Chủ nhật, 24/11/2024 08:35 (GMT+7)
Thứ năm, 24/02/2022 16:00 (GMT+7)

Quảng Ninh: Nỗ lực phục hồi hệ sinh thái biển

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, ngoại chú trọng phát triển rừng ngập mặn thì Quảng Ninh còn nâng cao hiệu quả việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển đảo. Đây là những hành động tích cực cải thiện môi trường sinh thái biển, ứng phó biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn (RNM), góp phần cải thiện môi trường sinh thái biển, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trên địa bàn huyện Hải Hà hiện có trên 1.495ha RNM, chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Phong, Đường Hoa, Quảng Minh, trong đó có 1.345ha rừng tự nhiên và hơn 190ha rừng trồng, với các loại cây mắm, sú, trang, đước. 

Quảng Ninh: Nỗ lực phục hồi hệ sinh thái biển - Ảnh 1
Trồng rừng ngập mặn tại xã Quảng Phong dịp đầu xuân 2022. (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Từ đầu năm đến nay, các chương trình, dự án trồng RNM được triển khai trên địa bàn huyện Hải Hà với diện tích trồng mới 53,6ha tại các xã Quảng Phong, Quảng Minh, Đường Hoa. Trước đây, việc trồng rừng mới và trồng bổ sung vào rừng tự nhiên ngập mặn được trồng chủ yếu bằng quả loài cây ngập mặn do Hội CTĐ tỉnh, huyện phối hợp với các xã thực hiện bằng nguồn kinh phí do các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ. Những năm gần đây, việc trồng RNM được triển khai bằng cây bầu, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, tăng trưởng tốt, góp phần xanh hóa các bãi triều ven biển.

Việc trồng bổ sung, phục hồi rừng, bảo vệ, phát triển RNM trên địa bàn huyện Hải Hà đã góp phần ổn định cấu trúc rừng, ổn định hệ sinh thái RNM, tăng khả năng chống chịu của rừng đối với hiệu ứng mực nước dâng và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển của địa phương.

Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Hải Hà tiếp tục phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tham mưu UBND huyện Hải Hà chủ trương không giao đất bãi triều, đất mặt nước có cây RNM để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng tới RNM. Đồng thời, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn ven biển thường xuyên kiểm tra hoạt động đào, đắp đầm của các hộ gia đình được giao đất nuôi trồng thủy sản, đảm bảo không xâm hại tới diện tích RNM xung quanh.

Ngoài RNM, Quảng Ninh còn nâng cao hiệu quả việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học biển đảo.

Quảng Ninh: Nỗ lực phục hồi hệ sinh thái biển - Ảnh 2
Loài khỉ đuôi dài quý hiếm tại vườn Quốc gia Bái Tử Long. (Ảnh: Internet)

Công tác bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị các nguồn gen quý, hiếm được xúc tiến triển khai theo từng đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, trong đó ưu tiên thực hiện đối với các nguồn gen có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện KH&CN của tỉnh. Điển hình như: Khu bảo tồn thiên nhiên Ðồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu rừng Quốc gia Yên Tử, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, vườn cây thuốc Yên Tử đã sưu tầm và bảo tồn được 700 loại dược liệu đại diện của vùng Ðông Bắc. Đồng thời, lưu giữ nhiều bộ gien quý các loại như: ba kích, kim ngân, trà hoa vàng, bộ gien các loại họ nghệ, sa nhân, riềng, gừng…

Bên cạnh đó, đối với công tác lập quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển được tỉnh Quảng Ninh quan tâm triển khai thực hiện, với mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái, các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, duy trì cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, đang triển khai đề xuất thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô- Đảo Trần và 14 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản bảo vệ các loài thủy sản đặc sản gồm sá sùng, ngán, rươi.

Đồng thời đang triển khai 2 mô hình đồng quản lý nguồn lợi sá sùng tại các xã Minh Châu và Quan Lạn, tại huyện Vân Đồn và bãi Sá Sùng tại xã Đại Bình, tại huyện Đầm Hà. Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 300 hộ gia đình góp phần tích cực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Cùng với đó, công tác quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được tăng cường. Hiện trên địa bàn 63 cơ sở gây nuôi 15 loài với hơn 4.119 cá thể động vật hoang dã nằm trong phụ lục CITES và danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm và 5 loại động vật thông thường với 1.719 cá thể. Đồng thời, các lực lượng chức năng cấp 12 mã số cơ sở nuôi, trồng động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm III và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục II và III của CITES. Ngoài ra, đang xem xét, ban hành bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh về cấp giấy phép mua, bán, trao, tặng, cho thuê loài nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ.

Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng đối với việc bảo vệ các hệ sinh thái, các nguồn gen quý hiệm, các loài sinh vật biển có giá trị khoa học, kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Nỗ lực phục hồi hệ sinh thái biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới