Chủ nhật, 24/11/2024 09:01 (GMT+7)
    Thứ bảy, 13/03/2021 12:11 (GMT+7)

    Quy hoạch phân khu sông Hồng: Hàng nghìn hộ dân sẽ phải di dời?

    Theo dõi KTMT trên

    Nếu được phê duyệt, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỉ lệ 1/5000 sẽ trải dài đoạn sông Hồng dài 40 km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô diện tích 11.000 ha, dân số khoảng 280.000 đến 320.000 người. Trong đó, 1.500 hộ dân có thể phải di dời.

    Theo dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín).

    Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000 - 320.000 người (hiện trạng khoảng 235.000 người).

    Đồ án cũng nêu rõ, hiện nay, đất bãi trong khu vực quy hoạch chiếm khoảng 5.480 ha (tương đương 50% tổng diện tích), chủ yếu trồng rau, hoa, cây cảnh và đất chưa sử dụng. Khu vực đã xây dựng rộng 1.190 ha (chiếm 11% tổng diện tích). Phần sông Hồng có diện tích 3.600 ha (chiếm 33% tổng diện tích).

    Quy hoạch phân khu sông Hồng: Hàng nghìn hộ dân sẽ phải di dời? - Ảnh 1
    Sẽ có khoảng 1.500 hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn phòng chống lũ.

    TP.Hà Nội định hướng 5 bãi sông (Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức) được nghiên cứu xây dựng với tỉ lệ 5%, tương đương 1.590 ha. Còn bãi Tàm Xá - Xuân Canh được phép xây dựng tỉ lệ 15%, tức khoảng 408 ha.

    Cụ thể, bãi sông được nghiên cứu theo phương án xây khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái, công trình công cộng. Khu vực bãi sông còn lại được định hướng phát triển không gian mở với loại hình công viên - quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp.

    Khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165 ha sẽ được cải tạo chỉnh trang, tái thiết và được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có khoảng 60ha để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ, giãn dân, tái định cư tại chỗ.

    TP.Hà Nội dự kiến trong tháng 6/2021 sẽ cơ bản phê duyệt xong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Sau khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Sẽ có khoảng 1.500 hộ dân phải di dời để bảo đảm an toàn phòng chống lũ.

    Trao đổi với Lao Động, KTS Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội - cho biết chưa thể nói được con số cụ thể về việc di dời liên quan quy hoạch này. Việc di dời dân phải tuân thủ theo Quyết định 257 của Thủ tướng năm 2016 phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Ở khu vực nào nguy hiểm thì phải thực hiện theo. Nếu chỗ nào đánh giá mức độ nguy hiểm chưa cao mà người dân sống ổn định lâu thì tạo điều kiện để giữ lại.

    “Phía đơn vị cũng đánh giá sẽ khó khăn sau này khi phân vùng, quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, việc di dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương” - ông Huy nói và cho biết thêm trong quá trình làm đồ án, phía Viện quy hoạch của thành phố cũng có kiến nghị giữ lại một số khu vực. Còn để giữ lại được người dân hay không phải xin ý kiến Bộ NN&PTNT xem có đồng thuận không, nếu không đồng thuận thì phải di dời.

    Theo KTS Lưu Quang Huy, các khu dân cư được tồn tại sẽ bố trí thêm hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ cho cuộc sống của người dân, ví dụ như hệ thống trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… mở thêm một số tuyến đường giao thông nội bộ để người dân đi lại thuận tiện hơn.

    Cũng cho ý kiến về vấn đề này, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) đề xuất các cơ quan của thành phố tính toán chi tiết đến việc di dời, tái định cư khu vực dân cư nằm trong khu vực vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và thoát lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở và từng bước di dời các hộ dân không nằm trong khu dân cư tập trung.

    Đối với các hộ dân nằm trong vùng không phải di dời, thành phố cần có chính sách bảo vệ, cải tạo, chỉnh trang đô thị cho khu vực. Cùng với đó là tìm kiếm các mặt bằng mới để bố trí cho người dân tái định cư tại chỗ, ổn định đời sống dân cư khu vực này.

    Ông cũng nêu quan điểm thành phố cần chú trọng đến xây dựng 2 tuyến đường cấp đô thị chạy dọc sông đoạn qua phân khu được quy hoạch. Đây sẽ là tuyến giao thông chính, liên kết giao thông phân khu đô thị với giao thông trên toàn thành phố. Tuyến đường này sẽ quyết định đến trục cảnh quan, kiến trúc đô thị, là điểm nhấn cho toàn bộ quy hoạch sông Hồng.

    Trong phần kiến nghị của mình, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, lại muốn các đơn vị chức năng của thành phố có đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng hơn ở một số khía cạnh.

    Về kinh tế, ông Nghiêm cho rằng các sở, ngành của thành phố cần phân tích, khái toán chi phí, tính toán lợi ích, phương án khả thi về tài chính, phương hướng huy động vốn, thực hiện quy hoạch. Bởi theo ông, đồ án có phân tích về tính khả thi, nhưng chưa đề cập chi tiết đến khía cạnh kinh tế.

    Về hành lang thoát lũ, đồ án nên có tổng hợp các bài học kinh nghiệm từ các dự án, nghiên cứu, quy hoạch đã có, liên quan đến khu vực này. Trong đó, ông đề cập đến những nghiên cứu của Hội Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi…

    Ông Nghiêm cũng nêu kiến nghị thành phố nên có đánh giá tổng thể về tác động môi trường bởi nó là yêu cầu bắt buộc, phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng, nhưng chưa được đề cập trong báo cáo.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch phân khu sông Hồng: Hàng nghìn hộ dân sẽ phải di dời?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới