Chủ nhật, 24/11/2024 04:57 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/06/2022 09:30 (GMT+7)

Quốc hội thảo luận 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4

Theo dõi KTMT trên

Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về 2 dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM, cùng nhiều dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc.

Cần so sánh hiệu quả đầu tư giữa đầu tư công và PPP đối với dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Sáng nay (ngày 10/6) tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) đưa ra ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải đầu tư đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP.HCM như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đồng thời, đại biểu Tiến nhấn mạnh việc đầu tư hai tuyến đường vành đai phù hợp với Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông quốc gia giai đoạn 2021-2025. Việc đầu tư 2 tuyến đường vành đai này phù hợp với Luật Đầu tư.

Quốc hội thảo luận 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4 - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương là đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư. Cơ bản đồng tình với việc phân kỳ đầu tư giai đoạn một của cả hai dự án, song đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ tại sao cùng là quy mô 4 làn xe cao tốc, hạn chế nhưng mặt cắt ngang giữa hai tuyến đường vành đai lại rất khác nhau.

Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc thêm, đối với những đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực có lưu lượng giao thông lớn nên đầu tư giai đoạn một với quy mô 4 làn xe có B=24,75 m nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

Quốc hội thảo luận 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4 - Ảnh 2
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: quochoi)

Về phân chia dự án thành phần và hình thức đầu tư, đại biểu Tiến đồng tình với việc đầu tư đường Vành đai 4 dự án thành phần cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và dự án thành phần dọc 2 bên tiểu dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ, tại sao đối với đường Vành đai 3 TP. HCM lại đầu tư theo hình thức đầu tư công. Đồng thời, cần đánh giá lại hiệu quả đầu tư giữa đầu tư công và đầu tư theo đối tác công - tư đối với đường Vành đai 3 trước khi quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng tình với đề xuất giải phóng mặt bằng toàn bộ một lần theo quy hoạch để quản lý, đồng thời tách phần giải phóng mặt bằng và tái định cư hành tiểu dự án để giao địa phương thực hiện, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị làm rõ việc giải phóng mặt bằng một lần đã bao gồm cả phần đường song hành 2 bên chưa? Đề nghị cần nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình xây lắp, nghiệm thu, bàn giao để tránh những ý kiến, kiến nghị phát sinh sau này.

Làm rõ lộ trình đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đã cơ bản nhất trí cao với nội dung Tờ trình Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội. Việc triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP.Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung; có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế xã hội đồng bộ trong khu vực.

Việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở lên. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội được chia thành bảy dự án thành phần do các địa phương quyết định đầu tư, đã xác định rõ nguồn vốn để thực hiện và tổ chức triển khai.

Quốc hội thảo luận 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4 - Ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: quochoi)

Cùng với đó, các địa phương trong vùng dự án đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Việc chia nhỏ các dự án thành phần, kêu gọi hợp tác công tư, giao cho các địa phương thực hiện theo hình thức cuốn chiếu là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn vốn, rút ngắn tiến độ dự án.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, làm tốt việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu được phép thực hiện, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín để tham gia thực hiện dự án.

Thực hiện tốt việc quản lý đất đai dọc tuyến đường ngay từ khi quyết định chủ trương đầu tư dự án, nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đòi bồi thường hoặc xây dựng trên hành lang giao thông. Đồng thời, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương của dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu khi tuyên án được phê duyệt.

Mặt khác, đại biểu đề nghị nghiên cứu làm rõ phương án giải phóng mặt bằng, làm rõ lộ trình đầu tư, rà soát để thiết kế và bố trí hệ thống thu phí trạm dừng nghỉ, cầu vượt, hầm chui, đặc biệt là các nút giao trên toàn tuyến, bảo đảm phù hợp, có tính kết nối với hệ thống giao thông trong vùng, từ đó phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu của dự án.

Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận TP.Hà Nội (dài 58,2 km); Hưng Yên (dài 19,3 km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án. Bao gồm: ngân sách nhà nước 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng; vốn BOT 29.447 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 3 – TP.HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km (bao gồm TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km).

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư dự án. Bao gồm: ngân sách trung ương 38.741 tỷ đồng; ngân sách địa phương 36.637 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Quốc hội thảo luận 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới