Chủ nhật, 24/11/2024 12:58 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/12/2019 08:45 (GMT+7)

Sốt ruột tiền mua…Tết

Theo dõi KTMT trên

Tiền mua bộ áo mới cho con cháu, tiền sửa sang mồ mả các cụ, tiền sắm một cái cái Tết trọn vẹn... Với nhiều người lao động tự do ở Thủ đô, Giáng sinh đến nghĩa là Tết đã rất gần, giáp Tết là quãng thời gian sốt ruột nhất trong năm.

Hoa quả ế, sức lao động ế

Cứ nghĩ đến tiền mua một cái Tết sắp đến, bà Nhân lại không ngủ được. Hôm nay bà đứng ở cầu Đăm (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cả ngày không có ai mướn đi làm việc gì. Trời lạnh, gió thổi lộng gáy, bà chỉ mong được người ta mướn đi thu hoạch hoa Tây Tựu hay đi dọn nhà kiếm trăm ngàn qua ngày mà khó quá. Sáng sớm hôm sau, bà trằn trọc, dậy sớm, ra đứng ở cầu Đăm từ 5h sáng. Thấy người ta tấp xe vào, hỏi đôi ba câu giá cả rồi phóng đi, bà lại lủi thủi ngồi vào chỗ khuất gió.

Giá chung của những người đàn bà ở chợ lao động cầu Đăm này là 50.000 đồng/ giờ làm việc, nếu khoán một ngày dọn dẹp thì tất cả chừng 250.000 - 300.000 đồng một ngày công. Tất cả đều đi xe đạp, những chiếc xe đạp thô sơ xếp la liệt ở cầu. Những ngày mưa gió, số lao động thời vụ đứng ở khu chợ này vẫn chẳng giảm, vì ai cũng cần việc, cần tiền. “Dịp này hàng năm là nhiều việc lắm đấy, người ta xây nhà, dọn nhà ầm ầm, năm nay thì ít quá. Trời cứ hiu hắt, việc thì chẳng thấy đâu. Hai ba ngày mới được người ta gọi đi thu hoạch hoa, kiếm hôm nào ăn hôm ấy” – bà Nhân nói.

Sốt ruột tiền mua…Tết - Ảnh 1
Sạp hoa quả ế ẩm trước trạm bơm.

Cách đấy vài bước chân, sạp hoa quả của một bà lão nghèo trong làng Tây Tựu cũng trong tình trạng ế ẩm. Bà bảo: “Chợ người ế, hoa quả cũng ế, năm nay ế giật mình. Có hôm con dâu tôi ra xếp hàng giúp mẹ mà sửng sốt vì vẫn đầy cả xe hoa quả. Cả ngày chẳng kiếm nổi trăm ngàn, không hoàn nổi vốn”. Những mẹt cóc non, quýt tí hon, xoài xanh… bày la liệt trước cửa trạm bơm thôn 1 xã Tây Tựu chỉ có chủ hàng ngắm. Chốc lát mới có người dừng lại hỏi mua. Hoa quả ế ẩm, chẳng còn tươi nên giá cũng rẻ như cho, quýt nhỏ 10.000 đồng/kg, khoai bở 10.000 đồng/kg, xoài xanh 6.000 đồng/kg… Càng Tết, bà lão càng tỏ ra sốt ruột vì hoa quả cứ nằm im trước mặt. “Mấy bà kia còn chẳng được ai mướn, làm gì có tiền mua hoa quả. Sinh viên gần đây lại càng tiết kiệm…” – bà thở dài.

Gần trung tâm thành phố hơn, khu chợ lao động dưới gầm cầu ngã tư Xuân Thủy – Phạm Hùng - Hồ Tùng Mậu cũng hiu hắt không kém. Ai cũng tưởng vào dịp cuối năm thì nhu cầu cần lao động thời vụ tăng hơn các thời điểm khác do công việc xây dựng, sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa tăng, nhưng thực tế lại chẳng như trông đợi. Thậm chí, những ngày cuối năm là cuộc vận lộn mưu sinh đầy khó nhọc đối với những người lao động tự do ở Hà Nội.

Sốt ruột tiền mua…Tết - Ảnh 2
Những lao động tự do chuẩn bị vào nội thành để tìm việc thời vụ dịp cận Tết.

Chị Nguyễn Nhàn, mới chân ướt chân ráo đến Hà Nội chia sẻ, cứ xong mùa màng đến lúc nông nhàn là chị lại gửi con cho ông bà rồi khăn gói lên Hà Nội. “Làm nông lấy đâu tiền tiết kiệm, phải lên phố kiếm việc mới có chút tiền ăn Tết. Lúc đầu tôi gánh vác thuê ở chợ Đồng Xuân, Long Biên nhưng giờ ở đó đông người quá, ít việc nên tôi đứng ở chợ lao động. Ở đâu nhiều việc là tôi dạt về” – chị Nhàn kể.

Ngồi cả ngày, phần lớn những người như chị Nhàn sẵn sàng nhận mọi việc, miễn là có việc, người khác ngã giá 100.000 đồng một giờ, nhưng với chị Nhàn chỉ cần 50.000-70.000 đồng/giờ là chị nhận. “Ngồi không lấy gì mà ăn, Tết còn bao thứ chi tiêu, nhà tôi còn hai con gái đang tuổi ăn học” – chị nói.

Ở chợ lao động Mai Dịch này, dịp cuối năm, ai cũng hy vọng người ta sửa sang, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa thật nhiều để thuê mướn nhân công. Thế nhưng năm nay, kinh tế khó khăn, người đi thuê cũng ít. “Phần lớn người ta tự làm, việc gì vất vả lắm mới thuê chúng tôi” – một chị trong nhóm lao động chân cầu nói chen vào. Không chỉ riêng chợ lao động tại chân cầu vượt này rơi vào cảnh “trăm người bán” mà chẳng có “vạn người mua”, hầu hết các chợ lao động ở Thủ đô thời điểm này đều vắng khách.

Khó kiếm tiền vì mù công nghệ

Mùa Đông giá rét, quanh khu “chợ người” ở Tây Tựu hay Mai Dịch, người ta dạt hết sang mấy quán nước bên cạnh. Những quán nước được che đậy bởi những tấm bạt, tấm áo mưa, có tấm rách tả tơi. Từ sáng đã có vài người dừng xe hỏi giá ở chợ lao động Mai Dịch, nhưng đều vặn ga phóng đi. Không phải vì không thống nhất được giá, mà vì lao động nghèo ít học, ít điều kiện nên chẳng biết dùng các đồ công nghệ.

Sốt ruột tiền mua…Tết - Ảnh 3
Tất cả đều từ quê ra, bám Hà Nội, phơi mặt giữa gió lạnh, không có thu nhập ổn định, không bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, không có bất cứ điều gì đảm bảo cho một cái Tết ấm no đang gần kề.

“Chị ấy thuê dọn dẹp, hút bụi, lau nhà và nấu cơm chiều cho chồng con, nhưng nhà chị toàn đồ xịn, chúng tôi không biết làm. Đợt trước có anh thuê về dọn dẹp nhà mới, tôi không biết dùng đồ điện nên chẳng may làm cháy một ấm nước, cả ngày công chẳng đủ tiền đền chủ. Làm bốc vác, làm phu hồ thì tôi nhận, chứ làm ở nhà riêng, mày mò mấy đồ gia dụng điện tử thì tôi chịu” – một phụ nữ khoảng 60 tuổi phân trần.

Người ta có trình độ, biết sử dụng đồ công nghệ hiện đại thì kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày công, tôi chỉ làm những việc đơn giản, 50.000 cũng đành”

- Chị Nhàn -

Giữa cuộc sống xô bồ và hiện đại, những đám người lố nhố đứng ở chợ lao động chẳng qua bất cứ lớp đào tạo nào. Trình độ hạn chế, kiến thức hạn chế, đến chuyện đi xe máy đến nhà chủ cũng khó. Nghe một chị kể, nhà chủ ở Nguyễn Thái Học thuê chị về rửa bát, chị đi xe đạp lâu quá bị mắng suốt ngày. Chị đổi sang đi xe buýt thì lạc đường, sang mãi tận Gia Lâm… “Người ta có trình độ, biết sử dụng đồ công nghệ hiện đại thì kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày công, tôi chỉ làm những việc đơn giản, 50.000 cũng đành” – chị Nhàn cười.

Tương tự, những nhân công nông nhàn ở Tây Tựu cũng an phận với những công việc tay chân ít tiền vì ngại học sử dụng đồ công nghệ. Ở chợ Đăm này, phần nhiều là phụ nữ đã lớn tuổi, tầm 60 đổ lên, người ta ngại đi xa, chỉ nhận những việc gần, loanh quanh khu vực Nhổn và Tây Tựu. Nói đến đường Hồ Tùng Mậu, có bà lắc đầu không biết ở đâu. Một chị gái chừng 50 tuổi còn ngơ ngác không biết phố ấy ở đâu, đi bao xa, vì cả đời chị chỉ quanh quẩn ở làng. “Chị chỉ biết đi xe đạp, đi xe buýt chị sợ móc túi, lạc đường. Đi xa thì phải chủ nhà đèo đi. Tiền công chị sẽ trừ bớt cho tiền đèo chị về” – chị thật thà phân bua. Cái điện thoại “cục gạch” dùng để liên hệ với khách hàng đã là thứ công nghệ quá xa xỉ với chị.

Dịp cuối năm đang “vào mùa”, công việc với dân lao động tự do vẫn ít ỏi. Dù thế, những khu chợ lao động khắp Hà Nội vẫn cứ nhộn nhịp đông người. Tất cả đều từ quê ra, bám Hà Nội, phơi mặt giữa gió lạnh, không có thu nhập ổn định, không bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, không có bất cứ điều gì đảm bảo cho một cái Tết ấm no đang gần kề.

Có một thực tế là lao động nông thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều doanh nghiệp chưa nhiệt tình và tin cậy để sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của nông dân. Việc phổ biến nghề mới, đào tạo nghề, tư vấn nghề và hỗ trợ các kỹ năng nghề cũng như hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào khu vực nông thôn cũng còn rất hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu khả năng giải quyết việc làm cho các bà các chị nông nhàn, thậm chí cả thanh niên trẻ ở nông thôn. Điều này đã khiến lực lượng lao động nông thôn phải bươn trải, xa quê đi tìm cái Tết ấm no ở vùng đất khác...

Bạn đang đọc bài viết Sốt ruột tiền mua…Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới