Phó phòng CSGT tỉnh Sóc Trăng: “Xử lý vi phạm nồng độ cồn không có ngoại lệ”
Thượng tá Đinh Thanh Phong, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Sóc Trăng khẳng định, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, không có ngoại lệ.
Cứ vào dịp cuối năm, đặc biệt là vào thời điểm Tết Nguyên đán 2024, tình hình vi phạm an toàn giao thông diễn ra vô cùng phức tạp, đáng lưu ý là các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Thực tế cho thấy, vào dịp Tết Nguyên đán, các vụ tai nạn giao thông ở nhiều địa phương tăng đột biến so với ngày thường. Vì vậy, việc triển khai các kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông tại các tỉnh, thành là vô cùng cần thiết.
Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đinh Thanh Phong, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Sóc Trăng.
Nhiều giải pháp đảm bảo ATGT dịp Tết Nguyên đán
-Xin chào Thượng tá Đinh Thanh Phong. Thưa ông, thời điểm cuối năm, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra như thế nào?
-Thượng tá Đinh Thanh Phong: Vào thời điểm cuối năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Vì vậy, nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh trong cả nước đi các địa phương để phục vụ những ngày Tết Nguyên đán và mua bán, trao đổi hàng hóa rất lớn. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ gia tăng so với những ngày thông thường, từ đó tình hình trật tự, an toàn giao thông (tình hình TTATGT) nói chung, nhất là về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Đồng thời, đến thời điểm hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao dẫn đến làm cho tình hình trật tự, an toàn giao thông tăng thêm phức tạp, nhất là làm cho nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông đường bộ tăng lên so với thời gian trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
-Thời điểm giáp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán được xem thời gian tình trạng vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ công tăng cao. Phòng CSGT tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch gì để triển khai các biện pháp giữ gìn trật tự an toàn giao thông trong thời gian này?
-Thượng tá Đinh Thanh Phong: Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục Cảnh sát Giao thông (Cục CSGT), Bộ Công an và ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng về công tác tuần tra kiểm soát bảo đảm TTATGT trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và những sự kiện quan trọng sắp diễn ra trong thời gian sắp tới, Phòng CSGT, Công an tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, nhằm kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông (TNGT), huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT và tập trung giải tỏa các trường hợp mua bán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về TTATGT, nhất là tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ, như: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn; điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép; điều khiển phương tiện chở hàng hóa quá tải trọng cho phép của phương tiện, của cầu, của đường; điều khiển phương không có giấy phép lái xe theo quy định và một hành vi vi phạm khác mà không bảo đảm TTATGT khi tham gia giao thông trên đường bộ. Qua đó, để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT, tạo được ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là “Đã uống rượu bia, không lái xe”, góp phần làm ổn định sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng, cũng như góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước.
-Hiện nay, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đang là điểm nóng trên toàn quốc. Tại Sóc Trăng, tình hình vi phạm nồng độ cồn diễn ra như thế nào, thưa ông?
-Thượng tá Đinh Thanh Phong: Sau thời gian thực hiện nghiêm công tác rà soát, xử lý vi phạm liên quan tới nồng độ cồn, người dân đã thể hiện sự hợp tác tích cực với lực lượng chức năng, ghi nhận nhiều chuyển biến trong ý thức khi tham gia giao thông cũng như đồng thuận rất cao với quy định “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Khi có đám tiệc, lễ hội, đa số người tham gia giao thông cũng có ý thức hơn so với thời gian trước đây, đã chủ động đi bằng các phương tiện công cộng, như: Xe taxi, thuê lái xe đưa đón hoặc kêu người thân quen không uống rượu bia đến để đưa đón, … hoặc không sử dụng ruợu bia, từ chối sử dụng rượu bia. Đây là sự chuyển biến rõ nét, chuyển biến theo hướng tích cực đã làm lan toả rất nhanh chóng trong ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông trong thời gian gần đây.
-Trong năm 2023, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng triển khai xử lý vi phạm giao thông qua thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Ông có thể nêu những thuận lợi, khó khăn khi xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình?
-Thượng tá Đinh Thanh Phong: Trong năm 2023, lực lượng CSGT tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa qua thiết bị giám sát hành trình. Qua kiểm tra các loại phương tiện trên lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 60 và Quốc lộ 91B (Nam Sông Hậu); Quốc lộ Quảng Lộ Phụng Hiệp, về cơ bản thì các lái xe, chủ phương tiện có chấp hành tốt các quy định của pháp luật về nội dung kiểm tra này. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn có một số trường hợp vi phạm, nhưng phần lớn là lái xe, chủ xe đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT.
Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế. Nhiều trường hợp khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm đã có hành động không hợp tác và gây khó khăn cho việc xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, hạ tầng giao thông tại một số tuyến đường đã xuống cấp, các cầu đang trong quá trình xây dựng, sửa chữa để hoàn thiện, từ đó còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới. Do vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sóc Trăng đã chủ động để tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về TTATGT, nhằm kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới, để người tham gia giao thông đường bộ được an toàn.
-Trong năm 2023, tình hình tai nạn giao thông tại Sóc Trăng đã có những chuyển biến gì so với năm 2022. Theo ông, nguyên nhân kéo giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương là do đâu?
-Thượng tá Đinh Thanh Phong: Trong năm 2023, toàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra 180 vụ, làm chết 115 người, bị thương 132 người, thiệt hại tài sản khoảng 659.2 triệu đồng. So với thời gian cùng kỳ năm 2022: Giảm 38 vụ (180/218, tỷ lệ -17,4%), giảm 10 người chết (115/125, tỷ lệ -8%), giảm 54 người bị thương (132/186, tỷ lệ -29%). Tai nạn giao thông đường thủy không xảy ra.
Về nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giảm so với năm 2022 được đánh giá là ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của đa số người dân, của người tham gia giao thông được nâng lên đáng kể, từ đó mà đã góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí như số liệu đã viện dẫn ở trên.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ
-Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương có tình trạng người vi phạm can thiệp hoặc nhờ người thân can thiệp việc xử lý của lực lượng chức năng. Vậy, trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nồng độ cồn, lực lượng CSGT tại tỉnh Sóc Trăng có bị can thiệp không, thưa ông? Khi bị can thiệp (nếu có), lực lượng chức năng đã làm gì?
-Thượng tá Đinh Thanh Phong: Trong thực tế, theo tôi nghĩ, là tình trạng người vi phạm can thiệp hoặc nhờ người thân can thiệp việc xử lý của lực lượng chức năng về những hành vi vi phạm về TTATGT nói chung, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn thì chắc địa nào cũng có, dù nhiều hay ít. Trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nồng độ cồn, lực lượng CSGT tại tỉnh Sóc Trăng về cơ bản là khi phát hiện những hành vi vi phạm về TTATGT thì xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật, không vì lý do nào đó mà bỏ qua hành vi vi phạm, để từng bước chấn chỉnh thói quen xem thường pháp luật của một số người khi tham gia giao thông. Bời vì, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật, do vậy người thực thi công vụ phải nghiêm minh, phải công bằng trong xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm về TTATGT nói riêng.
Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm và với khẩu hiệu “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhất là duy trì việc xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhằm từng bước tạo thói quen đối với mọi người dân và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với khẩu hiệu là “đã uống rượu bia, không lái xe” để cho mọi người dân khi tham gia giao thông đường bộ được an toàn hơn.
-Sắp đến Tết Nguyên đán 2023, thời gian cao điểm về vi phạm giao thông, nồng độ cồn, ông muốn nhắn nhủ gì đến người dân về việc chấp hành an toàn giao thông, đặc biệt là việc chấp hành quy định về nồng độ cồn?
-Thượng tá Đinh Thanh Phong: Trong thời gian tới, kỳ nghỉ lễ, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, dự báo là lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao so với thời gian bình thường, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, tôi đề nghị người tham gia giao thông phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là đối với một số hành vi vi phạm sau đây:
Phải nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông. Đặc biệt khi đi qua khu vực ùn tắc giao thông các phương tiện phải chấp hành theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông, không được dừng, đỗ xe trái quy định làm cản trở giao thông; Điều khiển phương tiện phải có đăng ký và gắn biển kiểm soát theo quy định; Điều khiển phương tiện đi đúng phần đường, làn đường quy định; Chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn; Khi chuyển hướng rẽ hoặc vượt xe phải có tín hiệu báo trước, chỉ được vượt, chuyển hướng khi có đủ điều kiện an toàn; Chấp hành các quy định về dừng, đỗ xe và quay đầu xe; Người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước của mình; Lái xe phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn, không chở quá khổ, quá tải và số lượng khách theo quy định; Phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách (đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe điện); Không tụ tập dưới lòng đường, hè phố sai quy định; Không lạng lách đánh võng trên đường. Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông cho bản thân mình và cho người khác. Chấp hành pháp luật về TTATGT là thể hiện nét đẹp văn hoá của người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Xin cảm ơn Thượng tá Đinh Thanh Phong!
Nghị định 100 đem đến hiệu quả rất tích cực
Thượng tá Đinh Thanh Phong: Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020), sau hơn 03 năm thi hành và đi vào cuộc sống đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ và đã làm cho đa số người dân đã dần hình thành ý thức "Đã uống rượu, bia thì không lái xe" và có ý thức hơn trong việc chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT đường bộ so với những Nghị định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” đã hành hành và áp dụng thi hành trước đó.
Nói chung, từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” được ban hành và áp dụng thi hành từ ngày 01/01/2020 cho đến nay đã đem lại kết quả tích cực trong việc làm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đường bộ, đặc biệt là đã làm kiềm chế và đã làm giảm đáng kể tại nạn giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước, đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - XH trên phạm vi cả nước trong những năm qua.
Văn Chương (Thực hiện)