Chủ nhật, 24/11/2024 06:57 (GMT+7)
Thứ tư, 19/08/2020 07:00 (GMT+7)

Rút phương án điện 1 giá: Đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia và người dân cho rằng, phương án điện 1 giá với mức tính bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân là quá cao, không đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện.

Bỏ phương án điện 1 giá

Tại dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014, Bộ Công thương đã đưa ra 2 phương án với nhiều sự lựa chọn khác nhau. Phương án 1 tính theo 5 bậc (hiện đang áp 6 bậc) và phương án 2 gồm 2 cách tính: 1 là 2A (5 bậc và 1 giá 145% giá bình quân) và 2B (5 bậc và 1 giá 155% giá bình quân).

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc đưa ra nhiều biểu giá điện khác nhau là để đảm bảo các mục tiêu tiết kiệm điện, hài hoà lợi ích giữa các đối tượng.

Rút phương án điện 1 giá: Đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi - Ảnh 1
Nếu áp dụng phương án điện 1 giá sẽ không thực hiện được mục tiêu tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, các kịch bản 2A và 2B (của phương án 2) mặc dù giúp khách hàng có thêm lựa chọn nhưng lại không khuyến khích được khách hàng sử dụng điện tiết kiệm.

Theo Bộ Công thương, nếu thực hiện phương án 1 giá thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 đồng. Ngoài ra, không thực hiện được mục tiêu tiết kiệm điện.

Còn nếu chọn phương án 5 bậc giá thì giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn. Chẳng hạn, ngay từ bậc 2, với hộ dùng từ 101 kWh trở lên đã áp giá cao hơn giá điện bình quân 8%, nên người dùng sẽ phải trả cao hơn so với cách tính hiện tại trên cùng 1 số lượng điện tiêu thụ.

Do đó, tại cuộc họp chiều 18/8, Cục Điều tiết điện lực xin đề xuất bỏ phương án 2A và 2B, chỉ còn lại phương án 1 tính giá điện theo 5 bậc sau khi tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia và qua nghiên cứu.

"Dù 2 phương án này ưu việt, cho khách hàng có thêm sự lựa chọn, nhưng không khuyến khích được khách hàng tiết kiệm điện. Cục kiến nghị cho rút khỏi dự thảo phương án 2A và 2B, chỉ đề xuất 1 phương án giảm 6 bậc hiện tại xuống 5 bậc, và điều chỉnh các bậc cho phù hợp", ông Tuấn nói.

Kiến nghị bỏ phương án điện 1 giá của Cục Điều tiết nhận được sự đồng tình của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Theo đó, ông Hải cho rằng, trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, sẽ là không phù hợp nếu áp dụng điện 1 giá. Đó là chưa kể phương án này không khuyến khích tiết kiệm điện.

Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Phương Hoàng Kim cũng đồng tình với kiến nghị rút lại phương án điện 1 giá. Đồng thời, ông đưa ra đề xuất biểu giá điện cần dựa trên cơ sở làm rõ nội dung về khoảng cách biểu giá, cần phân tích rõ tại sao sử dụng phương án biểu giá điện 5 bậc thang so với 6 bậc thang trước đây để việc tính giá tiêu thụ điện được minh bạch, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Dù là phương án nào 5 bậc hay 3 bậc cũng phải đảm bảo giá điện bình quân không bị thay đổi".

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia cũng như đề xuất của Cụ Điều tiết điện lực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tiếp tục chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện các phương án biểu giá điện mới.

Ông Tuấn Anh cũng yêu cầu bổ sung thành phần Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào Tổ công tác để đảm bảo sự đồng thuận, khách quan, minh bạch.

Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh chỉ đạo ban soạn thảo tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 nhằm giảm bớt số bậc thang và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân...

Được biết, Bộ Công thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định vào quý 3 năm nay sau khi hoàn thiện, làm rõ phương án 5 bậc thang, tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà quản lý, chuyên môn khoa học để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cao.

Bộ Công thương mới đây công bố dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Theo đó, đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, Bộ đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 là xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 5 bậc. Trong đó, ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (0-100kWh) và có giá bán được giữ nguyên như bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến 101-200 kWh; ghép các bậc 201-300kWh với 301-400kWh thành bậc mới, tuy nhiên, tách bậc thang trên 401kWh thành 2 bậc mới là 401-700kWh và trên 700kWh.

Phương án 2 là xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 5 bậc như phương án 1 và có cả giá bán lẻ điện 1 giá để khách hàng tự do lựa chọn. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện 1 giá. Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Cả 2 phương án điều chỉnh đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt.

Nếu áp giá điện 1 giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700 kWh/tháng. Phương án này có lợi cho các khách hàng sử dụng điện nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng tới trên 98% khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.

Mức giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương quy định hiện là 1.864,44 đồng/kWh. Như vậy, trường hợp giá bán lẻ điện 1 giá được chọn sẽ tương ứng lần lượt là 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh, chưa bao gồm VAT.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Rút phương án điện 1 giá: Đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới