Chủ nhật, 24/11/2024 06:15 (GMT+7)
Thứ tư, 20/05/2020 06:00 (GMT+7)

Sửa Luật Bảo vệ môi trường: Quyết sách lớn cho phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam về dự thảo sửa đổi Luật này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Sức chịu tải của môi trường đã vượt quá ngưỡng

PV: Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) đã được sửa đổi nhiều lần, nhưng đến nay việc sửa đổi luật này được đặt ra cấp bách hơn. Vậy những vấn đề nào là trọng tâm cần sửa đổi lần này, thưa ông?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Năm 1993, Luật BVMT được thông qua lần đầu tiên và có hiệu lực từ năm 1994. Sau đó, Luật BVMT được sửa đổi hai lần (năm 2005, năm 2014) và giờ là lần thứ 4 sửa đổi Luật này. Hiện nay, trong lĩnh vực BVMT các điều khoản thi hành trên thực tế nằm rải rác ở các luật khác nhau như Luật Xây dựng, Tài nguyên nước, Y tế… Theo tôi, lần sửa đổi này cần thiết phải xem xét một cách tổng thể theo hướng tập trung bao quát đầy đủ các điều khoản ở các luật chuyên ngành khác, để tránh sự chồng chéo, thiếu hụt và bỏ lọt những điều mà chúng ta chưa nhìn thấy hết hay mới nảy sinh.

Sửa Luật Bảo vệ môi trường: Quyết sách lớn cho phát triển bền vững - Ảnh 1
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Ngoài ra, các vấn đề như thuế môi trường, lệ phí, tạo nguồn tài chính cho hoạt động BVMT rất cần thiết phải được quy định cụ thể. Đặc biệt là nguồn lực tài chính mà ở các Luật trước đây quy định rất mờ nhạt và thậm chí là thiếu. Bên cạnh đó, những vấn đề toàn cầu như Biến đổi khí hậu… thì các Luật trước chưa đề cập đến. Trước đây, chúng ta nói là chuyển từ kinh tế nâu - tiêu tốn năng lượng sang kinh tế xanh - sử dụng năng lượng tái tạo, hài hòa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ở thời điểm này cần phải nhấn mạnh bằng mọi giá không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Vì vậy, Luật BVMT năm 2014 không còn thực sự đáp ứng được yêu cầu.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là sau hơn 5 năm kể từ khi Luật BVMT năm 2014 đi vào cuộc sống, đến nay chất lượng môi trường nhiều nơi vẫn tiếp tục xấu đi. Thực tế, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng, đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhiều khu - cụm công nghiệp, làng nghề, nhà máy xi măng,…

Những sự cố môi trường xảy ra thời gian qua đòi hỏi một cái nhìn hết sức tổng thể, thiên tai chỉ là một phần, mà nguyên nhân còn đến từ con người. Rõ ràng, vấn đề BVMT của chúng ta không còn ở mức cảnh báo mà đã đến ngưỡng báo động đỏ, rất cấp thiết, đòi hỏi các cơ quan quản lý cũng như các nhà hoạch định chính sách cần có giải pháp thay đổi để hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

PV:Có ý kiến cho rằng, phát triển kinh tế quá “nóng” đã để lại những hệ luỵ cho môi trường, do đó đã đến lúc không thể hi sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, cũng không thể để thiên nhiên “oằn mình” chịu đựng những hoạt động phát triển thiếu bền vững. Quan điểm của ông như thế nào?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Quan điểm trên là hoàn toàn đúng. Thực tế ở Việt Nam đang cho thấy sức chịu tải của môi trường đã vượt quá ngưỡng. Thậm chí có thể nói rằng, hiện trạng môi trường của chúng ta đang ở mức “không thể chịu đựng thêm được nữa”.

Sửa Luật Bảo vệ môi trường: Quyết sách lớn cho phát triển bền vững - Ảnh 2
Toàn cảnh khu vực nhà máy nước sông Đà - tâm điểm của sự cố xả dầu thải.

Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt sự cố môi trường nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Điển hình như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, cháy nổ ở rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do đổ bùn thải trái phép tại Hòa Bình…

Tuy nhiên, tôi cho rằng những sự cố môi trường mới chỉ là một phần nổi của “tảng băng chìm” về bức tranh ô nhiễm hiện nay. Bởi với 878 khu đô thị, 280 khu công nghiệp, 683 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, hơn 13.000 cơ sở y tế, hơn 5.400 làng nghề… đang hoạt động, phát sinh hơn 9 triệu m3 nước thải sinh hoạt, (tỉ lệ thu gom chỉ khoảng 12%), 650.000m3 nước thải công nghiệp, 125.000m3 nước thải y tế, đã khiến nhiều sông, hồ trên cả nước không còn khả năng tự làm sạch, trở thành nơi chứa nước thải.

Tại phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc đến 3 trụ cột phát triển bền vững, gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường. Điều này cho thấy, vấn đề BVMT là rất quan trọng. Bởi vậy, Luật BVMT (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập và đưa vào các quy định phù hợp với hoàn cảnh đất nước, đảm bảo “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” nhưng cũng không gây cản trở cho sự phát triển.

2% tổng chi ngân sách cho BVMT

PV: Nguồn tài chính cho hoạt động BVMT lâu nay chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Theo ông, Luật BVMT sửa đổi có thể tạo được cơ chế, tăng nguồn tài chính cho BVMT giúp cho các hoạt động BVMT đạt được hiệu quả cao hơn?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cần xem xét. Từ trước đến nay, nước ta đã có nguồn ngân sách riêng cho BVMT nhưng không đáng kể (chỉ khoảng 1% tổng chi ngân sách Nhà nước và kèm theo điều khoản tăng dần theo mức tăng trưởng của nền kinh tế). Nhưng nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước thì không thể đủ chi phí.

Vì vậy, tôi kỳ vọng rằng Luật BVMT sửa đổi có thể nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, phải làm sao để xử lý nước thải không còn chất thải độc hại (zero waste). Đơn cử, tổ chức nào có hành vi xả chất thải ra môi trường rồi thì phải có những quy định bắt buộc phải bỏ kinh phí để xử lý.

Nhà nước có trách nhiệm cao nhất trong vấn đề BVMT, có các chỉ đạo cũng như quy định về thu thuế, phí và từ đó quay trở lại để đầu tư cho BVMT. Tuy nhiên, tôi mong rằng thuế, phí thu được từ BVMT chỉ sử dụng cho BVMT, không sử dụng cho các mục đích khác. Bởi nguồn chi phí đã ít, nếu sử dụng cho các mục đích khác sẽ lại càng ít.

Ngoài ra, cần có cơ chế để thu hút các nguồn lực, đóng góp của cộng đồng, đa dạng hóa các nguồn thu cho các hoạt động BVMT. Cần lưu ý rằng việc đóng góp không chỉ là vấn đề tài lực, mà cả các đóng góp bằng nguồn lực khác như nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ…

Đặc biệt, chế tài xử phạt cần nghiêm minh hơn, để đủ tính răn đe.

Sửa Luật Bảo vệ môi trường: Quyết sách lớn cho phát triển bền vững - Ảnh 3
Một bãi biển ở Bình Thuận ngập trong rác thải. (Ảnh: Lekima Hùng)

PV: Theo ông, con số chi tối thiểu 2% ngân sách cho BVMT có phù hợp ở thời điểm này?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Khi Bộ KHCN&MT soạn thảo Luật BVMT lần đầu, chúng tôi đề xuất mức chi ngân sách cho BVMT lúc đó là 3%. Tuy nhiên, khi Bộ Chính trị họp năm 2004 đã quyết định mức chi ngân sách là 1% và tăng dần theo mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, theo tôi con số 2% không nhiều nhưng đã rất quý, là động lực cho các hoạt động BVMT.

PV: Xin ông cho biết những đánh giá và kỳ vọng của mình về dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) lần này?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Trước đây, khi còn công tác ở Vụ Môi trường (Bộ TN&MT) tôi đều được tham gia, trực tiếp đóng góp ý kiến nội dung các Luật BVMT năm 1993 và năm 2005. Luật BVMT năm 2014 và sửa đổi hiện nay, tôi tham gia với tư cách chuyên viên của tổ soạn thảo.

Tôi nhận thấy rằng, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT chuẩn bị công phu với sự tham gia, tham vấn của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, được thẩm định bởi các cơ quan quản lý của Chính phủ.

Việc lấy ý kiến sâu rộng của công dân, đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài sẽ giúp chúng ta có được những bài học kinh nghiệm quý báu từ bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, có thể giảm tối đa những chồng chéo, xung đột, thiếu thống nhất và phân tán trong các quy định về BVMT của các luật có liên quan.

Cá nhân tôi cũng như rất nhiều công dân lo lắng cho sự nghiệp môi trường nói riêng và sự phát triển bền vững của đất nước kỳ vọng rằng, Luật BVMT sửa đổi lần này có thể hoàn thiện nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Châu (Thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Sửa Luật Bảo vệ môi trường: Quyết sách lớn cho phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới