Chủ nhật, 24/11/2024 05:23 (GMT+7)
    Thứ sáu, 18/03/2022 07:08 (GMT+7)

    Quy hoạch vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế, phát triển các đô thị

    Theo dõi KTMT trên

    Với mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị.

    Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện sự quyết tâm, khát vọng lớn của Chính phủ, nhằm tích hợp tất cả các nội dung phát triển kinh tế - xã hội, không gian, hệ thống đô thị nông thôn trên một vùng lãnh thổ rộng lớn.

    Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành mới đây đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch vùng đầu tiên được lập theo Luật Quy hoạch.

    Quy hoạch vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế, phát triển các đô thị - Ảnh 1
    Đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ.

    Quy hoạch này có tầm chiến lược lớn

    Vùng ĐBSCL giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản, ĐBSCL không chỉ là vùng kinh tế quan trọng, mà còn mang ý nghĩa hết sức đặc biệt về các yếu tố địa lý, thiên nhiên, cảnh quan, lịch sử…

    Cùng với đó, đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn sông Mekong, sự phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng đã phần nào ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

    Ông Trần Ngọc Chính vốn là chuyên gia về lĩnh vực tổ chức không gian và quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn, nhận định Quy hoạch này có tầm chiến lược lớn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quá trình toàn cầu hóa. Nhiệm vụ quan trọng, mang tính đột phá là tích hợp tất cả vấn đề như kinh tế, xã hội, tổ chức không gian, biến đổi khí hậu… vào trong một quy hoạch.

    Ông Chính cho hay: "Phê duyệt Quy hoạch ĐBSCL thể hiện sự nỗ lực, cố gắng và là thành tích lớn của các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ”.

    Quy hoạch vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế, phát triển các đô thị - Ảnh 2
    Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính.

    Mặc dù chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia để làm cơ sở triển khai các quy hoạch vùng, nhưng việc tiếp cận tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL, tăng cường hợp tác liên kết phát triển và điều phối vùng hiệu quả giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP.HCM, với các tỉnh, vùng khác trong Quy hoạch ĐBSCL đã đáp ứng tính cấp thiết, để kịp thời lập các quy hoạch cấp dưới, và triển khai các dự án theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

    Qua quy hoạch này, phương hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ vùng sẽ được cụ thể hóa, thống nhất, đồng bộ.

    Song song đó, trong suốt quá trình lập, Quy hoạch đã được Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành quan tâm, quyết liệt chỉ đạo và qua rất nhiều lần lấy ý kiến, góp ý, Quy hoạch đã thể hiện khá rõ tầm nhìn chiến lược ngắn hạn và dài hạn, nổi bật là chủ trương và phương án có khả năng thực thi cho giai đoạn đến năm 2030.

    Quy hoạch làm rõ hơn về kết nối giao thông của vùng

    Chủ tịch Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: "Trước đây, chúng tôi đã làm quy hoạch xây dựng vùng ĐBCSL, vùng thủ đô Hà Nội, vùng biên giới trung du phía bắc, nhưng lúc đó chưa có Luật Quy hoạch nên chỉ đi sâu vào mảng quy hoạch xây dựng. Còn làm Quy hoạch ĐBSCL lần này khó và phức tạp hơn nhiều".

    "Tôi chưa bao giờ chưa đọc một Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nào dài, bao hàm nhiều vấn đề và đầy đủ nội dung như vậy".

    Quy hoạch đã phân ra những vấn đề cốt lõi, nhất là về phát triển nông nghiệp – vấn đề quan trọng bậc nhất đối với vùng, trong đó, chỉ rõ hướng phát triển phù hợp yêu cầu khoa học kỹ thuật đối với từng vùng như nước lợ, nước ngọt, vùng bị xâm nhập mặn và đối với mỗi địa phương.

    Vấn để điểm đột phá tiếp theo là Quy hoạch làm rõ hơn về kết nối giao thông của vùng, bao gồm đường cao tốc, hệ thống đường dọc, đường ngang, đường thuỷ, cảng, sân bay, đường sắt. Điều này đúng với tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: "Quy hoạch vùng ĐBSCL cần khẳng định vai trò công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững, trong đó ưu tiên cao nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại".

    Cùng với đó, ông Chính đề xuất cần cụ thể hóa hơn nữa vấn đề kinh tế biển vì không gian lãnh hải của vùng có lợi thế lớn (vùng duy nhất có cả biển Tây và biển Đông), nên tận dụng tiềm năng ấy một cách có hệ thống, khoa học dựa trên chiến lược lâu dài.

    KTS Trần Ngọc Chính đặt vấn đề quản lý thực hiện công tác Quy hoạch vùng như thế nào trong thời gian tới cho rằng, đây sẽ là một thách thức vì liên quan đến luật pháp, tổ chức hành chính, nước ta không có tổ chức về vùng lãnh thổ. Ông Chính gợi ý có thể đưa ra phương án về tổ chức uỷ ban quản lý, điều phối vùng, nhưng cần xây dưng quy chế để thực hiện phương án này.

    Ông Chính lưu ý hồ sơ quy hoạch cần có hệ thống bản vẽ, từ tỉ lệ lớn, nhỏ đến bản đồ tổng hợp cuối cùng, cần được nêu rõ ràng, cụ thể khi cho rằng hệ thống bản vẽ là vấn đề quan trọng.

    Theo ông Chính nói: "Nếu muốn triển khai quy hoạch hiệu quả thì cần có hệ thống bản đồ. Hệ thống bản đồ chính là tiếng nói, là linh hồn của quy hoạch. Người ta nhìn vào đó để biết tỉnh này làm gì, tỉnh kia sẽ thực hiện ra sao. Quy hoạch vùng ĐBSCL cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống bản đồ một các khoa học, tối ưu nhất, không chỉ dừng ở bản đồ minh hoạ".

    Với mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái, cần đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế, phát triển các đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới