Tổng giám đốc hãng phim Giải Phóng: Cần làm gì để công nghiệp văn hóa phát triển và hội nhập?
Hãng phim Giải Phóng cho biết thời niên thiếu của Bác Hồ sẽ tái hiện lại trong phim “Vầng trăng thơ ấu”, phim được công chiếu trong thời gian tới.
Chọn bối cảnh quay tại Nghệ An và Huế, bộ phim phục dựng những nét văn hóa và tập tục đặc sắc của người dân miền Trung. Đây là bộ phim duy nhất từ trước đến nay nói về thời niên thiếu của Bác Hồ mà hãng phim đã thực hiện.
Bộ phim sẽ có buổi chiếu không doanh thu ra mắt các cơ quan ban ngành, giới chuyên môn, nhà làm phim vào ngày 5/6 tới - đúng kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2024).
Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với Tổng giám đốc hãng phim Giải Phóng, ông Nguyễn Tiến Hưng để hiểu về bộ phim sắp công chiếu, cũng như những chia sẻ về hành trình hội nhập của điện ảnh Việt Nam nói chung và hãng phim Giải Phóng nói riêng.
Poster phim "Vầng trăng thơ ấu".
Là quản lý ở hãng phim nhà nước lâu năm, ông đánh giá thế nào về thị trường phim Việt hiện nay ?
Ông Nguyễn Tiến Hưng- Tổng giám đốc hãng phim Giải Phóng: Có thể thấy rằng phim Việt gần nay đã có khởi sắc nhất định.
Có thể thấy trước dịch, phim Việt Nam được công chúng đón nhận nhiều, đồng thời, chất lượng phim cũng như số lượng phim cũng rất cao. Mỗi năm có khoảng từ 40 đến 50 phim ra mắt phục vụ công chúng, doanh thu lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Điều này chứng tỏ là nền điện ảnh Việt Nam giai đoạn trước dịch phát triển rất mạnh.
Nhưng 3 năm dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng, gây thiệt hại lớn. Mãi đến sau năm 2022 điện ảnh bắt đầu phát triển trở lại, tuy nhiên lượng đầu phim và doanh thu giảm.
Gần đây, tín hiệu mừng là cuối 2023 và đầu năm 2024 điện ảnh đã khởi sắc trở lại. Đây là nhận xét dưới góc độ điện ảnh xã hội hóa, tức là góc độ điện ảnh tư nhân. Nếu nói về điện ảnh nhà nước, gần đây do cơ chế đặt hàng mới theo quy định của chính phủ và Bộ Văn Hóa cứ 2 năm sẽ có 1 phim điện ảnh và tập trung ở hãng phim Giải Phóng phía Nam và hãng phim truyện I phía Bắc. Cả hai hãng này chủ yếu thực hiện các phim đặt hàng để làm công tác tuyên truyền phục vụ mục đích chính trị.
Mới đây nhất, hãng phim truyện I đã sản xuất bộ phim Đào, Phở và Piano. Phim đã tạo được dấu ấn trong lòng khán giả, được đánh giá là bộ phim chất lượng, và gây tiếng vang lớn khi diễn tả thành công giai đoạn lịch sử mùa Đông 1946.
Hãng phim Giải Phóng cũng vừa hoàn thành bộ phim “Vầng trăng thơ ấu”, một bộ phim về thời niên thiếu của Bác Hồ. Phim chọn bối cảnh tại Nghệ An và Huế, nhờ vậy sẽ tái hiện rõ nét văn hóa và tập tục của người miền Trung. Đây cũng là bộ phim duy nhất kể về thời niên thiếu Bác Hồ và lịch sử chống Pháp trong giai đoạn phong kiến.
Phim được báo giới rất quan tâm và cũng đã đăng một số trailer trên youtube hiện vẫn chưa được cấp giấy phép nên chưa định được thời điểm cho ra mắt công chúng.
Tổng giám đốc hãng phim Giải Phóng, ông Nguyễn Tiến Hưng.
Là một hãng phim có kinh nghiệm làm phim lịch sử và có sự đầu tư của nhà nước, hãng có dự định gì cho các phim lịch sử để tuyên truyền phục vụ công chúng?
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng giám đốc hãng phim Giải Phóng: Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Văn Hóa, Thể Thao & Du lịch làm công tác tuyên truyền, hãng phim Giải Phóng có truyền thống sản xuất những bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng, đồng thời cũng thực hiện những tác phẩm tâm lý xã hội.
Đề tài chiến tranh lịch sử cách mạng hãng thực hiện phim Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn. Gần đây phim tâm lý xã hội mang tính chất định hướng giáo dục thì có Gái nhảy, Lọ lem hè phố. Phim mục đích làm công tác tuyên truyền chống tham nhũng có Phơi sáng, Hợp đồng bán mình. Ngoài ra, khán giả cũng từng biết đến bộ phim ca ngợi đạo đức, lối sống đặc thù của miền đất Nam bộ như phim Cơn giông.
Sắp tới đây, kỉ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hãng phim Giải Phóng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Cục điện ảnh đặt hàng bộ phim Kí ức điệu Nam Xuân, được viết bởi nhà biên kịch Kim Ửng, dự kiến do NSƯT Hồ Ngọc Xum làm đạo diễn.
Bộ phim này nói về cuộc chiến Mậu Xuân năm 1968. Trong phim, chúng tôi cố gắng làm sống dậy những nét đẹp của đời sống văn hóa vùng đất Nam bộ ví như đờn ca tài tử. Mục đích là làm sao có thể gắn liền điện ảnh với văn hóa và du lịch.
Đạo diễn Trần Ngọc Phong (bên phải) đang làm việc cùng với Tổng giám đốc hãng phim Giải Phóng.
Làm sao để công nghiệp điện ảnh có thể tạo ra lợi nhuận đứng trước cạnh tranh?
Ông Nguyễn Tiến Hưng - Tổng giám đốc hãng phim Giải Phóng: Luật điện ảnh Việt Nam sửa đổi bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/1/2023. Luật này sẽ tạo động lực cho ngành điện ảnh phát triển, và hội nhập, từ đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh để số lượng cũng như chất lượng phim ngày càng được nâng lên. Cạnh tranh thì có phim hay. Phim hay thì doanh thu lớn. Doanh thu lớn thì tạo lợi nhuận cho ngành công nghiệp điện ảnh.
Rồi đây, các hàng phim ngoài mục đích tuyên truyền như nhà nước đặt hàng còn phải đặt ra tiêu chí quan trọng là phục vụ công chúng.
Hiện chúng ta đang thiếu những tác phẩm đỉnh cao để có thể so sánh với các nước trong khu vực và thế giới, nhưng chính sự cạnh tranh sẽ tạo nên những sản phẩm chất lượng, thu hút công chúng. Dễ thấy gần nay, có thể kể đến phim Mai của Trấn Thành, Lật mặt 7 của Lý Hải đã thắng lớn với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng còn những tác phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị hiếu do vậy dẫn đến thua lỗ. Để ngành điện ảnh Việt Nam phát triển và có điều kiện hội nhập thì chúng ta cần nâng cao và tạo điều kiện để khơi dậy nguồn lực xã hội hóa. Có vậy, thì việc hội nhập điện ảnh trong khu vực mới thành công.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum người thực hiện bộ phim Vầng trăng thơ ấu
Xin ông cho biết, còn rào cản gì để điện ảnh Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế?
Phim trường và kinh phí. Có thể kể đến Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên mới đây là dấu hiệu khơi mào cho những tác phẩm đỉnh cao hay Đào phở và piano cũng vậy. Tôi tin, những tác phẩm này nếu được thỏa sức hơn nữa, tức là có phim trường và kinh phí đầu tư lớn hơn thì sẽ hay hơn nữa và việc được quốc tế công nhận không phải chuyện xa xôi gì.
Sắp tới bộ phim Vầng trăng thơ ấu cũng là bộ phim mà hãng đặt rất nhiều tâm tư vào, tuy nhiên, cũng có sự hạn chế về mức kinh phí đầu tư. (phim nhà nước mà, cười)
Tôi nói ví dụ tôi từng chứng kiến cảnh quay cho bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng, anh ấy xây cả cái biệt thự hai tầng cao to lắm, đẹp lắm, to lắm ngay trước Bưu điện Chợ Lớn và cho cháy nổ luôn ở trong biệt thự đấy. Kinh phí tốn cả hàng triệu đô vì anh ấy có kinh phí của Pháp đầu tư.
Đạo diễn hoạt hình Đào Minh Uyển ( bên phải) chụp ảnh cùng với ôngNguyễn Tiến Hưng - Tổng giám đốc hãng phim Giải Phóng.
Những tác phẩm đỉnh cao cho ngành giải trí liệu có bị Luật điện ảnh trói buộc bởi những quy định?
Luật điện ảnh đã ra đời và chắc chắn rằng nhà nước sẽ định hướng để mang đến những tác phẩm đỉnh cao cho ngành giải trí.
Nhấn mạnh rằng, điện ảnh, hay kể cả văn học đều là tiếng nói chung, không chỉ Việt Nam mà kể cả trên thế giới cũng vậy. Làm điện ảnh không phải mang tính chất phê phán ai mà chỉ nêu lên sự thật của xã hội, chân thực của sự việc. Để mọi người có thể nhìn nhận theo góc nhìn riêng, nhìn nhận riêng theo quan điểm cá nhân.
Ví dụ tác phẩm Vĩ tuyến ngày và đêm, phim chỉ nêu lên vấn đề là người dân ai cũng chỉ mong muốn đất nước được vẹn toàn thống nhất, còn chuyện nghĩ như thế nào đó là chuyện của khán giả. Khán giả họ đủ thông minh để nhìn nhận, điện ảnh hay văn học chỉ là công cụ giúp họ nhìn sự việc đa chiều hơn mà thôi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mị Dung (t/h)