Chủ nhật, 24/11/2024 07:36 (GMT+7)
Thứ tư, 03/08/2022 14:14 (GMT+7)

Quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Bài báo này trích từ nghiên cứu về “đốt chất thải và quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ Sumitomo.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đối mặt với khủng hoảng chất thải rắn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, hệ thống quản lý chất thải đã đạt được những thành công lớn mà nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm. Một trong những quốc gia quản lý chất thải rắn thành công đó là Nhật Bản.

Bài báo này trích từ nghiên cứu về “đốt chất thải và quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” được tài trợ bởi Quỹ Sumitomo, sẽ đề cập tới các nội dung liên quan tới lịch sử quản lý chất thải ở Nhật Bản, quá trình áp dụng phương pháp đốt chất thải, tác động xã hội và môi trường của nó, so sánh hệ thống quản lý chất thải rắn ở hai nước và cuối cùng là gợi ý bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản

Nền kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh chóng từ những năm 1970. Người dân ở các khu vực xung quanh bãi rác đã phản đối việc đưa chất thải vào bãi chôn lấp. "Cuộc chiến chống chất thải" được tuyên bố bởi Thống đốc Thủ đô Tokyo vào tháng 9 năm 1971, ông cho rằng cuộc khủng hoảng chất thải sắp xảy ra đang đe dọa cuộc sống của người dân Tokyo.

Thống đốc đưa ra tuyên bố rằng chính quyền thành phố sẽ thực hiện các biện pháp quản lý chất thải hiệu quả, bao gồm thúc đẩy xây dựng các nhà máy xử lý chất thải và bãi chôn lấp. Mọi thứ cuối cùng bắt đầu chuyển sang hướng giải quyết nhằm đạt được kết quả của việc thực hiện các chiến lược như vậy. “Cuộc chiến chống chất thải” đã nâng cao nhận thức rằng chất thải là một vấn đề nghiêm trọng đối với cuộc sống hằng ngày của mọi người.

Do đó, người dân nhận ra tầm quan trọng của việc cùng hợp tác giữa họ và các tổ chức chính phủ để thúc đẩy quản lý chất thải và các chiến lược sau đó đã được thực hiện nhằm khuyến khích sự hình thành và phát triển của các cơ sở quản lý chất thải thân thiện với môi trường.

Quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 1
Người dân quận Koto chặn những xe rác từ quận Suginami (Ảnh: internet).

Đạo luật Quản lý Chất thải được sửa đổi vào năm 1976 sau 5 năm thực hiện. Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở quản lý chất thải hoạt động tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý trên khắp các khu vực ở Nhật và góp phần nâng cao năng lực của các cơ sở đó. Trong thời kỳ này, để ngăn ngừa ô nhiễm, tăng hiệu quả đốt rác và thúc đẩy việc xử lý và tiêu hủy chất thải một cách hợp lý, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập các quy tắc phân loại và thu gom chất thải (chẳng hạn như gom riêng chất thải dễ cháy, chất thải khó cháy, nhựa và cao su phế liệu) trong các kế hoạch quản lý chất thải do chính quyền địa phương xây dựng dựa trên luật pháp, từ đó thúc đẩy việc thu gom chất thải đã phân loại.

Vào những năm 1980, lượng chất thải tăng nhanh đã gây ra tình trạng thiếu bãi chôn lấp và việc ngăn chặn thiêu hủy chất thải dễ cháy trở nên khó khăn hơn. Lúc này, ở Nhật Bản, đốt chất thải trước khi chôn lấp được xem là phương pháp xử lý điển hình nhằm đảm bảo cả việc quản lý hợp vệ sinh và giảm khối lượng. Nhiều kế hoạch xây dựng các nhà máy đốt chất thải gần các khu dân cư đã được công bố. Nhưng các cuộc biểu tình phản đối việc xây dựng các nhà máy đốt chất thải gia tăng ở nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản do người dân ngày càng lo ngại rằng việc đốt rác thải có chứa nhựa, đặc biệt là vinyl clorua, sẽ tạo ra điôxin và khí thải từ các nhà máy sẽ gây hại cho sức khỏe của cư dân gần đó. Điều này đã biến thành một vấn đề được cả xã hội công nhận khi các tổ chức tiêu dùng phát động tẩy chay các sản phẩm vinyl clorua. Xã hội Nhật Bản vốn đã mất lòng tin sâu sắc vào việc xử lý chất thải do các vụ cố ý đổ rác bất hợp pháp từ những năm 1980 và vấn đề dioxin.

Do sự gia tăng không ngừng của chất thải rắn, để cung cấp các giải pháp toàn diện cho những vấn đề đó, chính phủ Nhật Bản đã chuyển trọng tâm của các chính sách sang việc giảm thiểu phát sinh chất thải. Trong bản sửa đổi năm 1991 của Đạo luật Quản lý Chất thải, việc giảm thiểu phát sinh chất thải đã được thêm vào như một mục đích của đạo luật, cùng với việc thu gom và tái chế chất thải đã phân loại. Ngoài ra, Đạo luật Tái chế Cơ bản năm 2000 cũng cung cấp một tầm nhìn rõ ràng về một xã hội tuần hoàn vật chất lành mạnh, được thiết kế để giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên cũng như giảm tác động đến môi trường; nó cũng thể hiện các nguyên tắc cơ bản để thiết lập một xã hội tuần hoàn vật chất lành mạnh, bao gồm xác định thứ tự ưu tiên bắt buộc đối với tái chế tài nguyên và quản lý chất thải, đó là (i) giảm phát sinh; (ii) tái sử dụng; (iii) tái chế; (iv) thu hồi nhiệt; và (v) thải bỏ hợp lý.

Các biện pháp táo bạo đã được đưa ra để ứng phó với tình hình trong năm 1997 và 2000, bao gồm tăng cường trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh có phát sinh chất thải, củng cố hệ thống công khai thống kê chất thải, đưa ra hình phạt lên tới 100 triệu yên (tương đương 1 triệu đô la Mỹ) đối với hành vi đổ rác bất hợp pháp và tăng cường các biện pháp kiểm soát dioxin tại các nhà máy đốt rác. Có nhiều đạo luật khác, đặc biệt là Đạo luật Tái chế Thực phẩm và Đạo luật Quản lý Chất thải cùng ban hành năm 2000, trong đó thúc đẩy các biện pháp 3R nhằm thiết lập một xã hội tuần hoàn vật chất lành mạnh, tăng cường quản lý chất thải công nghiệp và nâng cao quy định về chôn lấp bất hợp pháp. Quy định Quốc gia về thúc đẩy 3R được Bộ Môi trường phối hợp với Diễn đàn Xúc tiến 3R và các chính quyền địa phương tổ chức hằng năm nhằm tạo cơ hội tập hợp người tiêu dùng, các nhà quản trị doanh nghiệp và nhân viên chính phủ để cùng nhau thảo luận các yếu tố liên quan đến việc thành lập một xã hội tuần hoàn vật chất lành mạnh và giúp các cá nhân xem xét lại lối sống của họ.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát phát thải từ lò đốt đặc biệt được chú trọng. Kể từ khi phát thải diôxin được báo cáo vào năm 1983, chúng đã được phát hiện trong tro bay của các cơ sở đốt rác thải ở Nhật Bản. Do các báo cáo như vậy, sự chú ý của công chúng được hướng đến các biện pháp kiểm soát phát thải diôxin trong các cơ sở đốt rác thải vào cuối năm 1983. Sau đó, ảnh hưởng của diôxin đối với sữa mẹ đã được báo cáo tại một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Kyoto năm 1994.

Ô nhiễm đất cao tập trung tại các khu vực xung quanh các lò đốt đã được phát hiện trong và xung quanh thành phố Tokorozawa, tỉnh Saitama. Các sự cố như vậy đã làm dấy lên mối lo ngại của công chúng đối với các vấn đề về chất độc da cam. Lo lắng về điôxin phát ra bởi các cơ sở đốt rác thải làm tăng mối quan tâm của người dân đối với các cơ sở đốt rác, tạo động lực cho các phong trào phản đối việc xây dựng các cơ sở đốt rác.

Vụ kiện yêu cầu các lò đốt rác ở thị trấn Shintone, tỉnh Ibaraki phải đóng cửa và vụ kiện liên quan đến ô nhiễm điôxin nồng độ cao tại một lò đốt rác ở thị trấn Nose, Osaka là ví dụ cho các phong trào phản đối. Do vậy, số lượng lò đốt rác ở Nhật đã và đang giảm dần, từ 1318 lò đốt rác năm 2005 xuống còn 1221 năm 2010 và xuống còn 700 vào năm 2019. Dioxin là chất được sinh ra trong quá trình đốt rác nhựa. Trong số 200 hợp chất dioxin thì có 29 chất là chất độc. Nguồn phát sinh dioxin có thể từ lò đốt của các nhà máy sản xuất thép, khói thuốc lá, phương tiện giao thông, nhưng chủ yếu là từ các lò đốt rác [MOE, 2014].

Nỗ lực thực hiện 3R và chương trình kiểm soát điôxin đã đạt được các kết quả đặc biệt ấn tượng (Hình 1) bao gồm (i) lượng rác thải phải xử lý cuối cùng giảm từ 20 triệu tấn năm 1980 xuống 4,6 triệu tấn năm 2012 đối với rác thải đô thị và từ 91 triệu tấn năm 1985 xuống còn 12 triệu tấn năm 2011 đối với rác thải công nghiệp [MOE, 2014]; (ii) lượng phát thải điôxin và các hợp chất tương tự điôxin (DLCs) ở Nhật Bản đã giảm thành công từ 5.000 gam năm 1997 xuống còn 64 gam năm 2004, giảm 98% [UNEP,2013].

Quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 2
Hình 1: Kết quả ấn tượng từ chương trình 3R ở Nhật Bản.

Do yêu cầu đóng cửa các nhà máy đốt chất thải trong nước, Nhật tìm cách đưa công nghệ này ra nước ngoài. Năm 1998, Nhật Bản đã cung cấp cho Thái Lan 117,562 triệu yên trong các khoản vay phát triển kinh tế. Tổ chức Greenpeace của Thái Lan cho rằng Nhật Bản đang sử dụng các khoản vay này làm đòn bẩy để xây dựng các lò đốt rác do Nhật Bản thiết kế tại Thái Lan. Tổ chức Greenpeace Thái Lan cũng công bố rằng các nghiên cứu cho thấy một số hóa chất tồn dư trong cơ thể người dân Nhật đe dọa đến tính mạng ở mức cao nhất như điôxin là do hậu quả của việc phổ biến đốt rác ở Nhật mà hiện nay không được khuyến khích.

Tháng 1 năm 2000, tổ chức Greenpeace Thái Lan đã công bố một báo cáo khoa học tìm thấy các chất độc hại trong tro thải bên cạnh cơ sở đốt rác ở Phuket. Nghiên cứu cho thấy mức độ cao của các kim loại nặng độc hại như chì, cadmium và đồng trong tro lò đốt được chôn trong các bãi chôn lấp hở. Mức độ chì và cadmium trong tro của lò đốt rác ở Phuket cao hơn 30 đến 100 lần so với mức cho phép. Ayako Sekine, nhà vận động chống độc của tổ chức Greenpeace Nhật Bản hiện đang ở Thái Lan, nói: "Thật mỉa mai là sau khi gây ô nhiễm Nhật Bản, các công ty lò đốt của Nhật Bản được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đã và đang đưa thương mại độc hại của họ đến các quốc gia châu Á nghèo như Thái Lan. Nhật Bản nên hỗ trợ Thái Lan tiến tới chương trình giảm thiểu, phân loại và tái chế chất thải" [i].

Không chỉ đưa công nghệ đốt rác sang Thái Lan, hiện nhiều nhà đầu tư của Nhật đang phát triển công nghệ đốt rác phát điện ở Việt Nam và nhiều nước khác. Chất thải nhựa có hàm lượng carbon tương tự dầu và thấp hơn một chút so với than, công nghệ này có thể giúp giảm lượng nhựa nhưng việc thực hiện nó trên quy mô lớn có thể làm tổn hại tới các nỗ lực quốc gia chống lại phát thải gây biến đổi khí hậu [ii].

Hiện trạng phát sinh và quản lý chất thải rắn ở Việt Nam

Số liệu thống kê [MoNRE, 2019] cho thấy từ năm 2010 đến năm 2018, khối lượng chất thải rắn đô thị (MSW) được tạo ra với tốc độ tăng bình quân khoảng 12% mỗi năm. Năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh khoảng 42.789 tấn/ngày; năm 2018 tăng lên khoảng 61.600 tấn/ngày (khu vực thành thị khoảng 37.200 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 24.400 tấn/ngày). Các địa phương có lượng CTRSH trên 6.000 tấn ngày chiếm 3,17%, trên 1.000 tấn ngày chiếm 7,9%, trên 600 tấn ngày chiếm 23,8%, trên 200 tấn ngày chiếm 36,5% và ít hơn hơn 200 tấn ngày chiếm 28,6%.

CTRSH gia tăng đáng kể ở các địa phương có tốc độ phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa và du lịch nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh (9.128 tấn/ngày), Thủ đô Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.246 tấn/ngày), Đà Nẵng (1.168 tấn/ngày), Đồng Nai (1.838 tấn/ngày), Cần Thơ (605 tấn/ngày), chiếm khoảng 50% lượng CTRSH phát sinh trong cả nước.

Chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam có thành phần chủ yếu là rác hữu cơ (khoảng 60%), rác có khả năng tái chế khoảng 20%, rác còn lại cần phải chôn lấp khoảng 20%. Như vậy nếu không phân loại rác thì việc đốt rác hỗn hợp có nhiệt trị rất thấp. Hiện nay rác hỗn hợp chủ yếu đang được chôn lấp.  Chất thải nhựa khó phân hủy trong rác hỗn hợp đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý CTRSH, với số liệu ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp CTRSH khoảng từ 6 đến 8%.

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa triển khai phân loại rác tại nguồn một cách chính thức trên toàn quốc. Hầu hết chất thải được gom chung và chở lên bãi chôn lấp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 69% lượng CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20% được sử dụng để làm phân vi sinh, 11% áp dụng công nghệ đốt rác phát điện. Việc phân loại rác mới chỉ được thực hiện thí điểm rải rác ở một số tỉnh thành. Chẳng hạn, năm 2017 và 2018, tỉnh Bình Dương đã triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn với quy mô cấp tỉnh ở các cơ quan, trung tâm thương mại dọc tuyến Quốc lộ 13 và quy mô cấp huyện ở một vài xã phường của thị xã Dĩ An, Thuận An, Bến Cát và thành phố Thủ Dầu Một.

Kết quả là tỷ lệ phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 90% tại một số địa điểm như khu phố Nhị Đồng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, ở các tỉnh khác nhau, rác được phân loại theo những cách rất khác nhau, không nhất quán và không tuân theo nguyên tắc quản lý chất thải rắn tối ưu, theo đó rác hữu cơ cần phải được tách riêng. Ở Đà Nẵng, rác được phân thành bốn loại là rác có thể bán được để tái chế, rác nguy hại, rác xây dựng cồng kềnh và rác còn lại. Quy định phân loại rác này chỉ giúp Đà Nẵng thu hồi được một phần nhỏ rác tái chế và tối đa chỉ chuyển hướng được 18% lượng rác khỏi bãi chôn lấp hoặc lò đốt. Tính chung cả nước thì lượng rác chôn lấp chiếm khoảng 71%, lượng làm phân vi sinh chiếm khoảng 16% và đốt 13% [MoNRE, 2019].

Quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 3
Đốt rác ở một khu tập kết rác Đà Nẵng (ảnh: Quách Thị Xuân, 5/2020).

Liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý chất thải rắn, tính đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm: 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh). Hầu hết trong số 381 lò đốt CTRSH ở Việt Nam đều là lò đốt quy mô nhỏ, không thu hồi năng lượng. Số lượng lò đốt ở Việt Nam tăng nhanh, từ 4 lò năm 2000 lên 208 lò năm 2015 và 381 lò năm 2018. Một vài lò đốt rác phát điện đã và đang được xây dựng ở Cần Thơ (đang tiếp nhận khoảng 450 tấn rác/ngày với lượng tro xỉ chiếm khoảng 25% lượng chất thải đầu vào), Hà Nội (nhà máy đốt rác công suất 4.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đang được đẩy nhanh xây dựng, dự kiến hoạt động vào năm 2022, Nhà máy đốt rác công suất 1.500 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, dự kiến hoạt động từ tháng 4 năm 2023), Bắc Ninh, Đà Nẵng, Huế .v.v. Các lò đốt này có thể sẽ là những điểm phát thải khí nhà kính lớn của Việt Nam (vì nhựa được coi là một loại than mới [iii]) và là nguồn phát thải khí độc như dioxin và furan [GAIA, 2020].

Tương tự như Nhật Bản những năm trước, khung pháp lý về quản lý chất thải rắn của Việt Nam liên tục được thay đổi. Luật bảo vệ môi trường được ban hành và sửa đổi vào các năm 1993, 2005, 2014 và 2020. Bản mới nhất đã có nhiều quy định tiến bộ, bao gồm quy định bắt buộc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn thành ba loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại; quy định về việc nhập khẩu phế liệu, quy định về thu gom phí rác thải dựa trên khối lượng; quy định giảm nhựa sử dụng một lần; quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; quy định về kinh tế tuần hoàn… Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.

Tóm lại, có thể thấy rằng quản lý chất thải rắn ở Việt Nam còn một số vấn đề tồn tại:

Quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 4
Đốt rác ở một khách sạn trong thời gian đón khách cách ly vì Covid 19 (ảnh: Quách Thị Xuân, 11/2021 tại Tây Ninh).

1. Lượng chất thải phát sinh bình quân đầu người rất lớn (1kg/người/ngày) do chưa có chính sách khuyến khích giảm phát thải, phí rác thải dựa trên khối lượng chưa được áp dụng nên người dân không có động cơ để phân loại và giảm thiểu rác.

2. Người dân chưa có thói quen phân loại tại nguồn nên hầu hết chất thải được gom chung và xử lý tập trung bằng cách chôn lấp. Các bãi rác đang ở tình trạng quá tải trong khi thói quen sử dụng nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần đã ăn sâu vào văn hóa tiêu dùng. Lượng tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh chóng từ 3.8kg/người vào năm 1990 lên 63kg/người năm 2019, trong đó hơn 37% nhựa được dung trong ngành bao bì, thường là bao bì khó tái chế.

3. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất chưa đủ để hỗ trợ việc phân loại, thu gom và xử lý riêng rác sau khi phân loại. Một vài địa phương thực hiện thí điểm phân loại rác nhưng không thu gom và xử lý riêng đã làm người dân mất niềm tin khi công nhân môi trường gom chung rác đã phân loại của họ.

4. Khung pháp lý tiến bộ về quản lý chất thải rắn chỉ mới được ban hành, cần thời gian để thực hiện có hiệu quả. Rất có thể Việt Nam sẽ phải mất hàng chục năm để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm để đạt tới trạng thái quản lý chất thải rắn một cách tốt nhất.

So sánh hệ thống quản lý chất thải của Việt Nam và Nhật Bản

Sau khi nghiên cứu lịch sử quản lý chất thải ở Nhật Bản và hiện trạng quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, có thể thấy rằng hệ thống quản lý chất thải rắn của Việt Nam đi sau Nhật Bản vài chục năm. Ví dụ, Đạo luật Làm sạch Công cộng đầu tiên của Nhật Bản là năm 1954 nhưng Luật Bảo vệ Môi trường đầu tiên của Việt Nam là vào năm 1993 (sau hơn 40 năm), tình trạng thiếu bãi chôn lấp ở Nhật Bản đã xảy ra vào những năm 1980 nhưng vào khoảng những năm 2010 đối với trường hợp của Việt Nam (diễn ra sau 30 năm). Tuy nhiên, khoảng cách này đã dần được thu hẹp.

Quy định xử lý rác thải hữu cơ hoặc thực phẩm đã được giải quyết ở Nhật Bản vào năm 2000, còn Việt Nam bắt đầu đề cập đến việc giải quyết vấn đề trong lần sửa đổi thứ 4 của Luật Bảo vệ Môi trường (chỉ sau 20 năm). Đặc biệt, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ở Việt Nam đã được ban hành, quy định này đối với thiết bị điện, điện tử chỉ sau Nhật 12 năm, còn quy định đối với phương tiện giao thông thì chỉ ra sau Nhật 5 năm.

TT

Sự kiện ở Nhật Bản

Thời gian

Sự kiện ở Việt Nam

Thời gian

1

Thiếu bãi chôn lấp rác

1980s

Tình trạng quá tải ở các bãi chôn lấp

2010s

2

Luật giữ sạch nơi công cộng

1954

-

na

3

Luật quản lý chất thải rắn lần 1

1971

Luật bảo vệ môi trường thứ 1

1993

4

Luật quản lý chất thải rắn lần 2

1976

Luật bảo vệ môi trường thứ 2

2005

5

Luật quản lý chất thải rắn lần 3

1991

Luật bảo vệ môi trường thứ 3

2014

6

Luật tái chế bao bì và hộp đựng thực phẩm

1995

7

Luật quản lý chất thải rắn thứ 4

1997

Luật bảo vệ môi trường thứ 4

Quy định phân loại chất thải rắn tại nguồn theo 3 loại (hữu cơ, tái chế, còn lại)

2020

8

Luật về các biện pháp đặc biệt chống đioxin

1999

9

Luật cơ bản để xây dựng một xã hội tuần hoàn vật chất lành mạnh

2000

10

Luật tái chế chất thải xây dựng

2000

11

Luật tái chế chất thải thực phẩm

2000

12

Luật quản lý chất thải rắn lần thứ 5

2000

13

Luật tái chế phương tiện ô tô-xe máy

2002

Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất áp dụng cho ngành hang  phương tiện giao thông

2027

14

Luật quản lý chất thải rắn lần thứ 6

Luật quản lý chất thải rắn lần thứ 7

Luật quản lý chất thải rắn lần thứ 8

2003

2006

2010

15

Luật tái chế các thiết bị điện gia dụng

2013

Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất áp dụng cho ngành hang thiết bị điện-điện tử

2025

Rác sinh hoạt đô thị chưa được phân loại tại nguồn ở Việt Nam trong khi ở Nhật Bản đã thực hiện từ năm 2000. Ở một số nơi của Nhật Bản, rác thải được phân loại thành 45 loại, nhưng trong các dự án thử nghiệm ở Việt Nam rác thường được phân thành 2 loại (tái chế và loại còn lại) hoặc 3 loại (rác tái chế, rác thải độc hại, và phần còn lại).

Các lò đốt chất thải được xây dựng hàng loạt ở Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990, hiện số lượng lò đốt rác ở Nhật đã và đang giảm dần do phải đóng cửa, trong khi các nhà đầu tư quốc tế và quốc gia bắt đầu xúc tiến các lò đốt/đốt rác phát điện ở Việt Nam từ những năm 2010. Một số lò đốt lớn và hàng trăm lò đốt nhỏ ở khắp Việt Nam đã và đang sử dụng chất thải hỗn hợp làm đầu vào, trong đó có một phần lớn chất thải nhựa.

Trong khi Nhật Bản đã ban hành Đạo luật về các biện pháp đặc biệt chống lại dioxin từ năm 1999 vì họ nhận thấy vấn đề nghiêm trọng của việc phát thải dioxin từ các lò đốt chất thải thì tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam, lò đốt rác mini được coi là giải pháp đúng đắn để xử lý chất thải rắn sinh hoạt [iv]. Thông tin này tràn ngập trên các trang báo điện tử và một số địa phương còn khuyến khích những nơi khác xây dựng những công trình tương tự mà không biết rằng đây là các nguồn phát thải dioxin, furan và khí nhà kính.

“Cuộc chiến chống chất thải” ở Tokyo Metropolitan năm 1971 đã nâng cao nhận thức rằng chất thải là một vấn đề nghiêm trọng đối với cuộc sống hằng ngày của người dân. Kết quả là, mọi người nhận ra tầm quan trọng về sự tham gia có ý nghĩa của tất cả các bên liên quan (chính quyền, người dân, chủ cơ sở kinh doanh) trong việc giải quyết ô nhiễm chất thải rắn. Việt Nam vẫn chưa huy động được sự tham gia của người dân trong quản lý chất thải rắn, ngay cả trong hoạt động đơn giản nhất là phân loại chất thải tại nguồn.

Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các phiên bản khác nhau về quy định quản lý chất thải, lần lượt là Đạo luật quản lý chất thải năm 1991, Luật liên quan đến các biện pháp đặc biệt chống lại dioxin (1999), Đạo luật tái chế thực phẩm (2000) và Sửa đổi Đạo luật quản lý chất thải (2000) thúc đẩy 3R. Chiến lược quản lý chất thải của Nhật Bản đã thay đổi, đốt rác không còn là lựa chọn hàng đầu, các ưu tiên của nước này là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Trái lại, Việt Nam vẫn đang có các quy định chính sách khuyến khích xử lý chất thải thu hồi năng lượng bao gồm cả đốt rác phát điện.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Cuộc khủng hoảng rác thải ở Việt Nam hiện nay cũng đang trong tình trạng tương tự như ở Nhật Bản trong những năm 1980, những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản bao gồm:

1. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thực hiện nghiêm túc “Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền”, thực hiện các chính sách (3R) giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải; có thể áp dụng lệnh hạn chế hoặc cấm nhựa sử dụng một lần, mở rộng trách nhiệm của người sản xuất, hạn chế nhập khẩu phế liệu, khuyến khích kinh tế tuần hoàn, ưu tiên tuần hoàn chất thải hữu cơ;

Quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam - Ảnh 5
Cơ sở gom rác tài nguyên tại Hội An (Ảnh: Quách Thị Xuân, 6/2021).

2. Sớm thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, thu gom và xử lý riêng các loại rác; Sớm áp dụng quy định thu phí rác dựa trên khối lượng, tạo động cơ để các chủ nguồn thải giảm phát sinh chất thải rắn.

3. Sử dụng triệt để rác hữu cơ để làm phân vi sinh, hỗ trợ người dân và các cơ sở ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, tiến tới ban hành quy định cấm vận chuyển rác hữu cơ lên bãi rác.

4. Không xây mới các lò đốt rác, kể cả đốt rác phát điện, nghiêm cấm đốt rác lộ thiên hoặc đốt rác trong các lò đốt mini gây ô nhiễm môi trường, loại bỏ dần và tiến tới đóng cửa các lò đốt chất thải không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;

5. Huy động sự đồng thuận, tham gia của người dân và các bên liên quan trong việc thực hiện các chính sách về quản lý chất thải rắn.

6. Củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải rắn, chất thải nhựa. Yêu cầu các nhà sản xuất công khai dữ liệu về lượng nhựa sử dụng và thành tựu giảm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần. Tăng cường giám sát phát thải khí nhà kính từ hoạt động xử lý chất thải rắn, đặc biệt là theo dõi phát thải điôxin từ các lò đốt rác.

Tóm lại, các nước đang phát triển như Việt Nam nên áp dụng các thực hành tốt đã được minh chứng thành công, nên tránh lặp lại các sai lầm mà các nước phát triển như Nhật Bản đã phải trả giá.

Tài liệu tham khảo

Monre, 2019. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019

UNEP, 2013. The Japanese Industrial Waste Experience: Lessons for rapidly industrializing countries

MOE, 2014. Ministry of Environment of Japan: History and Current State of Waste Management in Japan

Gaia, 2020. Zero Waste Systems: Small Investment, Big Payoff

Chú thích

[i] https://corpwatch.org/article/japan-officials-blamed-promoting-toxic-incinerators-thailand

[ii] https://thanhnien.vn/nhat-ban-day-manh-cong-nghe-xu-ly-rac-thai-thanh-nang-luong-post862218.html

[iii] https://www.beyondplastics.org/plastics-and-climate

[iv] https://chomoi.backan.gov.vn/Pages/tin-tuc-su-kien-319/hieu-qua-lo-dot-rac-mini-cua-nhu2-5639edd8d6d47ea8.aspx

Quách Thị Xuân

Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Quản lý chất thải rắn ở Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới