Quảng Nam: Làng rau Trà Quế - biểu tượng du lịch Quốc Tế 2024
Với danh hiệu “Làng Du lịch tốt nhất năm 2024” làng rau Trà Quế đã khẳng định vị thế của một làng quê Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Ngày 10/12/2024, tại Hội An, Quảng Nam, đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism). Tại đây, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism) đã trao chứng nhận “Làng du lịch tốt nhất năm 2024” cho làng rau Trà Quế, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Tổng Thư ký UN Tourism Zoritsa Urosevic... cùng 350 đại biểu đến từ 50 quốc gia.
Đưa nghị quyết vào hành động thực tế
Là tỉnh có bề dày lịch sử di sản văn hóa thế giới cùng hệ thống di tích và văn hóa phi vật thể phong phú, nhiều làng quê, làng nghề vẫn còn giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời như: Làng mộc Kim Bồng, làng Triêm Tây, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng trống Lam Yên, làng nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu...
Cùng với đó là văn hóa ẩm thực phong phú, đa dạng với nhiều món ăn nổi tiếng như: Mỳ Quảng (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia), bê thui Cầu Mống, cao lầu, bánh ít lá gai Hội An, yến sào Cù Lao Chàm...
Với chủ trương thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư tại các điểm du lịch nông thôn, bảo đảm không phá vỡ cảnh quan, môi trường; thu hút nhà đầu tư các sản phẩm du lịch nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao nhưng vẫn bảo đảm cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ sản phẩm du lịch này.
Năm 2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và là tỉnh đầu tiên trong cả nước công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh.
Theo đó, Quảng Nam đã xây dựng được môi trường du lịch bền vững, du lịch “không rác thải nhựa”. Tại thành phố Hội An, chính quyền đã khởi động chương trình không sử dụng túi ni-lông tại Cù Lao Chàm từ năm 2009; nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú tại Hội An đã sử dụng nước uống đóng chai thay cho chai nhựa. Ðây là những động thái tích cực hướng tới các giá trị nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.
Qua đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển đồng bộ du lịch nông thôn và làm tốt công tác thông tin, truyền thông, quảng bá về các loại hình du lịch nông thôn, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động đối với lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch;… về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới. nhằm đưa du lịch nông thôn phát triển đúng hướng, xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn gắn với gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, các làng quê, làng nghề ở vùng nông thôn...
Ðến nay, toàn tỉnh có 33 doanh nghiệp du lịch thuộc lĩnh vực lưu trú, điểm tham quan, doanh nghiệp lữ hành được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp quyết định công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh. Những mô hình du lịch xanh đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân và du khách có ý thức và trách nhiệm bảo tồn những giá trị tiềm năng du lịch tại điểm đến, đồng thời góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch xanh Quảng Nam.
Năm 2023 đạt 7,5 triệu lượt khách tham quan, lưu trú và năm nay ước đạt hơn 8 triệu lượt khách (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái), doanh thu du lịch ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 19%...
Lan tỏa bảo tồn và phát triển các giá trị vùng miền
Làng rau Trà Quế, hình thành từ thế kỷ XVII, nổi tiếng với nghề trồng rau hữu cơ theo phương pháp truyền thống độc đáo. Không chỉ cung cấp rau sạch, làng còn là một biểu tượng của tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 4/2022.
Với hướng đi kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch cộng đồng, Trà Quế đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. Những trải nghiệm làm nông, trồng rau và thưởng thức ẩm thực tại đây đã tạo nên sức hấp dẫn không thể chối từ đối với mọi lứa tuổi.
Theo bà Zoritsa Urosevic, danh hiệu “Làng Du lịch tốt nhất năm 2024” được trao cho làng rau Trà Quế dựa trên 9 tiêu chí khắt khe, bao gồm: tài nguyên văn hóa và thiên nhiên; bảo tồn và thúc đẩy tài nguyên văn hóa; tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển du lịch gắn với chuỗi giá trị; quản trị du lịch; hạ tầng và kết nối; cùng các tiêu chí về sức khỏe, an ninh và an toàn.
Danh hiệu này không chỉ là niềm tự hào của người dân Trà Quế mà còn là minh chứng cho sự phát triển bền vững và sáng tạo của ngành du lịch Việt Nam.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhìn nhận, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành “công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của các quốc gia và là xu hướng phát triển của tương lai. Hầu hết các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững. Trong đó, du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển.
Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, bồi đắp, phát triển và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Phó Thủ tướng đánh giá, Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn là cơ hội tốt để các quốc gia chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về chính sách quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ… nhằm nâng cao hệ thống quản lý và phát triển du lịch nông thôn.
“Tổ chức UN Tourism đã triển khai chương trình du lịch vì sự phát triển của nông thôn nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa và phù hợp với 3 nhu cầu phát triển bền vững là kinh tế - xã hội và môi trường. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển và tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam, với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số", Phó Thủ tướng nói.
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có hướng tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất giữa nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững.
Ngoài chiến lược phát triển đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương cùng với phát triển kinh tế, phát triển du lịch nông thôn cần đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết, cung cấp các giá trị đích thực cho du khách. Đồng thời tôn trọng, bảo tồn các giá trị cốt lõi, tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn; tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những mô hình tốt, những cách làm hay để phát triển du lịch nông thôn.
Phó Thủ tướng khẳng định: Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm "mỗi làng một sản phẩm", mỗi người dân là một đại sứ du lịch", "mỗi địa phương - một sản phẩm du lịch đặc sắc".
Trọng Nghị