Chủ nhật, 24/11/2024 08:04 (GMT+7)
Thứ năm, 22/09/2022 06:55 (GMT+7)

Phim tài liệu về bảo tồn đa dạng sinh học - Kết nối con người với thiên nhiên

Theo dõi KTMT trên

“Bình Yên, về nào!” và “Hành trình tới Xuân Liên” là hai bộ phim tài liệu về chủ đề bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật mới được công chiếu tại Hà Nội.

Nằm trong khuôn khổ dự án Sản xuất phim tài liệu sinh thái 2021-2022, mới đây Viện Goethe phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD), Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình thuộc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (Tổ chức FOUR PAWS Việt) công chiếu hai bộ phim tài liệu “Bình Yên, về nào!” và “Hành trình tới Xuân Liên” về chủ đề bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật.

Theo đó, hai bộ phim là sản phẩm của dự án "Sản xuất phim tài liệu Sinh thái" năm 2021-2022 do Viện Goethe tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD), Four Paws Việt thực hiện. Dự án nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu để kể những câu chuyện về phát triển bền vững.

Được biết, trong năm 2021-2022 chủ đề của dự án sản xuất phim tài liệu tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật. Tại sự kiện khởi động dự án do Viện Goethe tổ chức, đại diện hai tổ chức xã hội này chia sẻ về những hoạt động cộng đồng mà họ đã và đang thực hiện cũng như câu chuyện cụ thể là đề bài và cảm hứng cho những nhà làm phim quan tâm.

Phim tài liệu về bảo tồn đa dạng sinh học - Kết nối con người với thiên nhiên - Ảnh 1
Trong năm 2021-2022 chủ đề của dự án sản xuất phim tài liệu năm nay tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học và phúc lợi động vật.

Nguyễn Lê Thùy Linh, Quản lý truyền thông của Four Paws Việt cho hay: “Trong suốt nhiều năm làm công tác cứu hộ và bảo vệ phúc lợi cho gấu và động vật hoang dã nói chung, chúng tôi nhận thấy hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng là vô cùng quan trọng trong quá trình xóa bỏ nạn nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam. Ý thức tốt mới dẫn tới hành động tốt. Để truyền thông trở nên thuyết phục và hiệu quả, hình thức truyền thông đóng vai trò quyết định. Nghệ thuật nói chung và phim tài liệu nói riêng có sức mạnh trong việc lan tỏa tri thức và thông điệp về bảo vệ phúc lợi động vật. Chính vì vậy, thông qua việc kể câu chuyện của mình bằng phim tài liệu, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều khán giả có thể tiếp cận đến vùng kiến thức tưởng chừng như khô khan này và có những bước chuyển mình trong nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã”.

“Bình Yên, về nào!” tái hiện cuộc sống của những cá thể gấu và người chăm sóc tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (thuộc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt - Four Paws Việt). Cùng với hành trình phục hồi của những cá thể gấu từng bị nuôi nhốt lấy mật tại cơ sở bảo tồn là tâm tư ít khi được chia sẻ của những người chăm sóc chúng.

Trong khi đó, “Hành trình tới Xuân Liên” kể về những nỗ lực hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, kết nối con người với thiên nhiên ở Xuân Liên, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bộ phim cho thấy giá trị đa dạng sinh học cao có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với cuộc sống và bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái phía Tây Thanh Hóa.

Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, Dự án Sản xuất phim tài liệu sinh thái do Viện Goethe Việt Nam khởi xướng, nhằm tạo ra không gian cho các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam kể câu chuyện thông qua các bộ phim tài liệu; qua đó đưa những hoạt động cộng đồng và phát triển bền vững đến gần hơn với công chúng, thúc đẩy giáo dục thông qua các bộ phim khoa học.

Sự hợp tác giữa các tổ chức với các nhà làm phim trong năm qua đã thu hẹp khoảng cách của việc “thiếu các hình thức truyền thông đa dạng và chuyên nghiệp” hay đáp ứng nhu cầu “tăng cường hiệu quả các hoạt động truyền thông” về bảo tồn đa dạng sinh học, phúc lợi động vật.

Với các nhà làm phim, quá trình sản xuất phim mang đến những trải nghiệm “lần đầu tiên”. Lần đầu tiên được gặp nhiều gấu, ở rừng lâu như vậy, đạo diễn Nguyễn Hoàng Việt của NOMADS cũng đã có những trải nghiệm khó quên: “Dành 1 tháng ở trạm cứu hộ, không có cơ hội tham gia vào quá trình cứu hộ và di chuyển đưa gấu về trạm, nên nhóm quyết định chọn thể hiện tình cảm của những nhân viên chăm sóc gấu tại đây, quan sát và ghi chép lại tình cảm đó qua những công việc hàng ngày…

Thông qua hai bộ phim này, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển hy vọng trong khuôn khổ còn hạn chế của thời lượng phim, những lát cắt thường nhật về những chú gấu và người chăm sóc gấu sẽ gợi mở những tư duy, cảm xúc mới. Từ đó gợi ý cho khán giả một cách nhìn nhận động vật với sự tôn trọng, đồng cảm và thấu hiểu hơn.

Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (CCD) là một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam hoạt động độc lập trong lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững và thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển nhằm hài hòa giữa các vấn đề bảo tồn thiên nhiên và phát triển cộng đồng, giữa con người và sinh quyển ở Việt Nam. 

Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Nước Việt (FOUR PAWS Việt) là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành vào năm 2014 tại tỉnh Ninh Bình. Với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của tổ chức FOUR PAWS quốc tế, Trung tâm đã xây dựng cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình vào năm 2016 tại bản Xăm, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Mục tiêu của cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là cứu hộ và chăm sóc các cá thể gấu từ các trại nuôi tư nhân tự nguyện chuyển giao hoặc bị tịch thu từ các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép, hướng đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phim tài liệu về bảo tồn đa dạng sinh học - Kết nối con người với thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Vượt mục tiêu đón khách du lịch trong năm 2024
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong tháng 10 đạt 386,5 nghìn lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đón gần 7,7 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
TP.HCM: Doanh thu từ lữ hành tăng gần 50%
10 tháng của năm 2024, doanh thu ngành du lịch TP.HCM đạt 156.649 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành đạt mức cao với 32.255 tỉ đồng, tăng mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới