Chủ nhật, 24/11/2024 10:54 (GMT+7)
Thứ năm, 07/11/2019 16:00 (GMT+7)

Sống xanh bắt đầu từ những chuyến du lịch

Theo dõi KTMT trên

Sự tiện dụng, nhẹ nhàng của đồ nhựa đã tạo nguồn rác khổng lồ xuất phát từ hai tiếng “du lịch”. Chính sự tiện dụng này đang trở thành cơn khủng hoảng với môi trường sống, nhất là các điểm du lịch. Hô hào mọi người sống xanh tại nhà đã khó, muốn người dân nâng cao ý thức, chung tay giải cứu môi trường ở nơi công cộng chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Sống xanh bắt đầu từ những chuyến du lịch - Ảnh 1
Doanh nghiệp lữ hành, sinh viên du lịch và người dân tham gia thu nhặt rác tại xã Đường Lâm.

Chiến dịch mới ở ngôi làng cổ

Là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2006, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vẫn đang là điểm du lịch hút khách khi chỉ cách trung tâm Thủ đô chừng 40km về phía tây thành phố. Đây cũng là làng cổ lâu đời mang rất nhiều nét văn hóa đặc sắc vì là nơi duy nhất “một ấp hai vua” - nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền khiến du khách ai cũng một lần muốn ghé qua. Cho tới hôm nay, ngôi làng vẫn giữ được những đặc trưng đậm nét làng quê Bắc Bộ với đình làng, cây đa, bến nước, chùa miếu…

Thế nhưng, du lịch càng phát triển, đồ nhựa càng đổ về làng đá ong nhiều hơn. Bên cạnh chén nước vối, bánh chè lam truyền thống là lố nhố chai nước khoáng, nước giải khát, những chiếc túi nilon tiện dụng đựng quà quê cho khách. Bãi rác của làng cũng đầy lên với tràn ngập túi nilon và rác thải nhựa khiến chính quyền địa phương lo lắng. Để “giải cứu” làng cổ, UBND xã Đường Lâm, trường Cao đẳng du lịch Hà Nội và Công ty du lịch Tiên Phong đã bắt tay nhau cùng phát động “Chiến dịch xanh” thu gom, xử lý rác đúng cách tại Đường Lâm.

Sống xanh bắt đầu từ những chuyến du lịch - Ảnh 2
Làng cổ Đường Lâm.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã Đường Lâm chia sẻ: Xã xác định bảo vệ môi trường chính là phát triển du lịch bền vững và lâu dài. Đối với hoạt động du lịch, xã yêu cầu các hộ dân có hướng dẫn, cam kết bảo vệ môi trường. Với những hộ chăn nuôi gây ô nhiễm, xã có quy hoạch riêng xa khu du lịch để giảm thiểu mức thấp nhất ô nhiễm môi trường. Những hộ kinh doanh có nhiều rác thải ra môi trường phải thu gom đúng nơi quy định, đúng giờ, chủ yếu thu gom vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.

Cũng theo ông Thành, bảo vệ môi trường không phải là vấn đề của riêng ai, nếu chỉ một gia đình hạn chế túi nilon không thể thay đổi được gì, phải kêu gọi mọi người cùng phát triển du lịch bền vững, quan tâm đến môi trường nhiều hơn. Chính quyền quyết tâm, người dân nỗ lực, mỗi tác động nhỏ góp nhặt tạo thành tác động lớn. “Sắp tới Đảng uỷ xã Đường Lâm sẽ ra nghị quyết về bảo vệ môi trường, trong đó giao cho Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong xã tuyên truyền đến hội viên của mình làm thế nào để cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, không vứt rác thải, nhất là rác thải nhựa. Bên cạnh đó, xã cũng tuyên truyền, mong có sự hưởng ứng từ du khách và đơn vị làm du lịch” - ông Thành nói.

Từ nhiều tuần nay, một số chủ nhà cổ đã bắt đầu hạn chế dùng đồ nhựa, khuyên khách du lịch hạn chế sử dụng túi nilon và các đồ nhựa dùng một lần. Bất cứ đoàn khách du lịch nào, công ty lữ hành nào đặt chân đến xã sẽ được tuyên truyền để chung tay cùng xã thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Chương trình “Chiến dịch xanh” tại xã Đường Lâm là một phần trong kế hoạch hưởng ứng hướng dẫn của Sở Du lịch Hà Nội về việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Sống xanh bắt đầu từ những chuyến du lịch - Ảnh 3
Biển Đà Nẵng ngập rác sau trận bão.

Du lịch không chỉ là đi chơi

Thực trạng ô nhiễm môi trường và nguy hại từ rác thải nhựa đã không còn là những cảnh báo vô căn cứ hay viễn cảnh xa xôi. Ngay sáng 2/11 mới đây, sau cơn bão đổ bộ, nhiều bãi biển ở Đà Nẵng đã bất động trong tình trạng ngập rác, nhiều nhất là các chai lọ nhựa, nước giải khát đã sử dụng dạt vào bờ. Đà Nẵng, Quy Nhơn... hay bất kì một bãi biển nào đều dễ thấy tình trạng “bão rác” sau mỗi lần có cơn bão càn quét.

Theo thống kê, năm 2018, ngành du lịch Việt Nam phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa và 15 triệu khách nước ngoài. Với khách đi tour, các đơn vị lữ hành thông thường sẽ phát từ 1 đến 2 chai nước mỗi ngày. Như vậy, hàng trăm triệu chai nhựa cần phải xử lý. Việt Nam đứng thứ 4 về lượng rác thải nhựa đẩy ra đại dương khiến các sản phẩm du lịch dần kém hấp dẫn trong mắt du khách. Nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam chia sẻ: người Việt có thói quen sử dụng túi nilon. Một số điểm du lịch tại Việt Nam rất nhiều rác, ví dụ như ở Hạ Long, Cát Bà. “Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần” - ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Đứng dưới góc độ của người làm lữ hành, ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam bày tỏ quan điểm, hiện nay nhiều doanh nghiệp dịch vụ, du lịch vẫn đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà quên đi trách nhiệm với môi trường và các sản phẩm du lịch. “Hơn 3.000 km đường biển của Việt Nam và hàng loạt khu du lịch đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề khiến sức hấp dẫn của những điểm đến này giảm dần trong mắt du khách. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch bởi tất cả các đơn vị lữ hành sống dựa vào những điểm đến. Do đó, bên cạnh phát động các chương trình không dùng rác thải nhựa thì quan trọng là Bộ ngành và địa phương phải có quy định cụ thể về không dùng rác thải nhựa và có quy chế xử phạt, từ đó, các đơn vị du lịch, dịch vụ và du khách phải tuân thủ quy định” – ông Thắng khẳng định.

Tín hiệu đáng mừng là nhiều công ty du lịch đã biết nâng cao nhận thức, muốn được kết nối cộng đồng để hướng đến một tương lai không rác thải nhựa. Các Sở Du lịch các tỉnh thành như Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế … đã quyết tâm vào cuộc trước vấn nạn rác thải nhựa đang “đè nặng” các điểm du lịch. Nhiều Sở có hướng dẫn các các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn nghiêm túc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch… ngoài việc sử dụng chọn lọc và ưu tiên đặt mua sản phẩm có dán nhãn thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng bao bì hữu cơ, bao bì phân hủy, bao bì sử dụng nhiều lần phải chú trọng ứng dụng công nghệ quản lý du lịch theo hướng bền vững; phải quan tâm việc áp dụng các tiêu chí chứng nhận nhãn du lịch bền vững, tiêu chí khách sạn xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng... tại cơ sở của doanh nghiệp.

Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp du lịch không chỉ tuyên truyền mà còn hành động cụ thể, thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước. Các phòng họp, khách sạn cũng “rậm rịch” chuyển sang dùng cốc, chai thuỷ tinh để sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre...

Cuối năm 2018, đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc từng công bố thông tin mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Bạn đang đọc bài viết Sống xanh bắt đầu từ những chuyến du lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới