Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ năm, 23/02/2023 14:53 (GMT+7)

Quảng Nam: Tăng cường quản lý khoáng sản, giữ bình ổn giá vật liệu

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản yêu cầu các sở ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản (trong đó, có đất, đá, cát, sỏi lòng sông) theo đúng các quy định của pháp luật.

Quảng Nam: Tăng cường quản lý khoáng sản, giữ bình ổn giá vật liệu - Ảnh 1

Năm 2022, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong khai thác và việc chế biến, mua bán khoáng sản tại huyện Núi Thành.

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án và không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành văn bản yêu cầu các sở ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản (trong đó, có đất, đá, cát, sỏi lòng sông) theo đúng các quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo văn bản số 836/UBND-KTN ngày 20/02/2023 về tăng cường công tác quy hoạch và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Kết luận số 73-KL/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh: số 5637/UBND-KTN ngày 18/10/2017, số 1736/UBND-KTN ngày 02/4/2019, số 3763/UBND-KTN ngày 23/6/2021, số 1704/UBND-KTN ngày 23/3/2022,... trong công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư trong vùng dự án để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, giao cho các địa phương tổ chức đấu giá tại các Quyết định số: 2193/QĐ-UBND ngày 22/8/2022; 2732/QĐ-UBND ngày 11/10/2022; 295/QĐ-UBND ngày 17/02/2023.

Trong hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng 2 sản phải nêu đầy đủ các nội dung yêu cầu để tổ chức lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện, tuân thủ đúng quy định trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản; hướng dẫn đơn vị trúng đấu giá lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định. Trong quá trình lập hồ sơ, thủ tục, lưu ý rà soát kỹ để cập nhật, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp…) cho phù hợp và đánh giá kỹ tác động môi trường của các dự án.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1704/UBND-KTN ngày 23/3/2022 và Sở Xây dựng đã có Công văn số 636/SXD-QLHT ngày 28/4/2022 đôn đốc các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại; trường hợp chưa thực hiện rà soát thì chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất loại bỏ các điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường không còn phù hợp, các điểm mỏ đã khai thác xong và đề xuất bổ sung các điểm mỏ khoáng sản mới phù hợp vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến (không phải chờ có dự án đầu tư xây dựng các công trình mới xác định nhu cầu vật liệu để đề xuất bổ sung); gửi văn bản về Sở Xây dựng chậm nhất vào ngày 04/3/2023 để chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh thông qua để phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đảm bảo thời gian yêu cầu.

Đồng thời, rà soát, cập nhật các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đề xuất đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 tại các điểm mỏ sau khi điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 để có cơ sở triển khai thực hiện. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn mình quản lý; trường hợp cần phải điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; các địa phương khẩn trương có văn bản đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030 theo quy định.

Chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn mình quản lý; yêu cầu chấp hành thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác, bảo vệ môi trường, lắp đặt trạm cân, hệ thống camera có kết nối wifi truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Đối với các Sở, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn, tham mưu giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục có liên quan về quy hoạch, đầu tư, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định; tăng cường kiếm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những sai phạm (nếu có).

Quảng Nam là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng với gần 45 loại, trong đó nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, có giá trị kinh tế cao như: vàng, cát trắng, đá xây dựng.

Để việc khai thác khoáng sản được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ khoáng sản trên địa bàn.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn tiếp diễn ở nhiều địa phương như huyện Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh,… Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã tác động xấu đến cảnh quan môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Theo thống kê từ lực lượng công an, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã tổ chức 28 đợt truy quét khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là vàng), phá hủy nhiều máy móc, phương tiện phục vụ hoạt động khai thác trái phép.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Quảng Nam: Tăng cường quản lý khoáng sản, giữ bình ổn giá vật liệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới