Chủ nhật, 24/11/2024 08:41 (GMT+7)
Thứ ba, 06/06/2023 10:02 (GMT+7)

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước có dấu hiệu phức tạp, tỉnh Thanh Hóa sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong vấn đề này.

Có gì làm nấy

Nhìn lại quảng thời gian vừa qua, có thể nói, những giải pháp trong công tác phòng chống đuối nước trẻ em ở Thanh Hóa mamg tính “manh mún”, nhỏ lẻ theo thực tế từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

Qua các vụ việc đuối nước thương tâm gần đây, sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng tránh các nguy cơ tai nạn đuối nước chưa đến được với đối tượng cần tác động là trẻ em và học sinh. Trong khi, chính quyền và các đoàn thể tại các cơ sở địa phương chưa tích cực vào cuộc, chưa xây dựng chủ đề tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước hấp dẫn, cách thức tuyên truyền chưa phù hợp, chưa hiệu quả; nhận thức của người dân về phòng, chống đuối nước chuyển biến còn chậm.

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu (Bài 4) - Ảnh 1
Tại huyện Hậu Lộc, năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 đã có 11 trẻ em bị tai nạn thương tích và đuối nước dẫn đến tử vong. Trong số đó, có 3 trường hợp bị đuối nước ở ao của gia đình, mỏ khai thác đất, cống thoát nước...

Đơn cử như tình trạng các “điểm” tắm tự phát, sau khi xảy ra sự cố đuối nước thì chính quyền cơ sở mới dựng biển báo cảnh báo hoặc cấm. Lý giải về điều này, lãnh đạo xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung cho rằng, địa phương là xã có sông Lèn chảy qua nên luôn tiềm ẩn những nguy cơ về đuối nước. Những năm trước, lực lượng cán bộ ở xã không đủ người để kiêm nhiệm trong khi đó, diễn biến tình trạng đuối nước thì lại phức tạp.

Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: “Từ những sự việc đuối nước xảy ra trên địa bàn, chúng tôi đã kiểm điểm lại để tìm ra các giải pháp, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đuối nước. Do điều kiện địa phương nên hiện nay công tác tuyên truyền, phổ biến là chủ đạo”.

Ngoài ra, để tình trạng đuối nước như hiện nay phải kể đến sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa chặt chẽ, một số gia đình thiếu sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Lý giải về điều này, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá cho rằng: Giáo viên chuyên trách về TDTT ở một số đơn vị còn thiếu, đặc biệt là các trường tiểu học phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình, hoạt động giáo dục thể chất nói chung và hoạt động tổ chức giảng dạy môn bơi nói riêng tại các đơn vị. Bên cạnh đó, kinh phí ngân sách dành cho tổ chức các hoạt động TDTT còn hạn hẹp, công tác xã hội hóa còn hạn chế, đặc biệt các đơn vị ở khu vực Miền núi.

Xử lý nghiêm các sự việc đuối nước nghiêm trọng

Theo thông tin từ Sở LĐTBXH Thanh Hoá, môi trường sống xung quanh trẻ em vẫn còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em, nhiều nơi nguy hiểm (như sông, suối, ao, hồ, mương nước, cống rãnh cấp thoát nước, bể nước, dụng cụ chứa nước, hố công trình v.v...) chưa có biện pháp phòng ngừa thích hợp, không có biển cảnh báo, biển chỉ dẫn, rào chắn, nắp đậy.

Trao đổi với PV, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tới đây tỉnh sẽ giao các huyện, thị, thành chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu (Bài 4) - Ảnh 2
Vụ 5 bé gái đuối nước ở xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa là bài học sâu sắc cần các cấp, các ngành có sự đồng bộ trong công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em.

Đồng thời, địa phương này giao cơ quan công an các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em) khi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn có sai phạm dẫn đến đuối nước ở trẻ em yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh, thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh và các chế tài bồi thường cho gia đình có nạn nhân bị đuối nước theo quy định.

Gắn trách nhiệm với người đứng đầu

Theo thônh tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, để chủ động phòng, chống đuối nước, thời gian tới cần phải phân công cụ thể cho từng phòng, ban, đoàn thể, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được giao

Trong đó, cấp huyện có trách nhiệm phải tổ chức triển khai ngay việc kiểm tra, rà soát, làm rào chắn, san lấp, cắm biển báo, biển cấm, khoanh vùng tại các hố công trình, bãi biển, sông, suối, kênh, đập, ao, hồ, các bến đò ngang, khu vực nước sâu… Chuẩn bị dự phòng các dụng cụ cứu đuối tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích đuối nước trẻ em, nhất là trong dịp hè và mùa mưa lũ. Khuyến cáo mạnh mẽ đến các bậc phụ huynh có trách nhiệm giám sát, quản lý, nhắc nhở con cái, nhất là trong thời gian các em nghỉ hè và trong cả năm học.

Phòng chống đuối nước trẻ em: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu (Bài 4) - Ảnh 3
Tháng 8/2022, một nam sinh chết đuối dưới hố công trình của mỏ khai thác đất đắp đê ở xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc. Theo dư luận, sự việc này cần được điều tra và xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Chủ tịch UBND các xã, huyện, thành, thị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, hiện nay đuối nước ở trẻ em đã được đưa vào là một trong những tiêu chuẩn của chất lượng môi trường sống (tiêu chí số 18 của xây dựng NTM). Bên cạnh đó, nếu địa phương nào xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Cung cấp thông tin với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, phía UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, trường học nếu để xảy ra đuối nước trẻ em tại địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Từ thiện Bloomberg hỗ trợ) tại 17 xã thuộc 05 huyện trên địa bàn tỉnh. Đây là mô hình tăng cường sự tham gia có hiệu quả của các ngành, tổ chức đoàn thể, từ đó tạo thành mạng lưới liên ngành phòng, chống đuối nước. Hỗ trợ các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước phù hợp với 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới; tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em.

Chỉ tiêu cụ thể: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 350/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 300/100.000 trẻ em vào năm 2030; Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 1,6/100.000 trẻ em vào năm 2025 và 1,5/100.000 trẻ em vào năm 2030.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Phòng chống đuối nước trẻ em: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới