Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách hiện nay
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị, PGS. TS Bùi Thị An khẳng định, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
Trên cơ sở Điều 43 và 63 Hiến pháp năm 2013, ngày 23/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thay cho Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, với nhiều quy định tiến bộ như ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành là nguyên tắc của Luật; quy định Quy hoạch môi trường; quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu...
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 bên cạnh những ưu điểm như kiềm chế việc gia tăng ô nhiễm môi trường, là công cụ pháp lý hữu hiệu góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, Luật cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
Thủ đô Hà Nội đang đối mặt với ô nhiễm không khí ở mức cao. |
Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc sửa đổi những bất cập là đúng nguyên tắc, tuy nhiên việc sửa đổi phải có tính khả thi với Chính phủ và người dân.
Theo bà An, có 4 điểm cần phải được sửa đổi. Thứ nhất, trách nhiệm của người gây ô nhiễm môi trưởng phải đóng mức thuế và phí tương xứng. Trong đó, cần phải có cơ quan giám sát độc lập, giám sát, kiểm tra chéo để các thông số được công bố đảm báo tính khách quan, phản ánh đúng thực tế. Từ đó xác định số tiền thuế, phí phải đóng tương xứng.
“Anh nào cũng công bố đảm bảo các chỉ số trong ngưỡng, nhưng không vượt ngưỡng cho phép thì tại sao ô nhiễm không khí lại nặng nề đến vậy?”, TS. Bùi Thị An nghi ngờ số liệu các doanh nghiệp tự báo cáo.
PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng. |
Thứ hai, bà An yêu cầu phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu. Theo bà An, địa phương nào có đơn vị gây ra ô nhiễm, người đứng đầu tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chứ không phải các cấp dưới.
Thứ ba, bà An cho rằng đầu mối xử lý vấn đề môi trường không nên dàn trải, phải thực sự tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát môi trường.
Bên cạnh đó, bà An kiến nghị cần sửa nội dung chất thải nguy hại. Trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề Amiang trắng trong fibro – xi măng. Theo đó, phế thải nguy hại cần phải được xử lý theo những quy trình, phương pháp riêng.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng tại các đô thị, PGS. TS Bùi Thị An khẳng định, việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, kèm theo đó chúng ta phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để toàn xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Cẩm Anh