Sản phẩm 'xanh' mang thông điệp bảo vệ môi trường
Những sản phẩm xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đang dần được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Túi xách sử dụng nguyên liệu từ bèo tây, mũ làm từ bẹ ngô.
Mỗi sản phẩm là một thông điệp môi trường mà chị Hoàng Thị Hưng (thôn Đồng Minh, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) muốn gửi gắm, không những thân thiện với môi trường, mà còn có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao.
Đam mê những sản phẩm truyền thống sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, chị Hoàng Thị Hưng không ngần ngại bỏ công việc ổn định, về quê khởi nghiệp. Sau nhiều nỗ lực, sản phẩm túi xách, mũ từ bèo tây, bẹ ngô của chị đã được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Chị Hoàng Thị Hưng tự hào khi được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao |
Gia đình chị Hưng có nghề làm chổi đót lâu năm. Trước đây, chị công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Lộc. Thế nhưng, sau nhiều năm công tác, nhận thấy niềm đam mê còn bỏ chững, chị không ngần ngại bỏ hẳn công việc ổn định, về quê làm kinh doanh. Ban đầu, chị khởi nghiệp với mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây gấc. Tới năm 2015, thị trường gấc bão hòa, chị đi nhiều nơi, nhiều làng nghề học hỏi kinh nghiệm làm túi xách thủ công từ những nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên.
Bằng niềm đam mê, bàn tay khéo léo và sức sáng tạo sẵn có, chị đã làm nên những sản phẩm túi xách với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau từ nguyên liệu bèo tây. Sau đó, chị mày mò làm thêm các loại mũ từ bẹ ngô.
Những khó khăn bước đầu, những nỗ lực cố gắng để đưa sản phẩm đến với thị trường được người tiêu dùng biết tới là cả một quá trình gian nan. Được tận mắt nhìn thấy những chiếc túi xách với nhiều kích cỡ, mẫu mã, kiểu dáng mới thấy bàn tay con người thật khéo léo. Từ những loại cây hoang dại như bèo tây, bẹ ngô chỉ là rác thải trong sản xuất nông nghiệp lại có thể trở thành những chiếc túi, chiếc mũ đẹp và có hồn tới như thế. Trong đó là cả tâm huyết, niềm đam mê của chị Hưng gửi gắm. Mong muốn những sản phẩm sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường tới gần hơn với người tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần bảo vệ môi trường.
Mũ làm từ bẹ ngô - trước đây chỉ là rác thải trong sản xuất nông nghiệp |
Chị Hưng chia sẻ: Sinh ra trên vùng đất thuần nông, gắn bó với đồng ruộng từ bao đời nay, nhìn thấy các nguyên liệu sẵn có tại địa phương cùng đam mê với các sản phẩm thủ công truyền thống, chị khát khao có thể làm nên một sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu riêng. Chị tới nhiều nơi, nhiều làng nghề thủ công để học hỏi. Được thầy Phạm Ngọc Thạch, một nghệ nhân thủ công mỹ nghệ của tỉnh Ninh Bình chỉ bảo cách đan lát, chị đã mày mò tạo nên các loại túi xách với nhiều kích cỡ, kiểu dáng, mẫu mã từ cây bèo tây. Sau đó chị tự sáng tạo cách đan bẹ ngô rồi kết thành những chiếc mũ.
“Những sản phẩm tại cơ sở chỉ sử dụng nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, tất cả đều làm bằng tay. Tôi luôn tâm niệm làm tất cả bằng niểm đam mê, từ cái tâm. Nhìn thấy nhiều nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhưng lại bỏ phí thật không đành lòng. Cái chính là tạo công ăn việc làm, tránh lãng phí nguyên liệu sẵn có, mỗi người cùng chung tay sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức từ người sản xuất tới người tiêu dùng”, Chị Hưng tâm sự.
Qua nhiều khó khăn, bằng sự quyết tâm cao không nản lòng, sản phẩm túi xách làm từ nguyên liệu bèo tây và mũ làm từ bẹ ngô của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông Phú do chị Hoàng Thị Hưng làm chủ đã được phân phối ở nhiều điểm du lịch ở các tỉnh thành như: Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng… Vinh dự hơn, vào dịp 20/10 vừa qua, sản phẩm túi xách sản xuất từ nguyên liệu bèo tây đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao.
Thanh Tâm