Chủ nhật, 24/11/2024 05:22 (GMT+7)
Thứ ba, 30/05/2023 09:48 (GMT+7)

Quốc hội sẽ giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội

Theo dõi KTMT trên

Một trong 4 chuyên đề giám sát được Quốc hội lựa chọn là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trình bày dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Do đó, việc dự kiến chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội , Ủy ban Thường vụ Quốc hội , các cơ quan của Quốc hội , các Đoàn đại biểu Quốc hội , Đại biểu Quốc hội cũng phải được lựa chọn một cách phù hợp, sát thực tế, đảm bảo tính khả thi của chương trình, đáp ứng được yêu cầu đặt ra và phản ánh đúng những vấn đề bức xúc của thực tiễn.

Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND,đặc điểm tình hình năm 2024 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Theo đó, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm, quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ lọt vào tầm ngắm giám sát của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Trong đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan sẽ là một trong 4 chuyên đề được lựa chọn giám sát trong năm 2024.

Quốc hội sẽ giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội - Ảnh 1
Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lựa chọn giám sát đối với chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/Quốc hội 15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Giám sát toàn diện, xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở

Với sự phát triển của kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội đã dần hoàn thiện. Chính sách phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Thảo luận về chương trình giám sát của Quốc năm 2024, theo đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá), trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu và nhu cầu đề ra.

"Còn tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm lượng người tham gia mua thấp, trong khi đó có nơi lượng người tham gia mua lại quá đông. Cách xác định đối tượng người mua nhà ở xã hội còn gây nhiều dư luận khác nhau"- đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu quan điểm.

Để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, đại biểu Hoàn cho rằng cần định hình rõ hệ thống chính sách hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi từ chính sách nhà ở xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị phạm vi giám sát cần phải toàn diện, đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, từ năm 2006, khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nội dung giám sát cần làm rõ ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội, tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, nhà ở xã hội được trợ cấp và hỗ trợ thế nào. Ngoài ra, cần làm rõ thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao?

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội sẽ giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới