Thứ tư, 27/11/2024 16:07 (GMT+7)
Thứ năm, 07/11/2024 12:51 (GMT+7)

Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về tiêu chí cho mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH). Vì vậy, để xác định cấu trúc KTTH trong khu công nghiệp (lKCN) là một khái niệm còn mới mẻ ở Việt Nam, chưa có một KCN nào đã thật sự triển khai rõ ràng được.

Khái niệm về mô hình kinh tế tuần hoàn

Tại Việt Nam, khái niệm về mô hình KTTH được nhắc đến tại Điều 142 của Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Khái niệm KTTH cũng mới được đề cập đến vài năm trở lại đây trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về nhiệm vụ và giải pháp thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững: “Xây dựng và triển khai Đề án tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triểncác doanh nghiệp năng lượng. Phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện nước ta; bảo đảm năng lực tự xử lý các nguồn thải trong các doanh nghiệp năng lượng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường gắn với ngành năng lượng”.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, Điều 142 Khoản 3 cũng chỉ mới đưa ra quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối”.

Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (Bài 2) - Ảnh 1
Hồ điều hòa trong không gian Vườn Nhật tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Căn cứ các quy đinh trên và bản chất khái niệm KTTH, sẽ là cơ sở để xác lập những tiêu chí cho mô hình KTTH tại KCN. Do còn quá mới mẻ, nhiều người còn chưa hiểu rõ, vì vậy việc thực hiện là vô cùng khó, đầy thách thức và rủi ro. Bởi khi triển khai sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề, như:

- Lợi nhuận và chi phí giữa chủ đầu tư KCN và các doanh nghiệp trong KCN.

- Giữa khối lượng các nguồn thải và khả năng xử lý nguồn thải, giữa khả năng sản xuất năng lượng mới với công nghệ tiên tiến để tạo ra các chuỗi cộng sinh tuần hoàn trong KCN.

- Khả năng đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực về kinh tế và nhân lực.

- Sự đồng lòng của lãnh đạo KCN với nhà đầu tư trong KCN và các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư trong và ngoài KCN.

- Hành lang cơ chế chính sách...

Lịch sử và bản chất của kinh tế tuần hoàn

Với nền kinh tế truyền thống (Linear Economy – kinh tế tuyến tính), nguyên liệu thô được khai thác từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế và kết thúc chu trình kinh tế là thải loại ra môi trường tự nhiên. Một cách ngắn gọn, có thể nói đây chính là quá trình biến tài nguyên thành chất thải, do đó tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Kinh tế tuyến tính, dựa vào thác tài nguyên để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, là cách thức đã đem đến sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và nâng cao mức sống của con người trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế ngày càng mở rộng và tài nguyên dần cạn kiệtthì cách thức phát triển ấy không thể duy trì. Hơn nữa, môitrường suy thoái do chất thải gia tăng thì bản thân chất lượng cuộc sống của con người cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, các thành tựu của phát triển kinh tế vì thế cũng sẽ không còn nhiều giá trị.

Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (Bài 2) - Ảnh 2

Từ thực tế trên, mô hình KTTH là phù hợp để đáp ứng xu thế nền kinh tế hiện nay. KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính (line economy) chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và thải bỏ ra môi trường sau tiêu dùng, dẫn đến việc tạo ra một lượng chất thải khổng lồ thì KTTH (circular economy) chú trọng vấn đề quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, chất thải được tái sử dụng, tái chế hướng đến không thải ra môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế. Việc tái tuần hoàn chất thải được thực hiện bằng nhiều hình thức từ khâu thiết kế, quá trình sản xuất, kéo dài tuổi thọ sản phẩm, thu hồi chất thải để tái sử dụng, tái chế, nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác dựa trên nguyên tắc mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho doanh nghiệp.

Định nghĩa về KTTH được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hiện nay là “một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó” (Ellen MacArthur Foundation, 2012).

Như vậy, có thể thấy, KTTH là những mô hình, trong đó các nguồn tài nguyên thiên nhiên đầu vào được tận dụng lại hoặc tái sử dụng và tái chế sau quá trình tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, các dòng vật chất dạng chất thải trở thành nguyên liệu đầu vào để tiếp tục sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Hoạt động này được thực hiện bởi sự tiến bộ của khoa học công nghệ, thúc đẩy của thị trường và nhất là những chính sách hỗ trợ, khuyến khích của các quốc gia và quốc tế trong bối cảnh khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (Bài 2) - Ảnh 3
Hệ thống xử lý nước thải tại KCNST Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng)

Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết được nhiều nội dung trong mục tiêu của phát triển bền vững (SDGs), giúp các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu đầu vào và giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường đem lại hiệu quả kinh tế tổng thể lớn nhất. Chính vì vậy, xu hướng của các quốc gia trên thế giới hiện nay đang chuyển đổi từ mô hình kinh tế đường thẳng (kinh tế tuyến tính) sang mô hình KTTH, điều này lý giải vì sao một số nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan thiếu chất thải nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, thực hiện mô hình KTTH thông qua tái sử dụng, tái chế chất thải và nguyên vật liệu tạo ra công ăn việc làm và tiết kiệm năng lượng, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, hướng đến giảm thải bằng không.

Mô hình KTTH vận hành như một chu trình khép kín, trong đó tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua việc thu hồi, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải vì mục đích kinh tế. Đây là một mô hình ưu việt dựa trên nguyên lý cân bằng vật chất, loại bỏ việc đưa chất thải ra môi trường, hướng đến chất thải ra môi trường bằng không. Như vậy sẽ giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên và không gây ô nhiễm môi trường do động lực kinh tế.

Về bản chất, cần hiểu rõ, KTTH không phải là xử lý chất thải, ngược lại, KTTH hướng tới việc “thiết kế chất thải” (Designing waste), tức là các quy trình sản xuất phải thay đổi ngay từ đầu, tính toán sao cho chất thải tạo ra sẽ có thể được tái sử dụng, tái chế ở mức độ cao nhất, trở lại thành đầu vào cho sản xuất.

KTTH không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà trong một nền kinh tế có chứa nhiều mô hình KTTH (mô hình tuần hoàn vật liệu trong sản xuất sản phẩm, mô hình tuần hoàn trong chuỗi cung ứng, mô hình tuần hoàn trong tiêu dùng, trong cả những hành động nhỏ nhất,…).

Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn

Phát triển KTTH trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt. Trong những năm gần đây, một số quốc gia đã tiên phong trong việc tái sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn như: Thụy Điển, Anh, Pháp, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ, Phần Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…

Tại châu Âu, để thực hiện KTTH, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia loại hình kinh tế này. Theo ước tính, tại châu Âu, KTTH có thể tạo ra lợi ích khoảng 600 tỷ Euro mỗi năm, tạo ra 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Thụy Điển là một trong những điểm sáng về phát triển KTTH. Tại quốc gia này, Chính phủ đã thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp (DN) song hành với việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bằng việc đánh thuế cao các loại chất thải, đồng thời, có chính sách ưu đãi với sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học… Nhờ đó, Thụy Điển đã tái chế 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Thụy Điển đã phát triển triết lý KTTH hoàn của mình lên tầm cao mới với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất”.

Tại châu Á, Singapore trở thành một điển hình về thúc đẩy KTTH từ rất sớm. Là đảo quốc với nguồn lực tự nhiên rất hạn chế, nên ngay từ năm 1980, nước này đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày. Với 10% lượng rác thải còn lại, Singapore đã sáng tạo biến chúng thành một hòn đảo rác Semakau - “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên thế giới - đã ra đời. Những việc làm này của Chính phủ Singapore nhằm hướng đến một xã hội không còn rác thải, mọi thứ đều được tái chế, đúng theo một trong những nguyên tắc hàng đầu của kinh tế tuần hoàn.

Trung Quốc cũng là quốc gia điển hình về tiếp cận mô hình KTTH sau một thời gian sử dụng quá lãng phí các nguồn lực tự nhiên và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường. Năm 2008, Trung Quốc đã thông qua dự luật liên quan đến nền KTTH. Năm 2018, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác KTTH. Năm 2019, hợp tác liên lục địa gồm 200 DN của các quốc gia trên thế giới và của Trung Quốc đã cam kết nền KTTH về nhựa… Trung Quốc xây dựng 3 khâu để phát triển KTTH gồm: vòng tuần hoàn nhỏ (thực hiện ở quy mô nhà máy và KCN); vòng tuần hoàn vừa (mở rộng quy mô hơn) và vòng tuần hoàn lớn (thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế). Nền KTTH ở Trung Quốc được xây dựng theo lộ trình cụ thể, từ việc xác định quan niệm phát triển đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn đến thông qua hệ thống pháp luật có tính bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

KTTH không phải là mục tiêu hướng đến mà là cách thức, là con đường để hướng đến phát triển bền vững. Vì thế, chưa có tiêu chí nào để xác định hay đánh giá một quốc gia, một thành phố “đã là KTTH hay chưa”. Các chỉ tiêu, chỉ số về KTTH hiện nay là các chỉ tiêu để theo dõi quá trình thực hiện KTTH, chứ không phải để đánh giá, xếp hạng.

Mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay, có thể nhận thấy nhiều hoạt động thành phần tạo cơ hội để xây dựng mô hình KTTH trong KCN, ví dụ như hoạt động tái chế và tái sử dụng chất thải trong và ngoài doanh nghiệp, hoạt động sản xuất sạch hơn (với số lượng doanh nghiệp tham gia thực hiện không nhiều, dù đã được giới thiệu ở Việt Nam từ 20 năm trước), sử dụng hiệu quả năng lượng. Các hoạt động này đã mang lại các lợi ích tài chính cho doanh nghiệp nhưng chưa phải là mô hình KTTH.

Để từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang KTTH, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện phát triển mô hình KTTH.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng và túi ni-lông không phân hủy; xây dựng mô hình hướng tới nền KTTH "nói không với rác thải nhựa và ni-lông không phân hủy", đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường.

Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (Bài 2) - Ảnh 4

Thời gian gần đây ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình mới tiến tới gần hơn với nền KTTH như mô hình KCN sinh thái; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam… Mặc dù vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực công nghệ, tái sử dụng. Người dân và cả doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể cho phát triển KTTH, thách thức này cần được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển KTTH cũng chỉ là mang tính tự phát và chịu sự điều chỉnh của thị trường…

Ðồng quan điểm nêu trên, các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng Việt Nam cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển KTTH. Cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển KTTH từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, tiêu chí của mô hình, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam.

Việc phát triển KTTH cần dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận KTTH, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực nhưng phải dựa trên các mô hình đã có như các mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải) được triển khai ở nước ta thời gian qua.

Tiếp tục đẩy mạnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công KTTH, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch và vận chuyển để đưa vào tái chế, nhất là việc phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, trở thành tiêu chí đánh giá văn hóa đối với mỗi người dân…

Hiệu quả kinh tế và môi trường khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (Bài 2) - Ảnh 5

Môi trường: Thể hiện qua các chỉ số có tác động trực tiếp đến hệ sinh thái như khí thải, nước thải, hiệu quả quản lý từ nguyên liệu đầu ra và sản xuất và tiêu dùng.

Quản trị: Các chỉ số liên quan đến giáo dục, nâng cao năng lực và quy định, phương pháp cách thức thực hiện

Kinh tế và kinh doanh: Bao gồm các chỉ số được biểu thị bằng đơn vị tiền tệ như giá trị gia tăng của nền KTTH và đầu tư công vào các dự án nền KTTH, cũng như các chỉ số tập trung đặc biệt vào các hoạt động được thực hiện bởi và trong các công ty.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ: Bao gồm tất cả các chỉ số nhằm đo lường sự tồn tại của các công cụ, công nghệ và không gian thúc đẩy nền kinh tế chu chuyển.

Việc làm: Thu thập các chỉ số liên quan đến việc làm và nguồn nhân lực. kỳ vọng sẽ tạo ra việc làm, giảm tác động tiêu cực đến môi trường đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội; thiết lập các ưu tiên, phân bổ nguồn lực tài chính và kích thích đổi mới và hợp tác;

Các quy trình sản xuất có thể được hưởng lợi từ việc tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên;

Thiết kế các chiến lược KTTH và hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết lập các ưu tiên chính sách trong xây dựng mô hình hiệu quả;

Nâng cao nhận thức về nền kinh tế chu chuyển và các cơ hội liên quan; Đo lường tiến độ và tác động của các sáng kiến liên quan đến KTTH có thể giúp nâng cao nhận thức về các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.

Đo lường tất cả các nguồn tài chính tiết kiệm được trong một số hành động thông thường (ví dụ: tiền tiết kiệm được so với mua mới) thông qua việc tái sử dụng vật liệu xây dựng; giảm chi phí thông qua việc thực hiện mua sắm xanh; và tiết kiệm kinh tế do việc tái sử dụng đồ đạc của chính quyền địa phương và giảm thiểu chất thải.

Nâng cao năng suất đo lường lượng sản lượng kinh tế tạo ra trên một đơn vị nguyên vật liệu.

Lợi nhuận và doanh thu trên các sản phẩm tuần hoàn và lợi ích kinh tế do giảm tác động kỹ thuật số; tăng sản phẩm xanh quốc nội.

Những hạn chế phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp ở Việt Nam

Thực trạng hiện nay, một số KCN vẫn còn tồn tại các vấn đề chưa chú trọng bảo vệ môi trường, như hiện vẫn còn 10% số KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Với KCN vẫn còn nhiều hạn chế liên kết giữa các doanh nghiệp thứ cấp, nguồn tài nguyên sử dụng chưa hiệu quả và chưa chú trọng trong đảm bảo các vấn đề về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Các hoạt động của một số doanh nghiệp còn chưa đầu tư hiệu quả, làm gia tăng chất thải nguy hại, ô nhiễm nguồn nước do đầu tư chưa đúng theo quy định và không có các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trong, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh KCN, giảm sức cạnh tranh và tốc độ thu hút.

Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (Bài 2) - Ảnh 6
Điện mặt trời áp mái tại KCN DEEP C. 

Về cơ chế:

Thiếu hụt về cơ sở pháp lý cho sự phát triển của KTTH ở Việt Nam và các thông tin, hướng dẫn về các phương pháp tiếp cận xây dựng mô hình KTTH trong doanh nghiệp.

Thiếu các chính sách toàn diện và chế độ hỗ trợ phù hợp để phát triển mô hình KTTH trong một hệ thống nhỏ.

Chưa có tiêu chí nhận dạng và phân loại mô hình KTTH nói chung và KCN nói riêng....

Sự phối hợp các bên liên quan vẫn dựa trên lợi ích kinh tế. Điều này cần được thay đổi trong tư duy doanh nghiệp trên cơ sở thiết kế, tìm kiếm những mô hình tiêu biểu để lan tỏa. Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp, nhất là trong cùng một KCN.

Các khó khăn khác

Thiếu vắng thị trường chất thải và nguyên liệu từ chất thải, ví dụ như thị trường vật liệu và sản phẩm có thể tái chế, xúc tiến năng lượng tái tạo,...

Khả năng tận dụng chất thải của Việt Nam còn nhỏ, phụ thuộc vào các công nghệ sẵn có và cần thiết phải thay đổi hệ thống quản lý chất thải. Cần thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường.

Các khó khăn trong việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp trên cơ sở các dòng vào, dòng ra của doanh nghiệp

Công nghệ sản xuất và máy móc hầu hết ở mức trung bình, lạc hậu cần được thay thế phù hợp với các yêu cầu của KTTH.

Bài 3: Định hướng và giải pháp thiết lập kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái

Nhóm tác giả:

TS. Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư KCNST Nam Cầu Kiền

Doanh nhân Đặng Việt Bách, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Luyện thép Cao cấp Việt Nhật

Nhà báo Nguyễn Thiệu Anh, nguyên Viện trưởng Viện IOHEC

Cùng các cộng sự

Bạn đang đọc bài viết Phương thức kinh tế tuần hoàn trong mô hình khu công nghiệp sinh thái (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới