Thứ tư, 18/12/2024 13:49 (GMT+7)
Thứ năm, 12/12/2024 10:54 (GMT+7)

Rào cản phát triển bền vững nhìn từ đánh giá hiện trạng bến bãi tại Ninh Giang (Hải Dương) - Bài 6

Theo dõi KTMT trên

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng theo lộ trình giải tỏa bến bãi không phù hợp quy hoạch trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đến nay, nhiều bến bãi tại huyện Ninh Giang thiếu các thủ tục pháp lý, có vi phạm nhưng không khắc phục vẫn ngang nhiên hoạt động.

Lời tòa soạn: Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 19 tuyến đê với tổng chiều dài 373,3 km. Các tuyến đê là nơi hoạt động của rất nhiều bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng và một số ngành sản xuất, kinh doanh khác. Hoạt động bến bãi là cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Trong thời gian qua, hoạt động của các bến, bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh này đã góp phần đẩy mạnh hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa bằng đường thuỷ với tỷ trọng lớn; đáp ứng nguyên, vật liệu phục vụ các dự án, công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh; mang đến nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các bến, bãi có thời điểm diễn biến phức tạp. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến đầu tư, đất đai, thuế, đê điều, giao thông, khoáng sản, môi trường… Trong đó, nhiều trường hợp không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào hoạt động sản xuất kinh doanh không phép, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thất thu ngân sách...

Nguyên nhân theo đánh giá chung của tỉnh này là do công tác quản lý hoạt động bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập; việc xử lý các sai phạm ở bến bãi chưa được thực hiện quyết liệt; công tác thanh tra, giám sát chưa thường xuyên, nghiêm túc; công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các chủ đầu tư kinh doanh bến bãi chưa đầy đủ; ý thức chấp hành của các chủ bến bãi chưa nghiêm.

Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến bãi, tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết chỉ đạo cụ thể, tuy nhiên, việc triển khai ở một số địa phương vẫn chưa đạt kết quả thỏa đáng. Từ tính cấp thiết của vấn đề trên, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện trạng tại địa bàn huyện Ninh Giang - nơi còn tồn tại nhiều bến bãi đang hoạt động khi không đủ thủ tục pháp lý, có vi phạm nhưng không khắc phục.

Rào cản phát triển bền vững nhìn từ đánh giá hiện trạng bến bãi tại Ninh Giang (Hải Dương) - Bài 6 - Ảnh 1
Đến tháng 11/2024, địa bàn huyện Ninh Giang vẫn còn nhiều bến bãi không đủ thủ tục pháp lý và tồn tại vi phạm.

Đánh giá thực tiễn về hiện trạng hoạt động bến bãi tại huyện Ninh Giang

Nghị quyết số 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến bãi ven sông, ven kênh trục nội đồng trên địa bàn tỉnh được ban hành ngày 29/12/2023. Ngày 24/1/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 266/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36. Theo đó, tỉnh này đặt mục tiêu thời hạn trước ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành chấm dứt hoạt động, giải tỏa bến bãi không phù hợp quy hoạch.

Cũng theo Nghị quyết trên, tỉnh này kiên quyết dừng hoạt động đối với các bến bãi thiếu các thủ tục pháp lý có vi phạm nhưng không khắc phục. Nội dung chỉ đạo là vậy nhưng thực tế hiện nay tại địa bàn huyện Ninh Giang, hàng loạt bến bãi thiếu thủ tục pháp lý và có vi phạm vẫn hoạt động nhộn nhịp. Thậm chí có những bến bãi đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chưa chấp hành yêu cầu dừng hoạt động.

Theo báo cáo tháng 11/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Giang, đến nay huyện này đã dừng hoạt động và chấm dứt hoạt động đối với 14 bến bãi trên địa bàn. Trong đó có 2 bến bãi phù hợp quy hoạch nhưng không đủ thủ tục pháp lý, 12 bến bãi không phù hợp quy hoạch và không đủ thủ tục pháp lý. Toàn huyện hiện còn 19 bến bãi phù hợp quy hoạch nhưng không đủ thủ tục pháp lý vẫn đang hoạt động, trong đó có 18 bến bãi tồn tại vi phạm. Ngoài ra còn có 2 bến bãi đang hoạt động đủ thủ tục pháp lý nhưng vẫn tồn tại vi phạm.

Cụ thể, trường hợp bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của ông Vũ Đức Tuấn đang hoạt động trên tuyến đê tả sông Luộc, xã Văn Hội phù hợp quy hoạch nhưng không đủ thủ tục pháp lý. Bến bãi này có diện tích 23,218m2, tồn tại các vi phạm: Sử dụng đất sai mục đích; chưa có giấy phép môi trường; còn tồn tại nhà, công trình cũ trên bãi; mố cẩu (BTCT). Trước đó, ông Vũ Đức Tuấn đã 3 lần bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về đê điều. Thế nhưng hiện nay, đây vẫn là một trong những bến bãi hoạt động rầm rộ nhất tại địa bàn huyện Ninh Giang.

Rào cản phát triển bền vững nhìn từ đánh giá hiện trạng bến bãi tại Ninh Giang (Hải Dương) - Bài 6 - Ảnh 2
Bến bãi của ông Vũ Đức Tuấn trên tuyến đê tả sông Luộc, xã Văn Hội đã 3 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về đê điều.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tại thời điểm cuối tháng 11 vừa qua, khu vực bến bãi của ông Vũ Đức Tuấn tập kết cát, đá chất cao có ngọn. Các xe hổ vồ (howo) 4 chân tấp nập vào bến “ăn” hàng. Sau khi chứa đầy vật liệu và được che chắn sơ sài, các xe di chuyển lên trên tuyến đê có gắn biển quy định tải trọng tối đa 12 tấn gây bụi và nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo chia sẻ của cán bộ chuyên ngành thanh tra giao thông, tải trọng thiết kế của một xe hổ vồ 3 chân là khoảng 13-14 tấn chưa tính hàng hóa. Nếu đủ tải đăng kiểm mà có hàng hóa thì tổng tải trọng của xe có thể tới 24 tấn; loại xe hổ vồ 4 chân thì tải trọng cả xe và hàng hóa vào khoảng 32 tấn. Như vậy, các xe chở hàng từ bến bãi của ông Vũ Đức Tuấn có dấu hiệu vượt quá tải trọng, gây nguy cơ phá hỏng mặt đê. 

Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Bàn, Phó chủ tịch UBND xã Văn Hội. Ông Nguyễn Văn Bàn khẳng định bến bãi này không đủ thủ tục pháp lý. Từ khi ông về công tác tại xã cách đây 5 năm thì bến bãi này đã tồn tại. Ông Bàn cũng cho biết đất bãi bồi ven sông là do xã quản lý.

Các bến bãi vẫn hoạt động tấp nập, nhiều xe có dấu hiệu vượt quá tải trọng chạy trên tuyến đê.

Ngoài bến bãi vi phạm của ông Vũ Đức Tuấn, địa bàn huyện này còn tồn tại nhiều bến bãi khác đang hoạt động khi không đủ thủ tục pháp lý và có vi phạm. Điển hình như: Bến bãi diện tích 15,033m2 của ông Nguyễn Văn Chức trên tuyến đê tả sông Luộc tại xã Văn Hội; bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng có diện tích 17,170m2 của ông Hà Văn Phúc ở thị trấn Ninh Giang; bến bãi rộng 14,997m2 của ông Bùi Đức Lân ở thị trấn Ninh Giang; bến bãi của ông Đoàn Văn Bao ở xã Tân Phong; bến bãi của ông Bùi Văn Ngà và Công ty TNHH MTV Quang Thái HD cùng trên địa bàn xã Đông Xuyên cũ (nay đã sáp nhập với xã Ninh Hải để thành lập xã mới lấy tên là xã Bình Xuyên).

Các vi phạm tồn tại ở những bến bãi kể trên chủ yếu là chưa có giấy phép môi trường; còn tồn tại nhà, công trình cũ trên bãi; sử dụng đất sai mục đích. Theo báo cáo của Ban Thường vụ huyện ủy Ninh Giang, hầu hết các bến bãi vi phạm đều đã bị xử phạt VPHC từ 1 đến 3 lần. Tuy nhiên hiện nay, các bến bãi này vẫn vô tư hoạt động dù không đủ thủ tục pháp lý và có vi phạm.

Theo Hạt Quản lý đê Ninh Giang, đơn vị đã tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, làm việc nhiều lần, lập biên bản với các chủ bến bãi yêu cầu phải giải tỏa hết vật liệu ra khỏi bãi sông trước mùa mưa lũ; kết hợp phổ biến tuyên truyền yêu cầu các chủ bến bãi chấp hành nghiêm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, việc đưa vật liệu ra khỏi bãi sông trong mùa mưa lũ còn chậm, nhiều bến bãi chưa thực hiện quy định. Trong đó có các trường hợp bến bãi của các cá nhân Vũ Đức Tuấn, Hà Văn Phúc, Bùi Đức Lân không chấp hành mặc dù Hạt Quản lý đê đã lập biên bản vi phạm yêu cầu giải tỏa.

Những tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững

Các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, sản xuất kinh doanh ven sông không đủ thủ tục pháp lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững. Phần lớn các bến bãi tại huyện Ninh Giang hiện nay còn thiếu giấy phép môi trường. Cụ thể các bến bãi chưa có giấy phép môi trường: Bến bãi của ông Vũ Đức Tuấn ở xã Văn Hội (bị xử phạt VPHC 3 lần); bến bãi của ông Nguyễn Văn Chức cùng xã Văn Hội (bị xử phạt VPHC 2 lần); bến bãi của Công ty TNHH MTV Minh Thái HD ở xã Hưng Long (bị xử phạt VPHC 2 lần); bến bãi của Nguyễn Văn Trường (bị xử phạt VPHC 3 lần) ở xã Kiến Quốc cũ, nay đã sáp nhập với xã Hồng Phúc để thành lập xã mới là Kiến Phúc; các bến bãi của ông Bùi Đức Lân, ông Hà Văn Phúc, bà Hà Thị Tính cùng ở thị trấn Ninh Giang và đều bị xử phạt VPHC 3 lần…

Rào cản phát triển bền vững nhìn từ đánh giá hiện trạng bến bãi tại Ninh Giang (Hải Dương) - Bài 6 - Ảnh 3
Nhiều bến bãi đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không khắc phục.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Giấy phép môi trường nhằm đảm bảo rằng khi triển khai các dự án có tác động xấu đến môi trường thì các tổ chức, cá nhân phải có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật. Giấy phép này cũng là công cụ quan trọng để quản lý và kiểm soát các hoạt động có tác động đến môi trường tại nước ta. Việc hiểu rõ nội dung, thẩm quyền cấp và các yêu cầu liên quan đến giấy phép môi trường sẽ giúp các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định pháp luật, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Để được cấp giấy phép môi trường, doanh nghiệp phải trải qua các bước kiểm tra, thẩm định hồ sơ, công trình bảo vệ môi trường, chất lượng nước thải và khí thải trước khi thải ra môi trường… Khi được cấp giấy phép môi trường, doanh nghiệp đã đảm bảo được yếu tố bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ hiện trạng hàng loạt các bến bãi chưa có giấy phép môi trường tại huyện Ninh Giang (Hải Dương), vấn đề đáng lo ngại là nguy cơ ô nhiễm đến từ các bãi tập kết, sơ chế vật liệu xây dựng hoạt động không tuân thủ quy định bảo vệ môi trường. Trong khi đó, bảo vệ môi trường lại là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Vi phạm về sử dụng đất sai mục đích tại các bến bãi ở địa phương này cũng tiềm ẩn nguy cơ hủy hoại tài nguyên môi trường, trở thành rào cản trong lộ trình phát triển bền vững. Cụ thể, các bến bãi sử dụng đất sai mục đích của các cá nhân: Vũ Đức Tuấn, Nguyễn Văn Hùng, Bùi Văn Nam, Bùi Đức Lân, Hà Văn Phúc, Hà Thị Tính, Đoàn Văn Bao, Bùi Văn Ngà, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Đấu, Hà Thị Bưởi, Doanh nghiệp tư nhân Thành Lộc, Công ty TNHH MTV Quang Thái HD.

Rào cản phát triển bền vững nhìn từ đánh giá hiện trạng bến bãi tại Ninh Giang (Hải Dương) - Bài 6 - Ảnh 4
Một số bến bãi vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, tiềm ẩn nguy cơ huỷ hoại tài nguyên.
Rào cản phát triển bền vững nhìn từ đánh giá hiện trạng bến bãi tại Ninh Giang (Hải Dương) - Bài 6 - Ảnh 5
Xe chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá tải chạy trên đê tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngoài những rủi ro kể trên, hoạt động bến bãi không đủ thủ tục pháp lý và tồn tại vi phạm còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hành lang đê phòng chống mưa lũ, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đây đều là những vấn đề liên quan mật thiết đối với việc phát triển bền vững. Kính đề nghị huyện Ninh Giang khẩn trương triển khai theo đúng lộ trình mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề ra về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng trên địa bàn.

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.

“Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy? Đây là một trong những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Rào cản phát triển bền vững nhìn từ đánh giá hiện trạng bến bãi tại Ninh Giang (Hải Dương) - Bài 6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới