đạo ngành này từng phải quả quyết như vậy vì năm 2017, GDP bắt đầu tưng bừng khởi sắc và nhiều ý kiến trong dư luận đặt ra nghi ngại có sự can thiệp từ “bên trên” nên mới có sự tăng tốc “kỳ lạ”, “kỳ dị”.
Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh đến yêu cầu phải luôn tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, đất nước phải vươn lên bằng đúng thực lực chứ không phải chỉ trông vào những con số đẹp.
Và giờ đây, theo ông, càng lúc khó khăn, gian nguy, càng không được nói giảm, nói tránh. Đã đành là vừa đẩy lùi được dịch bệnh, vừa duy trì được các hoạt động sản xuất, kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh, nhưng kết quả GDP 6 tháng vẫn là quá thấp.
“Chính phủ không cho đó là con số khích lệ, động viên, mà đó là đầu đề một bài toán đòi hỏi Chính phủ phải giải tốt hơn để có điểm số tốt hơn”, người đứng đầu Chính phủ trăn trở, “không thể cứ an ủi nhau là thực tế tình hình thế giới như thế thì chúng ta phấn đấu như thế cũng là thành công rồi. Cứ nhìn vào mong muốn của người dân sẽ thấy thấy nỗ lực bao nhiêu cũng không thể đủ”.
Nhìn “những đoạn đường Chính phủ đã từng có những lúc rơi vào hoàn cảnh và thời điểm đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán nhưng đều đã vượt qua, Thủ tưởng tin “trong lần đối mặt với đại dịch Covid-19 lần này, Chính phủ cũng tiếp tục tiến bước”.
Con số 1,86% cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay là nỗi buồn lo quá lớn. Dù thế, không thể phủ nhận, cao hay thấp thì sự “trưởng thành” của GDP trong những năm qua thực sự làm nên câu chuyện đẹp như cổ tích khi nó luôn là hiện thân của tinh thần trách nhiệm đến cùng, dũng cảm đến cùng, nỗ lực đến cùng.
Năm 2016, cùng lúc với thiên tai hạn hán khốc liệt và xâm nhập mặn sâu ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên là sự cố môi trường biển nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền Trung khiến cả nền kinh tế chao đảo.
Lúc bấy giờ, các địa phương và Chính phủ đang bước vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ với đội ngũ cán bộ lãnh đạo mới, quyết tâm mới cùng rất nhiều điều mới trong cách nghĩ, cách làm và tràn đầy hăm hở với chặng đường phía trước.
Quyết tâm Chính phủ dứt khoát phải tạo ra sự bứt phá GDP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết, “mọi người dân đều cảm nhận được rõ thành quả của tăng trưởng, chứ không phải tăng trưởng trên giấy”.
Bởi vậy, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là truyền cảm hứng, tạo được động lực làm việc cho người dân thông qua thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên cho người dân chung sức cùng phát triển đất nước. Chấm dứt thời kỳ ra mệnh lệnh hành dân, chấm dứt sự trì trệ trong nhận thức, trong hành động của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương.
GDP cũng không còn là con số “ăn xổi ở thì” mà cứ hễ hụt đích là xúc, múc tài nguyên đem đi bán lại có ngay thành tích. Khi GDP năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra và nửa đầu năm 2017, trước nguy cơ tiếp tục không đạt, đã có nhiều ý kiến khuyên Chính phủ thay vì tận lực nghĩ suy, hãy tận lực khai thác dầu thô.
Thủ tướng thấy, nếu cứ làm như vậy, còn gì để lại cho đời sau? Người đứng đầu Chính phủ quyết định không khai thác thêm dầu thô mà thay vào đó, “khai thác” năng lực của từng thành viên Chính phủ.
Năm 2017, lần đầu tiên Chính phủ thực hiện “giao khoán” chỉ tiêu cụ thể từng lĩnh vực cho “tư lệnh” các bộ, ngành. Thủ tướng cũng yêu cầu họ phải liên tục cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để bảo đảm kịp thời có đối sách, không tuột khỏi tầm tay cơ hội phát triển dù là nhỏ nhất; đồng thời kêu gọi, “ông” nào trong lòng còn thiếu ngọn lửa nhiệt huyết thì hãy vì dân mà nhóm lên.
Không yên tâm vào cách làm này của Thủ tướng, tại Kỳ họp Quốc hội giữa năm 2017, Nghị trường đã “nổ” ra những tranh luận không ngớt khi Chính phủ chắc chắn rằng không “nói suông”, sẽ đạt kế hoạch như đã đề ra.
Cơ quan thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Kết quả là tăng trưởng kinh tế năm 2017 không những về đích mà còn về với kết quả rực rỡ, GDP tăng 6,81%. Kể từ năm 2017, tăng trưởng kinh tế liên tục cán đích ở ngưỡng thần kỳ, trong 2 năm 2018, 2019 đều tăng trên 7%.
Năm 2020, nền kinh tế lâm vào hoàn cảnh khó khăn gấp bội năm 2016, trong khi đội ngũ cán bộ năm xưa là “mới” giờ đã trở thành “cũ” và hẳn là có không ít người bắt đầu muốn ngơi nghỉ trong bóng hoàng hôn nhiệm kỳ.
Nỗi buồn “hoàng hôn” là nỗi buồn tự nhiên của con người, ai ai rồi cũng đến lúc mỏi mệt. Tuy vậy, có lẽ thời khắc đặc biệt thì các diễn biến đều trở thành đặc biệt, vượt trên quy luật, tất cả tiếp tục cùng nhau viết dành tặng cho người dân cổ tích xuyên nhiệm kỳ về GDP.
Ở lĩnh vực nắm tới gần 70% dân số là nông nghiệp, từng tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm 2016 với mức giảm 0,18%, ngay năm 2016, đã “đổi dấu” từ âm (-) sang dương (+).
Quý I năm 2020, tăng trưởng của ngành này gần như dậm chân tại chỗ khi chỉ đạt mức tăng 0,08%. Quý 2 vươn lên 2,19% và 6 tháng tăng 1,19%. Giữ nguyên nhuệ khí như 4 năm trước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dứt khoát, “không bàn lùi, phải đạt bằng được mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp năm nay tăng từ 2,8% đến 3,2%”.
Đại dịch cuốn đi nhiều con số phần trăm tăng trưởng mà không thể cuốn đi nhiệt huyết cũng như niềm may mắn.
Thủ tướng nói, “may mắn ở đây là chúng ta có được sự đồng lòng thống nhất trong hành động của tất cả các thành viên Chính phủ, của cả bộ máy Nhà nước. May mắn ở đây là chúng ta củng cố được niềm tin của người dân, được người dân đồng lòng ủng hộ”.
Một tháng trước, khi đến thăm và làm việc tại Bắc Ninh, Thủ tướng chuẩn bị sẵn bịch kẹo mang theo. Khi bắt tay và chào hỏi người dân hai bên đường, ông để lại những chiếc kẹo trong lòng bàn tay họ.
Những chiếc kẹo rất nhỏ, nhưng là tấm lòng của Thủ tướng luôn nhớ có quà tặng cho dân và chia đều ai ai cũng nhận được.
Phía trước là tháng 10. Thời điểm đó, Chính phủ phải chấp nhận điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP.
GDP mất đi một vài điểm phần trăm, lòng dân vẫn luôn còn lại dư vị của những chiếc kẹo ngọt ngào như niềm tin vào một chỉ tiêu cao hơn.
Một chỉ tiêu mà Chính phủ không bao giờ chấp nhận điều chỉnh, dù chỉ tiêu này không phải là chỉ tiêu pháp lệnh, không có trong bất kỳ Nghị quyết nào. “Chỉ tiêu” phấn đấu không để người nào bị bỏ lại.
Lê Châu