Chủ nhật, 24/11/2024 04:37 (GMT+7)
Thứ hai, 10/06/2024 17:36 (GMT+7)

Quảng Trị: Tiềm năng và thách thức từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo dõi KTMT trên

Là một trong 6 địa phương thí điểm bán tín chỉ carbon, Quảng Trị có nhiều tiềm năng phát triển rừng nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Tiềm năng và thách thức bán tín chỉ carbon rừng ở Quảng Trị

Bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm mua bán tín chỉ carbon và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định năm 2022 của Chính phủ.

Theo Báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000 ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt 4.130,4 tỉ đồng. Tính riêng Quảng Trị, trong năm 2023, tỉnh này thu về hơn 51 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon. 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, số tiền hơn 51 tỷ đồng kể trên sẽ được chi trả trong thời gian 2023-2025. Số tiền này sẽ được dùng để tập trung cho công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, chi phí quản lý, hỗ trợ cho cộng đồng dân cư.

Quảng Trị: Tiềm năng và thách thức từ bán tín chỉ carbon rừng - Ảnh 1
Rừng ở Quảng Trị. (Nguồn: Internet)

Quảng Trị là một trong những địa phương có tiềm năng khai thác và bán tín chỉ carbon rừng. Theo thống kê, Quảng Trị có diện tích tự nhiên 474.414,8ha, trong đó đất có rừng 220.852,5ha. Dù diện tích không lớn nhưng lại là địa phương có đa dạng sinh học cao. Quảng Trị là một trong 5 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình sinh thái Trung Trường Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum), một trong 230 vùng sinh thái toàn cầu và nằm trong 63 vùng chim quan trọng có nhiều loài quý hiếm và đặc hữu cần được bảo vệ. 

Hiện nay, Quảng Trị có 5 cánh rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý được cấp chứng chỉ phát triển và quản lý rừng bền vững (FSC), đồng thời được chứng nhận dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon với tổng diện tích gần 2.145 ha, cho lượng hấp thụ carbon 7.000 tấn/năm và lượng lưu trữ khoảng 350.000 tấn. Đó là những cánh rừng ở các thôn: Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; Hồ và Cát, xã Hướng Sơn; Xa Bai, xã Hướng Linh; Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt cùng thuộc huyện miền núi Hướng Hóa.

Tháng 3/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Dự án: “Bảo tồn, phục hồi và cải thiện dịch vụ hệ sinh thái về hấp thụ và lưu trữ carbon rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý”, do Công ty Etifor S.r.l.Benefit Corporation thuộc Đại học Padua (Italia) tài trợ với tổng số vốn 6,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến tháng 2/2028.

Trước đó, vào tháng 2/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành Kế hoạch vận động người dân, chủ rừng thay đổi nhận thức, thay phương thức canh tác, trồng rừng không đốt thực bì để giảm phát thải CO2. Giai đoạn từ năm 2024 - 2028, mỗi năm tỉnh phấn đấu vận động người dân trồng mới từ 2.000 – 3.000 ha rừng không đốt thực bì để giảm phát thải CO2. Mỗi ha rừng trồng đốt thực bì phát thải khoảng 60 tấn CO2.

Dù có nhiều tiềm năng trong khai thác tín chỉ carbon nhưng Quảng Trị cũng gặp nhiều thách thức trong vấn đề quản lý và bảo vệ rừng.

Theo Báo Quảng Trị, hiện nay, cơ chế quản lý nhà nước về carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến và giám sát chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó carbon rừng chưa được công bố về tổng trữ lượng, tăng giảm trong các kỳ tổng điều tra rừng, thống kê rừng, theo dõi diễn biến rừng hàng năm.

Trước mắt, Quảng Trị cần chủ động xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng trong khi chờ Chính phủ ban hành khung pháp lý, sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đồng thời, tỉnh cũng cần duy trì và tăng cường iệc giao đất giao rừng cho cộng đồng và hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng vào thị trường carbon rừng. 

Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng cần tập trung làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi những diện tích rừng đã mất nhằm tăng trữ lượng carbon rừng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp, chủ rừng nâng cao nhận thức về thị trường carbon, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với việc phục hồi rừng và kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Đề xuất thí điểm mô hình kinh doanh tín chỉ carbon rừng với sự tham gia của doanh nghiệp.

Bán tín chỉ carbon từ thảm cỏ biển

Ngoài rừng, Quảng Trị còn là địa phương đầu tiên trên cả nước nghiên cứu bán tín chỉ carbon từ thảm cỏ biển. 

Ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của thảm cỏ biển đồng thời đề xuất các phê duyệt đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của thảm cỏ biển địa bàn tỉnh.

Nhiệm vụ do Sở Tài nguyên và Môi trường là chủ đầu tư với mục tiêu chính là xác định trữ lượng carbon của thảm cỏ biển, lượng giá trị của chúng. Khu vực nghiên cứu là Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ.

Quảng Trị: Tiềm năng và thách thức từ bán tín chỉ carbon rừng - Ảnh 2
Thảm cỏ biển. (Nguồn: Internet)

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị, cỏ biển có vai trò rất quan trọng, tham gia vào chu trình dinh dưỡng ở biển và đại dương, giá trị thảm cỏ biển trên toàn cầu ước tính khoảng 3,8 nghìn tỉ USD và trung bình đạt 212.000 USD/ha cỏ biển/năm. Ngoài ra, cỏ biển có khả năng lưu trữ khoảng 19,9 tỉ tấn carbon hữu cơ, cao hơn 2 - 3 lần so với khả năng lưu trữ của rừng thường xanh tính trên cùng đơn vị diện tích. Giá tín chỉ carbon năm 2022 dao động trung bình từ 11 - 35 USD, cao hơn đáng kể so với giá tín chỉ thông thường, từ 8 - 10 USD.

Việc phát triển cỏ biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập từ việc tham gia các chương trình, dự án trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, giúp tỉnh Quảng Trị đáp ứng các cam kết về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Quảng Trị: Tiềm năng và thách thức từ bán tín chỉ carbon rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới