Chủ nhật, 24/11/2024 07:47 (GMT+7)
Chủ nhật, 14/03/2021 12:24 (GMT+7)

'Quyền của các dòng sông'

Theo dõi KTMT trên

Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông (14/3) là dịp để các quốc gia trên thế giới cùng cất chung tiếng nói chống lại các dự án phát triển dưới nước mang tính phá hủy và đòi lại quyền cho các dòng sông.

Ngày 14/3 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông (vốn từng được biết đến với tên gọi Ngày quốc tế chống các đập vì các dòng sông, nước và sự sống), được thông qua bởi những người tham gia Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Con người bị ảnh hưởng bởi các đập diễn ra vào tháng 3/1997 tại Curitiba, Brazil. Các đại diện từ 20 quốc gia thống nhất chọn Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông là ngày 14/3 – ngày mà Brazil hành động chống lại các đập lớn.

Mục tiêu của Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông là cất lên tiếng nói chung để bảo vệ dòng sông trước các dự án phát triển dưới nước có nguy cơ phá hủy môi trường, đòi lại sức khỏe cho các lưu vực sông, đồng thời yêu cầu chính sách quản lý công bằng và bền vững cho các dòng sông.

'Quyền của các dòng sông' - Ảnh 1
Bảo vệ quyền được sống của các dòng sông cũng chính là bảo vệ sự sống của con người. (Ảnh minh họa)

Chủ đề của Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông năm nay là “Quyền của các dòng sông”, thu hút sự tham gia của nhiều cộng đồng đa dạng trên khắp thế giới với hơn 100 tổ chức đến từ 20 quốc gia tham gia ký vào bản tuyên bố về quyền của các dòng sông. Tuyên bố nhấn mạnh quyền hợp pháp của các dòng sông và trách nhiệm của cộng đồng trong việc đưa ra tiếng nói chung đối với các quyết định có nguy cơ ảnh hưởng đến các dòng sông.

Trong đó, có một số nội dung chủ đạo như: tất cả các dòng sông là những thực thể sống và sở hữu quyền lợi hợp pháp (quyền được thực hiện các chức năng thiết yếu trong hệ sinh thái, quyền không bị ô nhiễm, quyền đa dạng sinh học tự nhiên, quyền tái tạo và phục hồi,…); các dòng sông có người giám hộ hợp pháp để đảm bảo thực thi đầy đủ các quyền của dòng sông, được chính phủ và các tổ chức tư nhân đánh giá và xem xét trong tất cả các hành động hoặc quyết định liên quan; kêu gọi các chính phủ đảm bảo cơ chế tài chính đầy đủ và kịp thời để thực hiện các quyền cơ bản của dòng sông;…

Tại Việt Nam, trong nhiều năm gần đây, các cơ quan chức năng cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm nhằm đề cao nhiệm vụ bảo vệ các dòng sông. Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 25/CT-TTg năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đều nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các lưu vực sông; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước; kiểm soát nguồn thải ra sông hồ; chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư…

Bên cạnh đó, các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ – Đáy và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cũng được phê duyệt và triển khai; các Ủy ban bảo vệ môi trường ba lưu vực sông cũng đã được thành lập từ hơn một thập kỷ trước. Đặc biệt, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, trong giai đoạn 2021 – 2023, đơn vị này sẽ tập trung xây dựng các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc lập Kế hoạch quản lý chất lượng nước và triển khai xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông liên tỉnh thuộc ba lưu vực sông: Cầu, Nhuệ – Đáy, Đồng Nai[1].

Dù có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý, bảo vệ chất lượng các con sông tại Việt Nam vẫn tồn tại bất cập: hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến môi trường nước chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương thiếu hiệu quả; nhiều con sông vẫn bị ô nhiễm nặng do hoạt động xả thải và các hoạt động phát triển khác…

Sự suy thoái đáng báo động của các dòng sông tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu đã tác động tiêu cực đến khí hậu, động vật hoang dã, sức khỏe cộng đồng và các nền kinh tế địa phương buộc các chính phủ cần hành động kịp thời và quyết liệt để bảo vệ các dòng sông, hệ sinh thái nước ngọt và những cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào chúng. Bảo vệ quyền được sống của các dòng sông cũng chính là bảo vệ sự sống của con người.

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, cho rằng về quản lý tổng hợp lưu vực sông phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý địa giới hành chính và quản lý tổng hợp lưu vực sông. Vì thế, để giải quyết bài toán bảo vệ lưu vực sông hiện nay, cần phải có một Ban Quản lý hoặc cơ quan quản lý chỉ đạo thống nhất tất cả các hoạt động về khai thác sử dụng nước cũng như phòng chống những thiệt hại do nước gây ra.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết 'Quyền của các dòng sông'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới